Mâu thuẫn giữa dự thảo và quy định đã áp dụng?
Bộ Xây dựng đang dự thảo Thông tư Hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị. Khi thông tư này được ban hành sẽ thay thế Thông tư Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị ban hành năm 2017 (TT14/2017/TT-BXD).
Trong nội dung dự thảo lấy ý kiến, có 2 quy định thu hút nhiều sự quan tâm, đó là: Khoản 1, Điều 6 (Quản lý định mức dịch vụ sự nghiệp công), quy định ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành định mức. Nội dung cụ thể: "Định mức kinh tế - kỹ thuật do UBND cấp tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung là cơ sở để ban hành giá, đơn giá sản phẩm hoặc lập dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công".
Đồng thời, khoản 3, Điều 7, dự thảo quy định việc thuê tư vấn, thẩm tra định mức kinh tế - kỹ thuật. Quy định nêu: "Cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để xây dựng hoặc thẩm tra định mức kinh tế - kỹ thuật, giá, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách địa phương. Chi phí thuê tổ chức, cá nhân tư vấn được xác định bằng dự toán chi phí phù hợp với nội dung, yêu cầu của công việc cần thiết".
Nhiều ý kiến cho rằng, thẩm quyền ban hành định mức thuộc Bộ Xây dựng, đề nghị Bộ Xây dựng ban hành theo quy định, đảm bảo định mức thống nhất trên cả nước.
Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang cho biết, theo khoản 1, Điều 26 của Nghị định 32 (32/2019/NĐ-CP, ngày 10/4/2019) của Chính phủ, việc ban hành định mức thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Đồng thời, đối với định mức chi phí quản lý chung trong dự toán; chi phí quản lý, chi phí giám sát dịch vụ sự nghiệp công kiến nghị xem xét ban hành định mức áp dụng chung đối với từng loại đô thị, do việc xác định các chi phí trên bằng phương pháp lập dự toán gặp rất nhiều khó khăn trong thẩm định.
Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai ngoài viện dẫn quy định tại NĐ32, viện dẫn thêm các quy định liên quan, như Thông tư 14 (khoản 1, Điều 5) của Bộ Xây dựng quy định: "Định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị do Bộ Xây dựng công bố là cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vận dụng, áp dụng trong quá trình xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị...". Tất cả các tập định mức dự toán nêu trên đã và đang được 63 tỉnh áp dụng.
Hay như Thông tư 03 (điểm d, khoản 8, Điều 2) của Bộ Xây dựng hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì sở xây dựng chỉ có nhiệm vụ tổ chức lập để trình UBND tỉnh công bố hoặc ban hành định mức dự toán các dịch vụ công hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn chưa có trong định mức dự toán Bộ Xây dựng công bố.
Do đó, Sở Xây dựng Lào Cai cho rằng, thẩm quyền trách nhiệm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công đối với lĩnh vực quản lý của ngành xây dựng (lĩnh vực cây xanh, chiếu sáng và thoát nước đô thị...) thuộc thẩm quyền Bộ Xây dựng. Sở này kiến nghị xem xét có hay không việc mâu thuẫn giữa bản dự thảo và các quy định nêu trên.
Lo lắng cắm quy định, trục lợi chính sách
Cũng góp ý nội dung này, trước đó, Bộ Tài chính có văn bản (13297) gửi Bộ Xây dựng, văn bản dẫn quy định về Trách nhiệm của bộ, cơ quan Trung ương (điểm b, khoản 1, Điều 26): "Ban hành sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công làm cơ sở ban hành đơn giá, sản phẩm, dịch vụ công...".
Hay khoản 8, Điều 2, Nghị định số 52/2022/NĐ-CP, ngày 8/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu Bộ Xây dựng trong lĩnh vực dịch vụ hạ tầng kỹ thuật (bao gồm dịch vụ chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị): "Quản lý về dịch vụ hạ tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, việc lập và quản lý chi phí, phương pháp định giá dịch vụ hạ tầng kỹ thuật".
Từ các căn cứ nêu trên, Bộ Tài chính khẳng định, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ ban hành theo thẩm quyền định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý, làm cơ sở ban hành đơn giá, sản phẩm dịch vụ công.
Bên cạnh góp ý từ các cơ quan chức năng bằng văn bản, cũng có những ý kiến cá nhân chia sẻ lo lắng với Báo Giao thông rằng, việc yêu cầu UBND các tỉnh (63 tỉnh) xây dựng các bộ định mức dịch vụ công cây xanh đô thị, chiếu sáng đô thị dẫn đến tốn kém ngân sách Nhà nước, không đảm bảo tính thống nhất và khó khăn khi tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, việc lập định mức là công việc có chuyên ngành riêng, hầu như tại các địa phương không có đơn vị tư vấn có khả năng lập định mức, vì vậy quy định tại khoản 3, Điều 7 của dự thảo có thể dẫn đến việc địa phương phải đặt hàng độc quyền với các đơn vị của Bộ Xây dựng (Trung tâm tư vấn Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng), dẫn đến trục lợi từ chính sách.
Để có thêm thông tin về các ý kiến trên, Báo Giao thông đã liên hệ với đơn vị soạn thảo dự thảo là Cục Kinh tế xây dựng Bộ Xây dựng. Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin khi Cục Kinh tế phản hồi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận