Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 91 về điều kiện kinh doanh vận tải quy định toàn bộ xe kinh doanh vận tải khách và xe vận tải hàng hóa từ 10 tấn trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT) được kỳ vọng sẽ giúp “quản chặt” hơn loại hình kinh doanh đang “nóng” về mất ATGT này.
Xe vận tải hàng hóa từ 10 tấn trở lên sẽ là đối tượng phải lắp đặt thiết bị GSHT |
Quản xe hợp đồng chở khách, xe vận tải trên 10 tấn
Dự thảo quy định: “Trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container xe đầu kéo sơ - mi rơ - moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên phải gắn thiết bị GSHT từ 1/7/2016.
Như vậy, ngoài các đối tượng hiện nay phải lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định của Nghị định 91, là xe vận tải khách tuyến cố định, xe buýt, xe du lịch, xe vận chuyển khách theo hợp đồng và xe vận tải hàng hóa bằng container, thì đối tượng phải lắp thiết bị GSHT được mở rộng thêm tới xe taxi và xe vận tải hàng hóa từ 10 tấn trở lên.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định sửa đổi quy định: Xe vận chuyển khách theo hợp đồng và xe du lịch, trước khi thực hiện vận chuyển khách trên xe từ 10 chỗ ngồi trở lên, phải thông báo với Sở GTVT.
Với quy định hiện tại, có khoảng gần 50.000 xe phải lắp thiết bị GSHT. Nếu đề xuất như dự thảo này được chấp thuận, số lượng xe phải lắp thiết bị GSHT sẽ tăng lên gấp nhiều lần con số hiện nay. Quy định mới nếu được thông qua cũng đồng nghĩa với việc ngoại trừ xe tải dưới 10 tấn, toàn bộ xe kinh doanh vận tải đều phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước qua thiết bị GSHT.
Kinh doanh vận tải phải có pháp nhân
Cơ bản đồng tình với Dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN nhấn mạnh, việc bổ sung quy định xe tải từ 10 tấn trở lên và xe taxi phải lắp thiết bị GSHT, xe du lịch và xe hợp đồng chở khách từ 10 chỗ trở lên trước khi thực hiện vận chuyển khách phải thông báo với Sở GTVT là rất cần thiết. Trước mắt, không có giải pháp nào hơn giải pháp quản lý các đối tượng đang tự tung, tự tác này qua thiết bị GSHT. “Vấn đề là cũng phải quy định trách nhiệm, tăng cường năng lực cho các Sở GTVT. Ngay lúc này cũng nghiên cứu xem có cần thêm giải pháp như: Xếp loại, phân loại doanh nghiệp; đề xuất với cơ quan tài chính, tăng thuế đối với một số loại hình kinh doanh…”, ông Thanh đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Lê Đình Long - Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho rằng, khi hoạt động vận tải vẫn đang mất trật tự ở mức báo động như hiện nay, nhất là đối tượng xe hợp đồng, xe vận tải hàng hóa thông thường thì việc tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước là vô cùng cần thiết.
Ông Lê Minh Đức - Hiệp hội ô tô Thái Bình cũng cho rằng quản xe hợp đồng, xe du lịch, xe tải như dự thảo sửa đổi Nghị định 91 đang được lấy ý kiến là khá tích cực trong thời điểm hiện nay, song cũng chỉ là giải pháp tình thế. Lâu dài cần nâng điều kiện kinh doanh của tất cả các loại hình lên mức bình đẳng như nhau.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, thực tế đang đặt ra yêu cầu phải có bước chuyển thật sự về quản lý Nhà nước đối với trật tự vận tải, mà trước hết phải quy định rõ, chặt chẽ về mặt pháp luật rằng: Kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện - làm cơ sở cho việc nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải. Đây là yếu tố quyết định lập lại trật tự vận tải, đẩy lùi TNGT.
Ông Quyền cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 91 lần này là một bước làm chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục cần nghiên cứu các giải pháp tiếp theo, cụ thể hơn là nghiên cứu để sửa Luật GTĐB 2008, theo hướng đã tham gia kinh doanh vận tải thì phải có pháp nhân - phải là doanh nghiệp hoặc HTX, phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. “Đó là hàng rào pháp luật và kĩ thuật để nâng cao trách nhiệm pháp lý và năng lực kinh doanh của doanh nghiệp làm vận tải” - ông Quyền nhấn mạnh.
Phương Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận