Sách

Xây dựng luật, chính sách phát triển, thuế, đầu tư cho phát triển văn hóa

Xây dựng các luật, chính sách phát triển, công vụ về thuế, chính sách hỗ trợ và cơ chế đầu tư của Nhà nước cho phát triển văn hóa.

Báo Giao thông xin trích dẫn bài tham luận của ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ VH,TT&DL có tên “Từ ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tạo động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững” tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.

img

Hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" sẽ có 1 phiên chuyên đề để các đại biểu trình bày tham luận và 1 phiên thảo luận bàn tròn

Cần xây dựng các chính sách pháp luật về văn hóa

“Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ngày 24/11/2021, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị “cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người”.

Yêu cầu về hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa được các văn kiện của Đảng chỉ ra, được Hiến pháp ghi nhận và là nhu cầu tự thân của văn hóa trong bối cảnh phát triển bền vững.

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch và tính ổn định của hệ thống pháp luật chuyên ngành, tương thích với hệ thống chung, đã đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn cho công tác xây dựng thể chế chính sách pháp luật về văn hóa, gắn với 3 nguyên tắc vận động của văn hóa:

Dân tộc đang trở thành vấn đề của thời đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt việc thể chế chính sách pháp luật của các quốc gia vừa nhân lên sức mạnh văn hóa của quốc gia mình, vừa tuân thủ các “luật chơi” mang tính quốc tế qua các cam kết quốc tế tham gia và xu hướng toàn cầu hóa, trong đó có văn hóa mà dường như không thể đảo ngược được.

Toàn cầu hóa, giao lưu và hợp tác quốc tế tác động đến việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa cần đặt trong mối quan hệ tương quan với pháp luật, thông lệ quốc tế, phù hợp với những nguyên tắc ứng xử chung, có thể nằm ngoài biên giới của quốc gia.

Đại chúng vừa là mục tiêu, yêu cầu là nhiệm vụ của nhiều chính sách, trong đó các chính sách văn hóa là sự thể hiện tiêu biểu tính đại chúng. Nghệ thuật có cao siêu đến mấy, hàn lâm thế nào chăng nữa, suy cho cùng mục tiêu cũng phục vụ người dân, đại chúng.

Các quyền về văn hóa gắn với những quyền cơ bản của con người chỉ được tôn trọng, ghi nhận, thực thi một cách phù hợp nhất qua hệ thống các chính sách pháp luật.

Việc thể chế hóa nếu chung chung, thiếu cụ thể, cũng mang tính đường hướng sẽ làm thiếu tác dụng thực tế của chủ trương, đường lối đến văn hóa, đến các chủ thể văn hóa.

Do đặc thù của văn hóa, tính trừu tượng, chung chung, khó đo đếm, thậm chí “nhạy cảm”, ẩn chứa trong tâm hồn, tình cảm, được “bộc lộ” với vô vàn phương thức, nên việc thể chế hóa, áp dụng các quy định cụ thể, cứng nhắc có những điểm chưa phù hợp, hoặc rất khó thể chế hoá.

Đây là điểm khác biệt, cũng là vấn đề khó trong thể chế hóa văn hóa so với các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt là so với lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, do đó việc thể chế hóa và vận dụng trong quản lý văn hóa cần có độ mềm dẻo, co dãn nhất định.

Khoa học ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật về văn hóa. Không chỉ là những mong muốn, ý chí chủ quan của nhà quản lý, mà các chính sách, pháp luật cần tôn trọng các quy luật tự nhiên, đúc rút từ những vấn đề của thực tiễn sinh động.

Đối tượng của thể chế hoá văn hoá vừa rất rộng, nhưng cũng vô cùng đặc thù là điểm khó khăn cho công tác thể chế hoá. Rộng do phạm vi, lĩnh vực cách hiểu về văn hoá tới mọi ngóc ngách của cuộc sống, đến từng nhà, từng người, đặc thù do đội ngũ sáng tạo và thể hiện văn hoá rất đặc biệt, không phụ thuộc vào lứa tuổi, giới tính, dân tộc, mang đặc thù riêng, nhạy cảm, nhất là đội ngũ văn nghệ sỹ, với đặc tính hết mình, cống hiến, có cá tính.

Nên việc xây dựng các chính sách pháp luật về văn hóa vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vừa phải dựa trên cơ sở lý luận. Trong đó tập trung đánh giá tác động chính sách cần tăng cường tính dự báo, phân tích, đánh giá có số liệu dựa trên các cơ sở khoa học là yêu cầu đặt ra ngày càng cao đối với việc xây dựng chính sách pháp luật về văn hóa.

Toàn cầu hóa về văn hóa là xu thế khách quan, bối cảnh thế giới luôn biến động, nhưng văn hóa ngày càng thể hiện vị thế của mình, gắn văn hóa với phát triển, văn hóa với kinh tế đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Các quốc gia ngày càng đề cao bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời cũng bị cuốn theo các cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại đặt ra những môi trường mới cho sáng tạo, thực hành và cả quản lý văn hóa.

Quản lý văn hóa bằng pháp luật, trong đó phát triển các công cụ chính sách đầy đủ đảm bảo sự sáng tạo và hưởng thụ văn hóa đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn kiện của Đảng.

img

Các chuyên gia văn hóa đã có mặt từ 7h30 sáng nay để tham dự Hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển"

Chính sách pháp luật phát triển văn hóa với 3 nguyên tắc

Vận dụng sáng tạo 3 nguyên tắc vận động của văn hóa: dân tộc, đại chúng, khoa học đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn trong xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về văn hóa.

Về dân tộc hóa

Trong hoạch định, xây dựng chính sách pháp luật, nhất là chính sách pháp luật về văn hóa thì yếu tố dân tộc chiếm vị trí hàng đầu.

Điều này đặt ra cho việc xây dựng chính sách pháp luật phải đề cao tinh thần dân tộc, tự lực, tự cường về văn hóa dân tộc, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời khơi dậy khát vọng sáng tạo, sức mạnh mềm của quốc gia.

Với văn hóa ngày càng nổi lên xu hướng kiến tạo các chính sách so với xây dựng pháp luật và luôn đặt ra yêu cầu dung hòa, kết hợp giữa chính sách, pháp luật về văn hóa.

Để khẳng định vị thế, nguyên tắc dân tộc trong chính sách pháp luật về văn hóa thì chính sách thúc đẩy sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo chiếm vai trò then chốt, trong đó lực lượng sáng tạo là yếu tố cơ bản.

Tính đặc thù của văn học nghệ thuật đó là lực lượng sáng tác không thể củng cố, hình thành một sớm, một chiều, bên cạnh diện rộng, cần tập trung phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.

Đó là, sức sáng tạo, tác phẩm đỉnh cao không hoàn toàn ra đời từ các phong trào phát động, nó ra đời từ sức bật, môi trường dung dưỡng,… mang đậm dấu ấn cá nhân. Do đó, cần tiếp tục giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của mọi người, phát huy cao độ tính sáng tạo của trí thức, văn nghệ sĩ; đào tạo tài năng văn hoá, nghệ thuật; tạo cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất để có nhiều sản phẩm văn hoá, nghệ thuật chất lượng cao xứng tầm với dân tộc, thời đại và đồng thời thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

Để góp phần thể chế hóa nguyên tắc dân tộc trong xây dựng chính sách pháp luật về văn hóa, phải chăng thời gian tới Nhà nước cần luật hóa các lĩnh vực chủ yếu của văn hóa.

Theo đó, cần tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về di sản văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, hỗ trợ sáng tạo, nguồn lực cho phát triển văn hóa và một số chính sách triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau: Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về di sản văn hóa, trọng tâm là dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Vừa qua, Chính phủ đã thông qua lập đề nghị.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 3 nhóm chính sách: hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tiếp theo là hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và đồng thời rà soát, hoàn thiện kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật liên quan.

Thúc đẩy nghiên cứu chính sách pháp luật về công nghiệp văn hóa. Theo đó cần xây dựng “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa phải tập trung vào việc giải phóng sức sản xuất văn hóa, tăng cường năng lực cạnh tranh, gia tăng sức ảnh hưởng quốc tế của văn hóa.

Cần chú trọng triển khai các chính sách công nghiệp văn hóa thiết thực như: chính sách thị trường văn hóa; chính sách truyền thông; chính sách đầu tư văn hóa công cộng; chính sách bảo hộ bản quyền tác giả; chính sách đối với đơn vị sự nghiệp văn hoá, nghệ thuật; chính sách gắn phát triển kinh tế-xã hội với phát triển văn hóa… Tiến tới, nghiên cứu xây dựng văn bản tầm Nghị định về phát triển công nghiệp văn hóa.

Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng các chính sách pháp luật về hỗ trợ sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực, chế độ sử dụng, đãi ngộ tài năng văn hóa nghệ thuật.

Theo đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản Xây dựng Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”);

Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật (thay thế Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật);

Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” đối với 7 loại hình văn hóa phi vật thể (thay thế Nghị số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể). (... )

Sớm ban hành Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập và Nghị định về hoạt động văn học. Nghiên cứu xây dựng Luật điều chỉnh về nghệ thuật biểu diễn.

Rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về thuế, xây dựng chính sách về quỹ góp phần hỗ trợ sáng tạo, thúc đẩy phát triển văn hóa, khơi nguồn lực cho văn hóa, nhất là nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa. Theo đó, cần có cơ chế, chế độ hỗ trợ đặc thù về chính sách thuế, phí đối với văn hóa: (...) Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) theo hướng đưa lĩnh vựa văn hóa trở thành ngành, nghề được ưu đãi đầu tư;

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung khoản chi tài trợ cho văn hóa được hạch toán vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong xã hội đầu tư cho văn hóa, hiến tặng thông qua các Quỹ văn hóa nghệ thuật: rà soát sửa đổi, bổ sung Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Hoặc nghiên cứu xây dựng Nghị định về tổ chức, hoạt động của quỹ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa (trên cơ sở tham khảo và rút kinh nghiệm mô hình Quỹ bảo tồn di sản Huế theo Nghị định số 84/2022/NĐ-CP), nghiên cứu xây dựng Nghị định về quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật. Hướng tới nghiên cứu xây dựng Luật Tài trợ, hiến tặng về văn hóa và xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về văn hóa đối ngoại, đẩy mạnh thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 2013 (...).

img

Phóng viên ngồi chật kín khán phòng và ra cả hành lang của hội thảo

Về đại chúng hóa

Chính sách pháp luật có phần bắt nguồn từ cuộc sống, từ thực tiễn đòi hỏi, từ cơ sở, từ người dân và việc thực thi pháp luật là thước đo sự đúng đắn của các chính sách. Do đó, trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc đánh giá tác động chính sách và lấy ý kiến, trong đó có ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của văn bản là cần thiết.

Mặt khác, quyền được hưởng thụ văn hóa được Hiến pháp ghi nhận, do đó việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa quyền này còn thể hiện yếu tố đại chúng trong pháp luật về văn hóa.

Do đặc thù về văn hóa, nhất là những chuẩn mực đối với đời sống tinh thần, tình cảm của con người, có nội dung được điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật, có nội dung được điều chỉnh bằng quy phạm đạo đức, quy phạm xã hội.

Vì vậy, khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa rất cần nghiên cứu, đánh giá nội dung quy định với tương quan các quy phạm về xã hội, đạo đức, tính đến yếu tố dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán, dư luận xã hội, tính cộng đồng, tính vùng miền... điều đó cũng thể hiện tính đại chúng trong xây dựng chính sách pháp luật về văn hóa.

Đề góp phần thể chế hóa nguyên tắc đại chúng trong xây dựng chính sách pháp luật về văn hóa, phải chăng thời gian tới Nhà nước cần rà soát, tăng cường mối quan hệ tương hỗ trong xây dựng, thực thi pháp luật bám sát thực tiễn có tính tương quan với các quy phạm xã hội, quy phạm đạo đức. Theo đó, cần tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về quyền hưởng thụ văn hóa của người dân, môi trường văn hóa, (...)

Về khoa học hóa

Chính sách pháp luật về văn hóa phải tôn trọng quy luật tự nhiên, xã hội, nền tảng lý luận, thích ứng thực tế trong quản lý phát triển văn hóa, con người, soi rọi đối với những vấn đề lớn, có tính căn cốt hoặc những vấn đề mới; chú trọng yếu tố dự báo, đánh giá tác động, hiệu quả.

Việc hoạch định chính sách pháp luật cần nương vào quy luật để tác động, điều chỉnh phù hợp thị trường văn hoá. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, đặc biệt trong xây dựng văn hoá, phát triển con người.

Nhận thức rõ thị trường văn hoá là cầu nối đưa sáng tạo văn hoá đến người tiếp nhận, thụ hưởng. Thị trường này, một mặt vận động theo những quy luật của nền kinh tế như quy luật giá trị, quy luật cung - cầu, mặt khác lại bị chi phối bởi các yếu tố phi kinh tế như thị hiếu, thói quen. Đây là thị trường đặc thù, với sản phẩm văn hoá là hàng hoá (loại hàng hoá đặc biệt, chứa đựng tư tưởng, thẩm mỹ... nhiều khi không đo đếm được đơn thuần bởi các công cụ kinh tế).

Xây dựng chính sách pháp luật gắn với kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đặc biệt trong công việc đánh giá tác động chính sách lớn tác động lớn đền xã hội. Chính sách pháp luật cần đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong không gian số: xã hội số, kinh tế số, công dân số.

Để góp phần thể chế hóa nguyên tắc khoa học trong xây dựng chính sách pháp luật về văn hóa, phải chăng thời gian tới Nhà nước cần tăng cường số hóa các tài sản văn hóa, hỗ trợ sáng tạo trên môi trường số và chính sách quản lý văn hóa trên môi trường số. (...)

Trước yêu cầu phát triển văn hóa theo hướng bền vững thì việc xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật ngày càng đóng vai trò quan trọng. Sự kết hợp hài hòa, tương hỗ giữa chính sách, pháp luật và vận dụng linh hoạt, sáng tạo 3 nguyên tắc vận động của văn hóa: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa không chỉ góp phần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành, khơi thông các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển văn hóa, mà còn giúp định hướng, xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa trong bối cảnh mới.

Trong đó, trọng tâm xây dựng các luật, chính sách phát triển; công vụ về thuế, chính sách hỗ trợ và chính sách cơ chế đầu tư của Nhà nước huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa.

(Tên bài trích dẫn do Báo Giao thông đặt lại)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.