Địa chất phức tạp, nước ngầm không cản bước tiến khoan hầm
Quệt mồ hôi trên khuôn mặt, ông Trịnh Văn Quý (50 tuổi, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội) thợ vận hành máy khoan hầm Sanvik DT821 của nhà thầu Công ty CP Sông Đà 10 cười tươi đón thời khắc đào thông ống phải hầm Sơn Triệu (gói thầu XL11, cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh).
Trưa 31/3, mũi thi công ống phải hầm Sơn Triệu vỡ òa khi thực hiện thành công gương đào cuối cùng, chính thức đào thông ống hầm phải dài 535m.
Ông Quý bảo, 30 năm thâm niên trong nghề, nhưng mỗi lần đào đến những mét hầm cuối cùng, anh em lại hồi hộp chờ đợi từng phút. Mở hầm hy vọng bao nhiêu, thì ngày thông hầm cũng vui như lúc đón giao thừa.
Nhìn dàn thiết bị Sông Đà 10 tập kết ở công trường, nhiều chuyên gia tấm tắc bởi việc đầu tư thiết bị chuyên nghiệp, hiện đại đã giúp nhà thầu giải quyết đường găng kỹ thuật, đẩy tiến độ công trình.
Bên cạnh robot khoan hầm Sanvik DT821 được xem là hiện đại nhất cả nước, các mũi thi công Sông Đà 10 trang bị máy phun vẩy bê tông robot Meyco, máy xúc lật "khủng" dung tích gầu 4m3…
Ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Ban Điều hành dự án Sông Đà 10 cho hay, ngày thông ống hầm phải, nhiều người ngỡ ngàng không dám tin, bởi địa chất phức tạp, địa hình và hàng loạt yếu tố bất lợi phát sinh trong suốt quá trình đào.
Theo ông Quảng, khó khăn nhất là các ống hầm gặp địa chất thay đổi nhiều so với khảo sát ban đầu, có nhiều đứt gẫy, đất đá rời rạc, nước ngầm và vướng hạ tầng kỹ thuật cột điện cao thế...
Ngoài khó khăn về địa chất, hai bên cửa hầm còn vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường điện 200Kv.
"Ngày mới mở hầm, đào được vài chục mét, mũi thi công chúng tôi tạm ngưng vì gặp sạt lở, nước ngầm… Anh em công trường thức trắng đêm, bàn nhau đủ cách và cuối cùng áp dụng thành công các kinh nghiệm, công nghệ đào hầm NATM của Áo để cố kết các khối đá xung quanh. Gần cả tháng, tiến độ đào hầm mới trôi chảy trở lại", ông Quảng kể.
Theo ông Quảng, để bù phụ tiến độ trên, Sông Đà 10 tăng cường loạt trang thiết bị hiện đại, công suất khủng, đồng thời bố trí gần gấp đôi số nhân lực để tăng ca tăng kíp.
Theo kế hoạch phê duyệt ban đầu, Sông Đà bố trí 180 kỹ sư, công nhân cho tất cả các mũi thi công, công tác trên công trường, nhưng đơn vị chủ động tăng lên 270 người.
Bên cạnh đó, tại mỗi ống hầm, Sông Đà 10 huy động 4 robot khoan hầm Sanvik DT821, loạt máy phun vẩy bê tông robot Meyco công suất 30 khối/h, đông cứng ngay…
Nhờ loạt giải pháp trên, trung bình mỗi ngày 2 mũi khoan hầm tiến sâu khoảng 10m, mỗi gương đào chu kỳ 1-3m (tùy đá tốt xấu), mỗi chu kỳ đào rút ngắn tối đa còn 18 tiếng (so với trung bình khoảng 24 tiếng).
"Phương châm là người chờ việc, chứ không để việc chờ người. Tất cả khâu đoạn sẵn sàng, không để thời gian chết trên công trường. Ví dụ như nổ mìn xong, công tác khoan đào đã sẵn sàng, rồi đến công tác xúc bốc vận chuyển, công tác chống đỡ hầm…", ông Quảng chia sẻ.
Quyết tâm cao độ của các đơn vị triển khai dự án đã đưa ống phải hầm Sơn Triệu thông sớm trước tiến độ 1 tháng.
Trong khi đó ống trái hầm dài 600m cũng đã đào được 200m. Theo ông Quảng, nếu không gặp địa chất phức tạp, Sông Đà 10 hoàn toàn có thể cán đích thông hầm trước 3 tháng tiến độ.
Theo lãnh đạo Ban QLDA 85, đến nay hầm Sơn Triệu đạt gần 35% tiến độ. Với việc thông sớm ống phải, nhà thầu Sông Đà 10 tăng cường mũi đào hầm cho ống trái để đào cả hai hướng, tiếp tục rút ngắn tiến độ thông hầm. Đồng thời triển khai các công tác hoàn thiện vỏ hầm.
Nỗ lực bứt phá dự án
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam (nhà thầu chính gói thầu 12-XL, 13-XL, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng liên danh các nhà thầu thi công dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh cho biết, đơn vị đang huy động tối đa lực lượng trên công trường để khẩn trương thi công dự án sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại chuyến thị sát vừa qua.
Các đơn vị thi công tăng ca, kíp, tận dụng đoạn tuyến có mặt bằng sạch để triển khai cuốn chiếu.
Thống kê đến nay, trên toàn tuyến cao tốc, các nhà thầu đã huy động 63 mũi thi công với 825 máy móc thiết bị; 242 kỹ sư, gần 1.500 công nhân, lái máy.
Trong đó, tập trung vào các hạng mục chính như đào nền đường, đạt 62,65%; đắp nền đường bằng đá tận dụng đạt 68,35%; đắp nền K90 đạt 25,20%; đắp nền K95 đạt 54,89%;...
Đại diện Ban QLDA 85 cho hay, tiến độ dự án đạt gần 27%, đảm bảo kế hoạch đề ra. Trong đó, gói thầu 12-XL của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng 168 đạt tiến độ hơn 37%.
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam cho biết thêm, hiện trên công trường còn một số vị trí vướng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt tại những vị trí cần xử lý nền đất yếu mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, đơn vị quán triệt tinh thần nhận mặt bằng sạch đến đâu khẩn trương thi công đến đó, không chờ có mặt bằng hết rồi mới thi công.
Theo Công ty CP Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam dự án cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh được các địa phương Bình Định, Phú Yên nỗ lực vào cuộc GPMB, bố trí nguồn vật liệu.
Đến nay nhà thầu đã khai thác được 2 mỏ cát mở mới trên địa bàn tỉnh Phú Yên (Mỏ cát xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân và mỏ cát sông Cái thôn Mỹ Long, xã An Dân huyện Tuy An).
Tại Bình Định, 2 mỏ đất TDVC07 thuộc huyện Vân Canh, mỏ đất TDTS27 thuộc huyện Tây Sơn cũng hoàn thiện thủ tục để nhà thầu khai thác. Bên cạnh đó 31 bãi đổ thải cũng được phê duyệt, tạo điều kiện thi công, đổ thải...
Theo lãnh đạo Hội đồng liên danh nhà thầu cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, để đảm bảo thi công vượt tiến độ như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại buổi thị sát dự án mới đây, đơn vị phối hợp địa phương, Ban QLDA để có thể xử lý dứt điểm tồn đọng mặt bằng.
Đáng kể như trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn 1,09km thuộc địa phận thôn Long Thạnh chưa bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra còn một số hộ dân có công trình nhà cửa thuộc thôn Long Thạnh, xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu và xã An Định, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An chưa thống nhất nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.
Bên cạnh đó, công tác triển khai các dự án TĐC, di dời hạ tầng kỹ thuật của các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn chậm.
"Mặt bằng bàn giao trong tháng 4/2024 góp phần đẩy tiến độ thi công hoàn thiện dự án trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt hoàn thiện các công tác nền đường trước mùa mưa cận kề", đại diện Nhà thầu Công ty CP Xây dựng 168 Việt Nam kiến nghị.
Hầm Sơn Triệu được thi công mở cửa từ ngày 1/11/2023, có chiều dài 960m, trong đó bao gồm quảng trường hai cửa hầm và các ống hầm.
Tuyến hầm vượt qua núi Sơn Triệu thuộc địa phận phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn và xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Ống hầm phải có chiều dài 535m, ống hầm trái có chiều dài 600m. Mỗi ống hầm được xây dựng 3 làn xe. Tốc độ thiết kế 120km/h.
Đơn vị thi công chính là Công ty Sông Đà 10, nhà thầu phụ Công ty CMH
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận