Lực lượng TTGT kiểm tra kích thước thành thùng xe tải tại QL1 qua tỉnh Ninh Bình |
Người dân mạnh dạn tố cáo tiêu cực, vi phạm
Ghi nhận chuyển biến tích cực trong kiểm soát tải trọng xe (KSTTX), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, công tác này đã được nhân dân, doanh nghiệp và cả lái xe ủng hộ. Thực tế, số lượng xe quá tải vi phạm đã giảm nhiều nhưng mức độ vi phạm còn cao. Một số địa phương, khi triển khai vẫn còn có sự chồng chéo. Vì thế, buổi sơ kết cần kiểm điểm sâu sắc và rút ra được những kinh nghiệm quý để tới đây thực hiện tốt hơn.
Những tồn tại trong công tác KSTTX được hội nghị chỉ ra như: Tình trạng xe tải dừng đỗ tại hai đầu trạm cân, lợi dụng thời cơ chờ vượt trạm vẫn diễn ra. Cá biệt, vẫn có hiện tượng móc nối, làm luật, bảo kê xe quá tải, “cò” và môi giới dẫn xe hoạt động xung quanh trạm cân lưu động...
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, để ngăn chặn nạn xe chở quá tải, Hiệp hội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được chở đúng tải trọng cho phép. Thực tế, những doanh nghiệp làm ăn đúng đắn, tử tế luôn ủng hộ chủ trương này. Họ rất mong sự công bằng trong thị trường vận tải.
“Đặc biệt, người dân, xã hội cũng mạnh dạn trong tố cáo các trường hợp lái xe vi phạm. Kể cả các trường hợp tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ cũng bị người dân công khai tố cáo”, ông Thanh nói.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an chủ trì hội nghị |
Truy địa phương chưa tích cực kSTTX
Đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra công tác KSTTX tại Hà Tĩnh, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn chỉ rõ, tại đường vào Khu công nghiệp (KCN) Vũng Áng, QL12, tình trạng xe quá tải rồng rắn thành đoàn mà không thấy lực lượng nào xử lý.
Trả lời Bộ trưởng vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, với các đại công trường triển khai trên địa bàn nên rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, cũng có nhiều vấn đề trong việc thực hiện. Ông Lĩnh đề xuất được tăng cường thiết bị, cho phép bố trí bãi hạ tải…
"Để KSTTX hiệu quả hơn, tới đây cần triển khai bằng nhiều biện pháp như: Cân xe, kiểm tra hóa đơn, hợp đồng vận tải. Cùng với đó, phải công khai minh bạch, làm trong sạch lực lượng thực thi công vụ, không bảo kê, dung túng, bao che những trường hợp vi phạm”. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng |
Không đồng tình, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh chỉ cần lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở GTVT, CSGT trực tiếp chốt chặn tại các điểm ra vào KCN Vũng Áng và QL12 thì xe quá tải chắc chắn sẽ hết.
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Trọng Phượng, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng bày tỏ, Hải Phòng chỉ có một trạm cân lưu động, trong khi có rất nhiều đường, đầu mối hàng hóa, cảng biển nên cứ chặn chỗ này, xe quá tải lại lách chỗ khác.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, KSTTX là việc làm rất cần thiết, cần duy trì thường xuyên. Các địa phương tiếp tục kiểm soát bằng nhiều biện pháp. Cuộc chiến xe quá tải cần có sự vào cuộc quyết liệt của Chủ tịch UBND các địa phương để không bảo kê, dung túng cho các trường hợp vi phạm.
Bộ trưởng công bố danh sách 11 địa phương làm tốt công tác KSTTX để các tỉnh, thành khác tiếp tục nỗ lực hơn gồm: Hải Dương, Nghệ An, Cần Thơ, Bình Phước, Thừa Thiên - Huế, Yên Bái, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Kon Tum, Khánh Hòa, Ninh Thuận và 13 địa phương chưa thực hiện quyết liệt, gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Lào Cai, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Đồng Nai.
Mô hình nào cho các trạm KSTTX?
Cũng tại Hội nghị sơ kết, nhiều ý kiến của các địa phương tập trung đề xuất cần sớm lựa chọn và thống nhất các mô hình hoạt động của các trạm KSTTX. Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, hiện có bốn tỉnh do Sở GTVT làm trưởng ban, 57 tỉnh do Công an, một tỉnh do UBND tỉnh chủ trì. Các mô hình này đều có những ưu, nhược điểm riêng.
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Bùi Đức Sòn, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết: “Hòa Bình được đánh giá là làm tốt KSTTX. QL6 đã cơ bản đi vào nền nếp, không còn tình trạng chống đối một phần là do có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng phối hợp. Còn cứ vừa làm vừa nhìn nhau thì không làm được gì”.
“Việc phân công lực lượng tại các trạm KSTTX cần làm đúng chức năng và phối hợp chặt chẽ. Phải tiến hành điều tra, xử lý nghiêm các hành vi nhận hối lộ, hối lộ, “cò mỗi” dẫn xe”. Thượng tướng Lê Quý Vương Thứ trưởng Bộ Công an |
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cũng cho rằng: “Cần xây dựng mô hình thống nhất, hiệu quả. Nếu mỗi nơi làm một kiểu dễ vỡ trận. Cần thiết có thể cho tập huấn lại”.
Đáng chú ý, thời gian qua, Hải Dương nổi lên là điển hình về sự hiệu quả trong công tác KSTTX. Mô hình của tỉnh này được cho là rất sáng tạo. Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng: “KSTTX như là cuộc chiến nên phải có sự vào cuộc quyết liệt mới thành công. Hải Dương giao Ban ATGT tỉnh chủ trì, nên mối quan hệ, phân công trách nhiệm của tổ công tác rất nhuần nhuyễn. Thậm chí chúng tôi lắp cả camera ở trạm KSTTX. Việc làm này không chỉ quan sát xe vi phạm mà còn giám sát cả các thành viên tổ công tác, tránh tiêu cực không đáng có”.
Về mô hình Hải Dương, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá, đây là một trong các tỉnh làm tốt và hiệu quả nhất. Còn việc lựa chọn mô hình nào, Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ VN và Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt nghiên cứu, đề xuất. Về vấn đề này, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cũng chia sẻ: “Bộ GTVT và Bộ Công an, với chức năng tham mưu hướng dẫn, tới đây phải cụ thể hơn cho các địa phương. Cần minh bạch vấn đề thế nào thì phạt cho đi, thế nào thì buộc về nơi xuất phát hạ tải, thế nào thì tạm đình chỉ, tạm giữ phương tiện...”.
Liên quan đến việc phương tiện buộc phải hạ tải khi bị phát hiện vi phạm, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đề nghị các địa phương không xây dựng bãi hạ tải mà yêu cầu xe quay lại điểm xuất phát.
Tiến Mạnh - Khánh Hà
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận