Bất nhất tên gọi của cát tự nhiên
Phản ánh đến Báo Giao thông, anh N.T.H, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu cát từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang, cho biết từ 1/1, khi hiệu lực của Thông tư 04, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng có hiệu lực, doanh nghiệp của anh gặp không ít khó khăn khi nhập khẩu cát.
Nguyên nhân vướng mắc là do loạn tên gọi cát tự nhiên trong quy định của Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Xây dựng gọi cát tự nhiên là "cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa", còn Bộ Tài chính gọi là "cát oxit silic (cát tự nhiên)".
Anh H cho biết, theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Bộ Tài chính, mã 2505 là cát oxit silic (cát tự nhiên). Do đó, khi khai tờ khai hải quan với mã 2505 là cát oxit silic (cát tự nhiên) thì được thông quan hàng hóa.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp làm đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu tại Sở Xây dựng thì đơn vị này không tiếp nhận hồ sơ đăng ký với lý do "cát oxit silic (cát tự nhiên) hoặc "cát tự nhiên (cát oxit silic)" không thuộc danh mục, sản phẩm hàng hóa quy định trong Thông tư 04.
Việc chồng chéo tên gọi giữa hai bộ này khiến cát không được thông quan qua cửa khẩu, doanh nghiệp "thiệt đơn, thiệt kép".
Anh M.T.N cho biết, hàng hóa không về được, không trả hàng theo hợp đồng cung cấp, đối tác phạt hợp đồng. Thiệt hại về uy tín không thể đong đếm được. Còn nhìn ngay trước mắt là thiệt hại về thuê mướn sà lan.
Anh N cho hay, doanh nghiệp phải thuê sà lan theo tháng, tính giá thuê hơn 10 triệu/ngày. Sà lan đứng im, doanh nghiệp vẫn phải trả tiền thuê. Đó là chưa nói đến những thiệt hại về thuế khi hàng hóa không được nhập khẩu.
"Một mã cát, hai cơ quan quản lý Nhà nước sử dụng hai tên khác nhau, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang vướng mắc, không biết làm thế nào để thông quan hàng hóa. Chúng tôi mong rằng các bên có sự thống nhất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp", anh N nói.
Bộ Xây dựng thống nhất tên gọi "cát oxit silic (cát tự nhiên)"
Trước những vướng mắc trên, Sở Xây dựng tỉnh An Giang đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng An Giang cho biết, "cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa" quy định tại mục II.2, Bảng 1 - Danh mục sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có mã 2505.10.00.
Tuy nhiên, theo hồ sơ cung cấp của một số doanh nghiệp, tờ khai nhập khẩu (thông báo kết quả phân luồng) thể hiện loại hàng hóa nhập khẩu là "cát oxit silic (cát sông tự nhiên)", mã hàng hóa phân loại theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là 2505.10.00.
Sở Xây dựng An Giang đề nghị Bộ Xây dựng cho biết "cát oxit silic, mã 2505.10.00 và "cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa", có mã 2505.10.00 có giống nhau?
Trả lời nhanh với PV Báo Giao thông về nội dung này, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đã có nội dung trả lời do Vụ Khoa học chủ trì, Vụ Vật liệu phối hợp. Bộ Xây dựng thống nhất, cát tự nhiên là oxit silic. Bộ Xây dựng đề nghị Sở Xây dựng An Giang tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra Nhà nước với hàng hóa nhập khẩu nêu trên.
Tàu nhập khẩu cát từ Campuchia về Việt Nam chờ thông quan qua cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang.
Theo đó, ban hành kèm theo thông tư này là quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2023/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2023/BXD có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024. Bãi bỏ quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2019/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng ban hành kèm theo thông tư số 19, ngày 31/12/2019 của bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận