Giao thông

Xe 12 tấn, lái xe hồn nhiên khoe “bí kíp” chở... 65 tấn

01/03/2015, 16:17
image

PV Báo Giao thông tận mắt thấy những chiếc Chenglong, Howo chở đá đầy có ngọn, bí kíp của lái xe là gì?

Chiều 28/2, trên công trường thi công QL2C, đoạn qua xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, PV Báo Giao thông đã mục sở thị những chiếc xe Chenglong, Howo có kích cỡ thùng hàng thuộc dạng “khủng” chở đá đầy có ngọn, cao hơn thành thùng đến 20cm.

Lúc 14h25phút, chiếc xe Chenglong, loại 4 chân, BKS 88C- 04688 mất 6 lần dừng đổ mới bàn giao hết số đá cho đơn vị thi công. 5phút sau, tiếp tục đến lượt xe Howo BKS 88C-05966 chất đá cao có ngọn tới đổ đá.

Một đại diện bên nhận hàng trèo lên thùng để xác nhận khối lượng. Bắt đầu từ đây, cuộc tranh cãi nảy nửa đã diễn ra, nguyên nhân được bắt nguồn từ yêu cầu của người nhận hàng đòi hỏi tài xế của xe phải lên san bằng phần đá có ngọn để tiện cho việc đo và tính khối lượng thanh toán.

Tài xế xe 88C-05966 cho rằng yêu cầu trên là quá đáng bởi lẽ: “Cả cái ngọn trên thùng xe cao thế kia mà ông ta bảo chỉ tính 10cm thì ai nghe, biết vậy ông chở bằng thùng cho xong”. Ngồi bên cạnh, lái xe 88C- 04688 cũng góp vào: “Đúng lý thì thùng xe chở chỗ cao chỗ thấp, bác phải lấy chỗ trung bình để đo, chứ lại nhặt bớt đá ở chỗ thấp nhất để đo là không được, sổ của xe cháu chở từ năm ngoái đến giờ không chuyến nào dưới 42 khối đâu”.

Bức xúc trước việc xác định khối lượng cảm tính của người nhận đá, tài xế chiếc xe 88C- 05966 tuyên bố nếu người nhận không tính toán hợp lý sẽ điện cho chủ và đưa đá đi đổ chỗ khác bởi lẽ: “ Đi làm giờ luật lá nhiều, phải chở cố để gỡ gạc, chạy từ xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương về mất gần 1 triệu tiền luật 1 chuyến chứ ít đâu".

Lân la trao đổi với tài xế xe 88C- 04688, chúng tôi được biết nguồn đá trên xe được lái xe lấy từ mỏ của xã Thiện Kế, cách ngã 3 Sơn Nam, chỉ vài cây số và thường ngày thì vẫn đi qua trạm kiểm tra, tuy nhiên, hôm nay không có ai làm. Giải thích về 2 chữ HT màu đỏ được để trên kính lái và dưới đầu xe, tài xế này cho biết chủ của đoàn xe là người Tuyên Quang có tên là Sỹ: “Bình thường gặp kiểm tra ở đâu thì “làm” ở đó, các xe trong đoàn HT thì 2 “lít” một lần, còn xe khác vẫn 3 “lít” là bình thường”, lái xe này cho biết. Về lượng đá trên xe, lái xe cũng không ngại ngần cho biết của mình vẫn thường chở 43 khối, tính ra khoảng 62 tấn đá, cứ chỗ nào cần gọi thì tài xế chở và tính cước theo khối, bị bắt thì xuống cứ làm "luật" thôi, tài xế hồn nhiên khoe về thành tích chở quá tải của mình đồng thời cho biết chiếc xe đang chờ đo khối lượng kia phải chở trên 43 khối, khoảng 65 tấn.

Trong khi đó, theo tiêu chuẩn cho phép, loại xe Howo này chỉ được phép chở khối lượng hàng hoá tương đương 12,6 tấn. Theo thông tin từ lái xe, PV tìm đường vào mỏ đá xã Thiện Kế, con đường từ ngã 3 Sơn Nam vào mỏ đá dài khoảng 6km, chúng tôi phải đi mất hơn 20 phút đồng hồ bởi đường hẹp, trong khi mặt đường xuống cấp nghiêm trọng.

Trên đường đi, PV cũng đã gặp gần chục chiếc xe Cửu Long loại 3,5 tấn ì ạch cõng trên thùng số lượng đá ước tính gấp đến 4, 5 lần tải trọng cho phép. Cũng vì lẽ đó mà dù trời nắng nhưng mặt đường ướt sũng, nhiều vị trí còn đọng các hố nước bởi người dân 2 bên đường phải thường xuyên tưới nước để thà chịu bẩn còn hơn chịu...bụi.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là tuyến đường QL2C từ Vĩnh Phúc sang Tuyên Quang nhiều đoạn đã được nâng cấp mặt, trong đó đoạn thuộc tỉnh Tuyên Quang dài gần 30km đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Với tình trạng xe chở đá quá tải nhiều lần vô tư hoạt động như thế này thì chuyện xong đường mới, hỏng đường cũ là nguy cơ hoàn toàn có thật.

img

Tân Sơn Nhất thiếu trầm trọng chỗ đậu taxi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.