Ngư dân miền Trung hồ hởi vươn khơi trước “làn sóng” giảm giá xăng dầu |
Tiết kiệm cả nghìn tỷ đồng
Âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) ken đặc tàu thuyền đậu sát nhau. Không ít chủ tàu tất bật liên hệ đầu mối sắm sửa lương thực, đá, nước, nhiên liệu sẵn sàng ra khơi. Ngư dân Lê Văn Sang, trú phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng, chủ tàu Đna-90444 cho biết, trung bình mỗi chuyến biển kéo dài 15 ngày, hai tàu công suất hơn 800 CV của anh mất 10 nghìn lít dầu diesel. Giá dầu vừa giảm hơn 1 nghìn đồng/lít giúp anh tiết kiệm hơn chục triệu đồng mỗi chuyến đi biển.
Ngư dân Trần Văn Mười (P Mân Thái, quận Sơn Trà), chủ tàu Đna-90567 có công suất 948 CV chuyên hành nghề câu mực xà, với 50 lao động trên tàu nói, đặc thù nghề này bám biển ba tháng trời. Giá xăng dầu giảm mạnh kéo theo giá cả nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cũng giảm theo nên chi phí mỗi chuyến biển đỡ áp lực với mức giảm tới 30-50 triệu đồng...
Tại Quảng Nam, anh Võ Quang Sang, (Tam Phú, Tam Kỳ), chủ tàu cá Qna-94029 hồ hởi: “Trước đây, mỗi chuyến biển tôi phải mua 700 lít dầu, chi phí hơn 16 triệu đồng, nhưng nay chỉ phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng”. Tương tự, ngư dân Nguyễn Quang, người có bốn cặp tàu tại thị trấn Tư Nghĩa, Quảng Ngãi chia sẻ: Trung bình mỗi chuyến vươn khơi ba tháng, một cặp tàu tiêu thụ khoảng 90 nghìn lít dầu diesel, bốn cặp lên tới 360 nghìn lít. So với hồi giữa tháng 10, mỗi phiên biển anh giảm chi phí nhiên liệu được 360 triệu đồng, còn so với thời điểm giá dầu cao nhất tiết kiệm gần 1,3 tỷ đồng.
Với gần 6 nghìn tàu thuyền, trong đó hơn 2.500 tàu đánh bắt xa bờ, xăng dầu giảm giá giúp ngư dân Quảng Ngãi tiết kiệm từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng mỗi chuyến ra khơi. Tính chung cả nước, khoản chi phí tiết kiệm được nhờ xăng dầu giảm giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ngư dân yên tâm bám biển
Cà Mau hiện có 4 nghìn tàu đánh cá thì ngư dân Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) chiếm 1.000 chiếc, có trọng tải lớn, công suất máy mạnh và có điều kiện hoạt động xa bờ vào loại nhất tỉnh và vùng ĐBSCL. Ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho biết, giá xăng dầu giảm và giữ như hiện nay, bà con ngư dân mau làm giàu.
Lão ngư Nguyễn Tấn Biểu, ở khu vực 2, thị trấn Sông Đốc có đoàn tàu 15 chiếc khoe: “Chuyến biển vừa qua, trung bình mỗi chiếc tàu lời từ 50- 70 triệu đồng nhờ xăng dầu giảm giá!”. Ông Nguyễn Văn Đặng ở khu vực 1, thị trấn Sông Đốc cho hay, hai chiếc tàu câu mực của gia đình sử dụng khoảng 2 nghìn lít dầu, mỗi chuyến biển tiết kiệm trung bình 10 triệu đồng, đồng nghĩa lợi nhuận tăng gần tương ứng.
Ông Huỳnh Văn Tuôi, ở cửa biển Rạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau) có bốn chiếc tàu chuyên mua tôm sú ngoài biển, phấn khởi: “Chi phí xăng dầu giảm, mang lại cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Bà con ở Rạch Gốc rất mừng, tàu khai thác biển, tàu dịch vụ hậu cần đều náo nức ra khơi làm ăn”.
Nhiều chủ tàu Quảng Nam trần tình, từ đầu năm đến nay phải nằm bờ vì chi phí mỗi chuyến biển tăng cao, trong khi giá hải sản lại giảm từ 20-30% so với cùng kỳ khiến nhiều tàu thua lỗ. Trước đây, chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến biển trung bình khoảng 120 triệu đồng, vì vậy nếu muốn có lãi, ngư dân phải tăng sản lượng đánh bắt lên gấp rưỡi hoặc gấp hai lần. Giờ chi phí giảm, ngư dân rất yên tâm bám biển.
Nga Dương - Nguyễn Hưng
Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, ngư dân Đà Nẵng đã đóng mới và nâng cấp 48 chiếc tàu từ 90 CV trở lên, nâng công suất bình quân tàu thuyền của thành phố lên 97 CV/tàu (năm 2013 là 72 CV/tàu). TP đã hỗ trợ đợt 1 cho 27 tàu cá với 60 chuyến biển, số tiền hơn 4,3 tỷ đồng. 80 tàu cá đang được xem xét hỗ trợ đợt 2 với 217 chuyến biển, số tiền hơn 15,2 tỷ đồng. Ngoài ra Đà Nẵng còn hỗ trợ đóng mới 411,5 triệu đồng/tàu trong đợt 1 theo Quyết định 7068/QĐ-UBND. Hiện có bốn chiếc đã đóng mới đang làm thủ tục hỗ trợ, bốn chiếc đang xét hồ sơ và một chiếc đang đóng mới; Hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên cho 2.455 người lao động trên tàu cá có công suất từ 50 CV trở lên... Trần Trình Lãm |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận