Vừa qua, tại cầu Thanh Trì xảy ra vụ xe container mất lái đâm vào dải phân cách mềm, sau đó húc đổ lan can cứng rồi lao xuống sông Hồng. Chiếc xe nhanh chóng bị chìm, còn tài xế may mắn thoát khỏi cabin lái, bơi được vào bờ an toàn.
Tại hiện trường của vụ TNGT cho thấy, khoảng 24m dải phân cách mềm và 3 đoạn lan can bị xô đổ.
Nhiều trụ lan can cầu Thanh Trì bị hư hỏng sau khi xe container lao xuống sông Hồng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Đội CSGT số 14 (Công an TP Hà Nội) cho biết, những thiệt hại của cầu Thanh Trì trong vụ TNGT này sẽ được các cơ quan chức năng định lượng, từ đó có hướng xử lý tài xế cũng như mức bồi thường.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, nếu có thiệt hại về vật chất trong vụ việc này thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về tài xế hoặc chủ sở hữu chiếc xe ô tô và cả tài xế này.
Theo đó, tài xế được công ty trả lương để vận chuyển hàng hóa, nên khi gây tai nạn làm thiệt hại cho bên thứ ba, tài xế phải chịu trách nhiệm về hậu quả. Tiếp đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải cũng phải có trách nhiệm khi người lao động của mình gây tai nạn cho bên thứ ba theo Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015.
"Khi tài xế điều khiển xe container theo nhiệm vụ được giao, quá trình vận chuyển gây tai nạn dẫn đến thiệt hại cơ sở hạ tầng giao thông thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp xác định nguyên nhân gây tai nạn do lỗi của tài xế, thì công ty có quyền yêu cầu người này phải hoàn trả một phần tiền đã bồi thường theo quy định của pháp luật", luật sư Bình cho hay.
Thông tin ban đầu cho biết, tài xế này mất lái để xảy ra tai nạn, cho thấy tài xế gây thiệt hại do lỗi vô ý.
"Theo khoản 2 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp gây thiệt hại do lỗi vô ý thì người chịu trách nhiệm bồi thường có thể được giảm mức bồi thường nếu thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình", luật sư Bình nói.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, hành vi của tài xế tuy không gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người khác nhưng nếu hậu quả của việc húc đổ giải phân cách mềm, lan can cầu Thanh Trì gây thiệt hại về tài sản trên 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì có dấu hiệu vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm giao thông đường bộ.
"Mức phạt tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm", luật sư Bình nói và cho biết, để có căn cứ xử lý tài xế và chủ sở hữu xe (nếu có) thì cơ quan chức năng cần phải chứng minh thiệt hại của vụ tai nạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận