Con nguy kịch, bố bị khởi tố
Tối 7/2/2024, ông Hoàng Văn Trí (SN 1979, trú tại phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP Hải Phòng) giao chiếc xe máy biển kiểm soát 89K4-60XX cho con trai là Hoàng Văn D (SN 2006) điều khiển đi ra khỏi nhà.
Tuy nhiên, điều mà ông Trí không thể ngờ tới, đó cũng là lần cuối cùng ông thấy người con trai chưa đủ 18 tuổi của mình lành lặn. Bởi lẽ, ngay sau đó, D gặp phải vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.
Theo kết quả điều tra của Công an quận Hải An, khoảng 0h ngày 7/2/2024, D cầm lái chiếc xe máy nói trên đến khu vực đường Phú Lương, phường Đông Hải 1 thì va chạm với xe ô tô biển số 15K-068.XX do anh Hoàng Đức Tài (SN 1990) điều khiển.
Tai nạn khiến D bị thương, được đưa cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, cơ quan y tế kết luận, tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của D lên đến 98%.
Sau khi củng cố hồ sơ, cùng với việc khởi tố đối với Hoàng Đức Tài về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, cơ quan điều tra còn làm rõ, ông Trí biết con trai chưa đủ 18 tuổi, không có giấy phép lái xe nhưng vẫn giao xe cho con. Vì vậy, ngày 13/9, cơ quan điều tra đã khởi tố ông Trí về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Hậu quả đáng tiếc
Tội danh cũng như hành vi mà ông Trí bị cáo buộc không phải là mới và không xa lạ đối với xã hội.
Đầu năm nay, tại tỉnh Hòa Bình, Bùi Văn Tuyến (SN 2001, trú huyện Lương Sơn) uống rượu cùng Bạch Công T (SN 2003, ở cùng địa phương) và 2 người khác. Sau cuộc nhậu, T mượn xe mô tô của Tuyến để đi đón bạn gái.
Tuyến biết rõ T đã sử dụng rượu bia, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện nhưng vẫn giao chìa khóa xe máy cho T đi. Khi T di chuyển trên quốc lộ 21B thì xảy ra va chạm với xe mô tô do anh Nguyễn Văn H (SN 2001, ở xã Cao Dương, huyện Lương Sơn) điều khiển.
Va chạm mạnh khiến anh H và anh T tử vong tại chỗ. Theo kết luận giám định, nồng độ cồn trong máu của anh T là 90mg/100ml máu.
Công an huyện Lương Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn Tuyến về cùng tội danh như trường hợp ông Trí đã nêu ở trên.
Mới đây nhất, Tòa án nhân dân huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Thị Yến (35 tuổi, trú Hà Tĩnh) về tội danh tương tự.
Tối 20/8/2023, bà Yến giao xe máy cho con là N.M.T. (SN 2009) điều khiển tham gia giao thông. Trên đường đi, xe máy này gây tai nạn với bà Lê Thị Tính (79 tuổi, người địa phương). Va chạm khiến bà Tính bị tổn thương cơ thể 74%.
Sau khi lượng hình, toà tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Yến 12 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung số tiền 10 triệu đồng.
Thương con sai cách
Trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay tình trạng thanh thiếu niến điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện diễn ra khá phổ biến.
Đáng chú ý, đây là thời điểm bắt đầu năm học mới nên tình trạng trên xảy ra thường xuyên. Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, từ ngày 5/9 đến nay (chỉ khoảng 2 tuần sau lễ khai giảng), lực lượng chức năng đã xử lý hơn 350 trường hợp vi phạm trật tự ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, tạm giữ 181 phương tiện các loại.
Ngoài ra, có hàng chục phụ huynh (là chủ xe) cũng bị xử phạt hành chính sau khi giao xe cho con chưa đủ điều kiện lái xe. Mức phạt tiền từ 800 nghìn - 2 triệu đồng tùy theo loại phương tiện.
Còn theo đại diện Cục CSGT, sau khi được người lớn giao xe, các tài xế ở lứa tuổi thanh, thiếu niên thường vô tư lái xe không đội mũ bảo hiểm, không có gương chiếu hậu. Nhiều em còn điều khiển xe với tốc độ cao, lạng lách gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông khác.
"Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ các bậc phụ huynh và thường là chủ xe, họ thương con, lo cho con phương tiện đi lại mà quên một điều, giao xe cho người chưa đủ điều kiện là vi phạm pháp luật", vị này cho biết.
Luật sư Hà Thị Khuyên (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, một số trường hợp khi được giao xe còn rủ bạn bè, thành viên các hội, nhóm lạng lách, rồ ga, ngang nhiên vi phạm giao thông. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Theo luật sư, trong một số vụ án, người điều khiển xe (khi chưa đủ điều kiện) gặp phải tai nạn hoặc gây ra tai nạn giao thông, người giao xe thì vướng lao lý, còn các em dang dở tương lai bởi những chấn thương.
"Nguyên nhân khác khiến tình trạng nêu trên vẫn còn phổ biến là do các nhà trường chưa ngăn chặn triệt để, chưa làm tốt công tác tuyên truyền", luật sư khuyến cáo.
Trung tá Nguyễn Quốc Huy, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an Hà Nội khuyến cáo, hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông tiềm ẩn hậu quả khôn lường về tai nạn giao thông, nhất là đối với trẻ vị thành niên.
Đây là độ tuổi mà nhận thức về pháp luật còn hạn chế, có tâm lý dễ bị lôi kéo, kích động nên dẫn đến các hành vi nguy hiểm như lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận