Thời sự

Xây dựng Luật hành chính công: Người dân, doanh nghiệp phải là trung tâm

15/08/2018, 07:14

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu nhận định, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập, gây phiền hà...

4

Nữ ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh là người có sáng kiếnxây dựng Luật Hành chính công, đồng thời cũng là Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật này

Ngày 14/8, Ban Soạn thảo dự án Luật Hành chính công tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến Luật Hành chính công.

Theo báo cáo của Ban soạn thảo, với quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả tích cực, ngày càng đơn giản, đồng bộ, minh bạch. Cụ thể, sau khi kết thúc Đề án “Đơn giản hóa thủ tục hành chính” đến nay, các bộ, ngành đã đơn giản hóa hơn 5.000 thủ tục hành chính. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã cắt hơn 700 điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, có gần 30 địa phương trên cả nước đã thành lập Trung tâm Hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính công cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù việc cải cách thủ tục hành chính được xác định là trọng tâm nhưng lại chưa được quy định với những nguyên tắc chung, chuẩn hóa trong một đạo luật mà được quy định rải rác trong các luật chuyên ngành. Theo đó, mỗi luật quy định khác nhau về thủ tục hành chính, nhiều quy định không rõ ràng về thủ tục, thẩm quyền. Hầu hết, các quy định nặng về các thành phần hồ sơ, giấy tờ, thiếu quy định chung về kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin trong cơ quan hành chính các cấp…

Luật Hành chính công là sáng kiến lập pháp của nữ ĐBQH Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường. Bà Khánh cũng đồng thời là Trưởng ban soạn thảo dự án luật. Điều này được xem là một dấu ấn rất mới trong công tác lập pháp của Việt Nam vì từ trước tới nay, hầu hết các dự luật do Chính phủ trình và Bộ trưởng, trưởng ngành làm trưởng ban soạn thảo.

Cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo giao các bộ, cơ quan ngang bộ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ ban soạn thảo trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Hành chính công; tổng kết, đánh giá các vấn đề có liên quan thuộc nội dung của dự án Luật. Theo Nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đã được Quốc hội thông qua, dự án luật nói trên sẽ được trình tại kỳ họp thứ 7.

Vì thế, qua theo dõi, nghiên cứu thực tiễn từ năm 2011 đến nay, Ban soạn thảo đề nghị lựa chọn những vấn đề cốt lõi của hành chính công gồm: Thủ tục hành chính, quản lý nhà nước về dịch vụ công và cung ứng dịch vụ công; trách nhiệm, mối quan hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công, nhằm góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ hành chính công; tăng cường xã hội hóa các dịch vụ công.

 Việc triển khai, xây dựng cơ chế quản lý dịch vụ công còn nhiều lúng túng, vướng mắc. Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến được xây dựng và công khai trên hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố nhưng hiệu quả áp dụng còn thấp. Vì thế, việc ban hành Luật Hành chính công là cần thiết. Mục tiêu xây dựng Luật này là xây dựng một nền hành chính liêm chính, hành động, do đó cần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Đồng thời, luật phải thể hiện là trung tâm dịch vụ dữ liệu về vấn đề hành chính công.

Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, luật cần quy định những hành vi cụ thể nhằm dễ xác định hành vi và xử phạt khi vi phạm quy định. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Lê Thị Hạnh thì cho rằng, trung tâm hành chính công được nhiều địa phương thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển KT-XH nhưng lại chưa có cơ sở pháp lý, không thống nhất về mô hình tổ chức nên vẫn đang trong quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Vì vậy, việc ban hành Luật Hành chính công là cần thiết trong điều kiện KT - XH đang phát triển như hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.