Thị trường

Vướng mắc mới, loạt dự án truyền tải điện lo “tắc đường” thi công

09/09/2023, 16:51

Nhiều dự án truyền tải điện đối diện nỗi lo không thể mở đường vào thi công nếu không được “gỡ” về chính sách.

Rắc rối sử dụng tạm rừng tự nhiên

Nguồn tin của PV Báo Giao thông cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu kiến nghị tạm sử dụng rừng tự nhiên để làm công trình tạm phục vụ thi công các dự án tạo nguồn điện và hệ thống truyền tải điện cấp bách, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Văn bản này xuất phát từ kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ NN&PTNT, EVN về việc gỡ vướng cho một dự án phục vụ nhập điện từ Lào về Việt Nam. 

Đó là Dự án Trạm cắt 220kV Đăk Ooc và các đường 220kV dây đấu nối cụm Nhà máy thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam đi qua huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Cụ thể, dự án này vướng vấn đề sử dụng tạm thời rừng tự nhiên để làm các công trình tạm (đường công vụ, bãi tập kết vật liệu...) phục vụ thi công.

Vướng mắc mới, loạt truyền tải điện lo “tắc đường” thi công - Ảnh 1.

Làm dự án đường dây truyền tải đi qua rừng tự nhiên gặp khó do không thể mở đường vào thi công.

Do đó, ngày 6/7/2023, Bộ NN&PTNT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương tác động vào rừng tự nhiên để làm đường tạm phục vụ thi công.

Tại văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, EVN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, EVN và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Nam. 

Đồng thời, rà soát, tổng hợp các kiến nghị tương tự về việc tạm thời sử dụng rừng tự nhiên để làm các công trình tạm (đường công vụ, bãi tập kết vật liệu...) phục vụ thi công các dự án tạo nguồn điện và hệ thống truyền tải điện cấp bách, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành tham mưu Chính phủ phương án giải quyết trong thời gian Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp chưa được ban hành, đảm bảo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; báo cáo trước ngày 20/9.

Trong báo cáo vừa gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực, EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương tác động vào rừng tự nhiên để làm đường tạm phục vụ thi công Dự án Trạm cắt 220kV Đăk Ooc và các đường dây 220kV đấu nối.

EVN cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với hạng mục móng trụ, tác động vào rừng để làm đường tạm phục vụ thi công sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương. 

Cùng đó, chỉ đạo các sở, ngành, huyện Nam Giang hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Trạm cắt 220kV Đăk Ooc.

Nhiều dự án sẽ lâm cảnh tương tự

Dự án Trạm cắt 220kV Đăk Ooc và các đường 220kV dây đấu nối cụm Nhà máy thủy điện Nam Emoun (Lào) chỉ là một trong những đường dây khởi đầu cho loạt vướng mắc sắp tới của các dự án truyền tải nếu không được Chính phủ gỡ khó.

Theo một cán bộ EVN, hiện nay công tác quản lý rừng chặt chẽ hơn trước đây rất nhiều. Một dự án muốn được phê duyệt chủ trương đầu tư thì phải có đồng thời với phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Trong quá trình triển khai thi công, đơn vị thi công phải mở đường vào vị trí móng trụ. Việc mở đường tạm để phục vụ việc vận chuyển máy móc, vật liệu thi công sẽ tác động vào rừng. Các dự án trước đây địa phương chưa chú ý đến công tác này nên không gặp vướng mắc. Tuy nhiên giờ đây, vấn đề này lại đang được kiểm soát chặt chẽ hơn.

"Việc tạm thời sử dụng rừng tự nhiên để làm các công trình tạm này chưa được quy định trong luật", vị này cho biết.

Vì thế, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ NN&PTNT mới xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để gỡ vướng.

Vướng mắc mới, loạt truyền tải điện lo “tắc đường” thi công - Ảnh 2.

Việc tạm thời sử dụng rừng tự nhiên để làm các công trình tạm chưa được quy định trong luật.

Trước đây, dự án Đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) dài khoảng 43km để mua điện từ dự án Nhà máy điện gió Monsoon (Lào) cũng gặp tình trạng tương tự dự án đường 220kV dây đấu nối cụm Nhà máy thủy điện Nam Emoun (Lào).

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, để có thể mở đường vào vị trí thi công, đường dây Monsoon - Thạnh Mỹ phải lấy 17 chữ ký các bộ, ngành địa phương với tổng cộng diện tích sử dụng tạm rừng tự nhiên là 4ha. 

Chính phủ đã phải ban hành riêng một Nghị quyết (Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 23/2/2023) thí điểm cho phép tác động vào rừng tự nhiên để làm một số công trình tạm phục vụ thi công Dự án đường dây 500kV Monsoon – Thạnh Mỹ.

Nhiều dự án đường dây sắp tới cũng lâm cảnh tương tự, tức là không có đường vào thi công.

Trong đó, quan trọng bậc nhất hiện nay là đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch ra Phố Nối. Dự án này gồm 4 đoạn. Đoạn Quảng Bình đi Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu – Thanh Hóa, Thanh Hóa – Nam Định, Nam Định – Phố Nối: Trong đó, đoạn Quảng Bình – Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu – Thanh Hóa phải đi qua rừng. 

Vì thế, nếu không có phương án giải quyết triệt để, nhiều dự án đường dây có thể bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.