Một xe đầu kéo chở đầy quặng sắt nhưng không hề phủ bạt
Trên các tuyến QL279, TL151, QL4D… thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai, tình trạng xe cơi nới thành thùng, chở quặng, cát không che phủ bạt, có dấu hiệu quá tải gây mất ATGT, làm ô nhiễm môi trường vẫn đang diễn ra nhức nhối.
Xe cơi thùng hoạt động rầm rộ
Ngày 18/3, có mặt trên tuyến QL279, đoạn từ Khe Lếch đi Văn Bàn, PV đã ghi nhận được cả trăm xe tải đầu kéo hạng nặng chở quặng, chở cao lanh hoạt động.
Trong đó, xe thì chạy thẳng trực tiếp từ các mỏ hướng vào nút giao Bảo Hà về Phú Thọ hoặc rẽ về Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai). Xe thì chạy về các điểm tập kết ở hai bên đường, sau đó các xe khác trung chuyển về nhà máy.
11h trưa ngày 18/3, tại bãi tập kết cao lanh đoạn Km 92+500, QL279 có khoảng gần 20 xe đầu kéo hạng nặng “ăn” hàng. Trong số các xe ở đây, có rất nhiều xe cơi thùng bằng cách hàn các tấm thép lên thành thùng xe như BKS: 19C - 159.72, 24C - 114.41, 24C - 101.86, 20R - 010.07…
Tương tự, lúc 16h15 chiều cùng ngày, có nhiều xe đầu kéo cơi nới thành thùng vào bốc hàng tại bãi tập kết phía trước mỏ sắt Việt Trung. Xe cơi thấp thì 20 - 30cm, xe cơi cao thì lên đến cả nửa mét. Tất cả các xe đều chở 2/3 thành thùng xe, có dấu hiệu quá tải nhưng việc phủ bạt rất sơ sài, thậm chí nhiều xe còn không phủ bạt hay che đậy.
Tình trạng xe chở cao lanh không che chắn trên cũng diễn ra tại mỏ cao lanh đối diện trụ sở UBND xã Làng Giàng.
Nhiều ngày theo chân các xe tải, PV nhận thấy, xe cơi thùng, chở hàng có dấu hiệu quá tải, không phủ kín bạt không chỉ hoạt động trên mỗi tuyến QL279. Thực trạng này còn diễn ra công khai, mọi lúc, mọi nơi trên các tuyến TL151, QL4D… của tỉnh Lào Cai.
Theo thống kê của Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai, tại Km 7+00 trên tuyến ĐT151, bình quân mỗi ngày có 191 xe tải hạng trung, 380 xe tải hạng nặng (trên 4 trục) lưu thông.
Đường nát, tai nạn rình rập
Lưu lượng xe tải hoạt động liên tục trên các tuyến đường ở Lào Cai gây nguy cơ TNGT
Ngày qua ngày, các tuyến đường oằn mình dưới tiếng gầm rú của tiếng động cơ xe tải hạng nặng leo dốc, tiếng rít của phanh xe mỗi khi đổ dốc, kèm theo sau là từng lớp bụi đen cuộn lên bám lá cây dọc 2 bên đường. Các tuyến đường nhẹ thì nứt nẻ, nặng thì hư hỏng, tạo nên “ổ gà”, “ổ trâu”, thậm chí là “ổ voi”.
Kéo chúng tôi ra một “ổ voi” khổng lồ ở ngã ba Khe Lếch (xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn), một cụ ông nói giọng bức xúc: “Đây là hậu quả của những chuyến xe tải hạng nặng hoạt động bất kể ngày đêm. Người dân ngày ngày bị “tra tấn” bởi ô nhiễm bụi đất, bụi quặng, khói xe, tiếng ồn...”.
Ông Phạm Tiến Nam, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Văn Bàn cho biết thêm, trên địa bàn huyện có 21 mỏ khoáng sản các loại, trong đó có 4 mỏ đã dừng hoạt động. Thời kỳ cao điểm, mỗi ngày có khoảng 300 lượt xe tải các loại ra vào.
“Hạ tầng giao thông xuống cấp, hư hỏng còn có quỹ bảo trì để khắc phục, sửa chữa. Còn ô nhiễm bụi đất, bụi quặng, khói… dọc đường, chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị lên Sở TN&MT, UBND tỉnh đề nghị Bộ TN&MT khảo sát, đánh giá để người dân được biết. Bên cạnh đó, kiến nghị thu phí môi trường đối với các đơn vị vận tải, giao phí này cho Sở TN&MT hoặc Sở Công thương quản lý, thuê đơn vị độc lập có chuyên môn xử lý ô nhiễm trên đường… tuy nhiên đều không được”, ông Nam nói.
Theo quan sát của PV, bên cạnh việc tàn phá đường, gây ô nhiễm môi trường, việc xe tải lớn hoạt động rầm rộ trên các tuyến TL151, QL279, QL4D còn tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Bởi các tuyến đường này đều là đường 2 chiều, không có dải phân cách cứng ở giữa, mỗi bên chỉ 1 làn xe ô tô. Vì vậy, mỗi khi các xe tải tránh nhau đều phải lấn ra tận lề đường, rất nguy hiểm.
Lực lượng nhiều, xử lý được bao nhiêu?
Điều đáng lưu ý, mặc dù xe hoạt động từng đoàn chạy rầm rập nhưng quá trình thực tế của PV không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng.
Đúng là lưu lượng phương tiện hoạt động nhiều tiềm ẩn nguy cơ TNGT và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bụi là không thể tránh khỏi vì đây là các tuyến đường ra vào khu công nghiệp. Trước mắt, một số đoạn trên các tuyến này đã được cắm biển hạn chế tốc độ 40km/h. Để hạn chế tối đa, thời gian tới, Phòng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các xe cơi nới thành thùng và chở hàng quá tải.
Thượng tá Nguyễn Đắc Long (Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai)
Về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở GTVT Lào Cai, ông Hoàng Văn Khang chia sẻ: Thanh tra Sở đã thành lập một trạm cân lưu động năm 2020 và đã hoạt động tại Văn Bàn một thời gian dài. Đầu năm 2021, lực lượng thanh tra tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên trạm cân chưa được đưa vào trong đó.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì lực lượng chịu trách nhiệm chính tại khu vực Văn Bàn, QL279 và TL151 là Tổ đặc biệt do Văn phòng Ban ATGT tỉnh điều hành, có sự tham gia của Phòng CSGT Công an tỉnh và Công an huyện.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Ban ATGT tỉnh Lào Cai thì tính đến ngày 19/3/2021, Tổ đặc biệt chỉ lập 36 biên bản đối với 19 trường hợp xe vi phạm quá tải (tổng số tiền xử phạt là 265,7 triệu đồng, tước GPLX 7 trường hợp, tước quyền sử dụng phù hiệu xe có thời hạn đối với 16 trường hợp); 17 trường hợp thay đổi kích thước thành thùng.
Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Đắc Long, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai cho biết, xe quá khổ, quá tải trên địa bàn “vẫn còn, nhưng rất ít”. Trong 3 tháng đầu năm, CSGT đã lập biên bản 1598 trường hợp, với tổng tiền phạt hơn 3,6 tỷ đồng, trong đó có 6 trường hợp quá tải trọng, 13 trường hợp chở hàng vượt quá kích thước xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận