Hạ tầng

Vướng mặt bằng, dự án đường nghìn tỷ ở Hòa Bình nguy cơ chậm tiến độ

04/06/2023, 20:24

Gặp khó trong công tác GPMB và thiếu hụt đất đắp, dự án đường nghìn tỷ ở Hòa Bình có nguy cơ chậm tiến độ.

Thi công cầm chừng do vướng mặt bằng

Dự án Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1) được HĐND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Nghị quyết số 443/NQ-HĐND ngày 28/4/2021 và được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt dự án tại Quyết định số 2854/QĐ-UBND ngày 3/12/2021. Dự án có điểm đầu từ Km 0+00 tiếp giáp vào đường Âu Cơ, thuộc địa phận thị trấn Lương Sơn, điểm cuối dự án Km 7+608 giao với đường Hồ Chí Minh tại Km 418+700 thuộc địa phận xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Tổng diện tích đất thực hiện dự án khoảng 34,75ha đất các loại với chiều dài tuyến 7,6km nằm trên địa bàn thị trấn Lương Sơn và xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 568 hộ, trong đó có khoảng 81 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư.

img

Đơn vị đang thi công hạng mục cầu

Những ngày cuối tháng 5, có mặt tại công trường dự án, PV không khỏi bất ngờ khi đang là mùa xây dựng nhưng công trường lại rất thưa thớt. Một số điểm có máy móc nhưng làm việc kiểu cầm chừng. Có vị trí đã dừng hoạt động do không có mặt bằng. Đi dọc tuyến với quãng đường hơn 7km, PV nhận thấy, công việc chính của các nhà thầu vẫn là bóc lớp đất phong hóa để làm cầu.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Sông Đà cho biết: Chúng tôi đang tạm dừng thi công do không có mặt bằng, cũng như thiếu đất đắp công trình. Toàn bộ máy móc đang để ở công trường mà không có việc. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết những vấn đề khó khăn này.

Thông tin đến PV Báo Giao thông, UBND huyện Lương Sơn cho biết: Công tác đền bù, GPMB tại dự án đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai dự án chậm do khâu đo đạc bản đồ trích đo chưa chuẩn so với thực tế dẫn đến mất thời gian đề nghị điều chỉnh lại bản đồ. Quá trình đo đạc bản đồ chưa đúng với hiện trạng sử dụng đất của các hộ. Loại đất, diện tích thu hồi trong bảng kê trích đo và bản đồ thực hiện dự án còn sai lệch không đúng so với bản đồ địa chính.

Ngoài ra, cơ quan đo đạc trước khi thành lập bản đồ trích đo thực hiện dự án chưa phối hợp với UBND thị trấn Lương Sơn tiến hành quy chủ (xác định chủ đất - PV) đối với các thửa đất thuộc diện phải thu hồi thực hiện dự án; ranh giới các thửa đất còn đo đạc chồng lấn nhiều đối với các loại đất do UBND thị trấn quản lý, đặc biệt là đất sông, suối. Do vậy, UBND thị trấn Lương Sơn không có cơ sở để áp giá bồi thường, hỗ trợ cho các hộ.

Khẩn trương giải quyết khó khăn, vướng mắc

Theo UBND huyện Lương Sơn, để giải quyết tình trạng trên, trong thời gian tới huyện sẽ đề nghị UBND các xã Hòa Sơn, thị trấn Lương Sơn xác minh rõ, chính xác nguồn gốc đất, thời điểm tạo lập tài sản đối với những hộ xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền, vận động đến các hộ thực hiện tốt việc kê khai, kiểm kê.

img

Hơn 6km nền mặt đường chưa được GPMB

Đồng thời, UBND huyện Lương Sơn đề nghị chủ đầu tư là Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình (Ban QLDA ĐTXD các CTGT tỉnh Hòa Bình) thực hiện kiểm tra, đóng mốc lại các vị trí mốc giới đã cắm ngoài thực địa và đối chiếu với bản đồ trích đo thực hiện dự án. Việc này nhằm tránh tình trạng hộ dân không có diện tích thu hồi nhưng đơn vị thi công vẫn san ủi lên phần đất của họ.

"Đề nghị Ban QLDA ĐTXD các CTGT tỉnh Hòa Bình làm việc với đơn vị trích đo, phối hợp với UBND xã, thị trấn, trưởng tiểu khu, trưởng các thôn có đất thu hồi nhằm thực hiện đo đạc, xác minh ranh giới, mốc giới, quy chủ sử dụng đất, thửa đất theo đúng hiện trạng, đầy đủ và chính xác để địa phương thực hiện các bước bồi thường GPMB theo quy định", UBND huyện Lương Sơn nêu rõ.

img

Vướng mặt bằng, nhà thầu thi công cầm chừng

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình cho biết: Đến thời điểm hiện tại mới bàn giao được 1/5 vị trí cầu, 0,9/7,6km nền mặt đường. Giá trị giải ngân đến thời điểm hiện tại được khoảng 20,3/411,6 tỷ đồng, đạt khoảng 4,9%.

Quá trình triển khai dự án được sự ủng hộ cao của chính quyền địa phương và nhân dân nơi dự án đi qua. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ bàn giao mặt bằng còn chậm, do vướng mặt bằng nên đến thời điểm hiện tại một số mũi thi công phải dừng thi công do hết mặt bằng. Công tác xây dựng khu tái định cư đang triển khai chậm so với tiến độ đã đề ra.

Ngày 12/5/2023 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 985/QĐ-UBND, trong đó ủy quyền cho UBND các huyện tiến hành thẩm định giá đất nên hiện nay UBND huyện Lương Sơn đang gấp rút triển khai. Đối với vấn đề thiếu hụt đất đắp, Ban đã có văn bản trình UBND tỉnh để tìm phương án giải quyết.

Ngay khi có ủy quyền thẩm định giá đất, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã phối hợp với UBND huyện Lương Sơn và các phòng, ban liên quan làm việc với đơn vị tư vấn thẩm định giá để sớm trình UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt giá đất.

“Thời gian tới, để đảm bảo tiến độ dự án, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền các chế độ, chính sách liên quan đến GPMB đến từng hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”, ông Tuấn thông tin.

Dự án Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 999 tỷ đồng (trong đó, chi phí GPMB 411,6 tỷ đồng; chi phí xây dựng 420 tỷ đồng, còn lại là chi phí tư vấn, quản lý, dự phòng…). Bề rộng nền đường 28 - 34m, bề rộng mặt đường 21m, bề rộng vỉa hè 2 bên 10m, bề rộng dải phân cách 3m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa, trên tuyến xây dựng 5 cầu, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.

Dự án được triển khai thi công từ tháng 9/2022, thời gian dự kiến hoàn thành 34 tháng, thời gian triển khai dự án từ năm 2022 - 2025. Đơn vị thi công là liên danh Công ty Cổ phần xây dựng giao thông Long Thành, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Sông Đà và Công ty Cổ phần công trình giao thông Hải Phòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.