Vận tải

Xe dù, bến lậu làm thất thu thuế hàng ngàn tỷ

27/05/2016, 05:57

Báo Giao thông tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách”.

IMG_3527

Báo Giao thông phối hợp với Ban ATGT TP.HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách”

12h05: Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kết luận hội thảo: Từ năm 2014, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp siết chặt công tác quản lý vận tải hành khách. Khi đó, ở Bộ GTVT, chưa khi nào vấn đề quản lý vận tải hành khách bằng ô tô được đề cập nhiều tại các cuộc họp giao ban của lãnh đạo Bộ như vậy. Chính vì vậy, những bất cập, tồn tại trong công tác này từng bước được tháo gỡ.

13275365_1097941290261919_39088284_o

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu kết luận tại hội thảo

Thời điểm đó, Bộ GTVT thành lập nhiều đoàn kiểm tra, xuống từng địa phương làm việc rà soát và tháo gỡ vướng mắc, bất cập. Chính vì thế, đến nay bức tranh tổng thể của lĩnh vực vận tải hành khách thực sự có chuyển biến, minh bạch và thuận lợi hơn nhiều cho người dân.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho biết, hiện Luật Giao thông đường bộ vẫn còn một số điểm chưa cập nhật kịp so với thực tiễn. Nguyên nhân do tốc độ phát triển vận tải đường bộ quá nhanh, nhiều phát sinh mới. Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ GTVT rà soát để điều chỉnh, bổ sung. Tổng cục Đường bộ VN, Vụ Vận tải cần nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, làm sao đến tháng 11/2016 công khai được bản đồ số để DN và các tổ chức giám sát hoạt động vận tải một cách tốt hơn, minh bạch.

"Sở GTVT TP.HCM tới đây chủ trì xây dựng đề án về những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý vận tải bằng ô tô, có lộ trình thực hiện cụ thể. Đề án cũng cần đưa ra được các giải pháp chống được xe dù, bến cóc, đồng thời cần đặt vấn đề làm sao để cuối 2016 dẹp được xe dù, bến cóc. Nếu giải pháp tốt chắc chắn sẽ thực hiện được”, Thứ trưởng Thọ nói và giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ VN, Viện Chiến lược GTVT hỗ trợ Sở GTVT TP.HCM xây dựng đề án trên để triển khai hiệu quả vào thực tế.

Thứ trưởng Thọ cũng đề nghị sau Hội thảo này, Vụ vận tải, Tổng cục Đường bộ VN cần tiếp thu ý kiến của các DN để sửa đổi Nghị định 86, công khai trên mạng để DN, người dân, tổ chức tham gia góp ý…

11h55: Ông Nguyễn Hồ Hữu Tùng - đại diện Công ty Thành Bưởi cho rằng, cần có cơ chế phát triển vận tải riêng cho từng địa phương có đặc thù.

Ông Tùng bày tỏ lo lắng khi nói về nạn xe dù, nhồi nhét khách, bắt chẹt khách dọc đường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và đầu tư nước ngoài… Là đơn vị cuối cùng trình bày tại Hội thảo, đại diện Công ty Thành Bưởi kiến nghị Bộ GTVT tạo cơ chế phát triển riêng cho từng địa phương, trước mắt là Hà Nội và TP.HCM, để tạo điều kiện cho DN hoạt động đúng pháp luật, có chất lượng tốt, hướng đến khách hàng.

11h50: Thượng Tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó trưởng phòng CSGT công an TP.HCM phát biểu cho rằng, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý vi phạm. "Tôi có hai kiến nghị, thứ nhất là cần củng cố lại công tác quản lý cũng như chất lượng phục vụ hành khách của dịch vụ vận hành. Thứ hai, công tác phối kết hợp giữa các ban ngành cần chặt chẽ hơn", Thượng tá Diệp nói.

11h45: Ông Cát Huy Quang, Thư ký tòa soạn Báo Quân đội nhân dân phát biểu cho rằng, không thể chấp nhận xe dù, bến cóc trong hoạt động trong nội đô, vì việc này gây ách tắc giao thông. Chỉ vì một số ít người mà hàng ngàn, hàng vạn người khác phải chịu cảnh lộn xộn, ách tắc là không thể chấp nhận được. Điều này vô hình chung hủy hoại nhiều loại hình kinh doanh vận tải khác, chẳng hạn như xe buýt. 

11h40: Ông Kim Hyun Young - TGĐ doanh nghiệp vận tải Kumho nói: “Xe dù, bến cóc sẽ triệt tiêu bến xe. Nếu chúng ta vẫn còn suy nghĩ, các DN vận tải tồn tại trong trung tâm tốt cho người dân, chắc chắn sẽ khiến các bến xe gặp khó. Việc kinh doanh trong trung tâm TP của các DN vận tải hạn chế vai trò của các bến xe, tôi hoàn toàn đồng tình cấm các DN vận tải hoạt động trong trung tâm, đồng thời yêu cầu các đơn vị này phải đưa xe vào bến hoạt động”.

13324013_1097916636931051_1250508628_o

 Ông Kim Hyun Young - TGĐ doanh nghiệp vận tải Kumho

Cũng theo ông Kim: “Phải tăng cường nâng cao hoạt động của xe buýt công cộng. Nhà nước cần cấm hoạt động xe trung chuyển của các DN vận tải. Trên thực tế xe trung chuyển đang làm luôn vai trò của xe buýt công cộng, taxi, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Vì vậy, cần phải cấm các DN vận tải hoạt động, mở văn phòng tại trung tâm TP, đồng thời cấm xe trung chuyển”.

11h30: Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Grab taxi cho biết, Grab cũng là mô hình sử dụng xe hợp đồng, nhưng không cần bến bãi. Hiện nay, hai vấn đề đáng lo ngại của “xe dù”, “bến cóc” là gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến giao thông và gây thất thu thuế. Tuy nhiên, với Grab không có bến bãi nên không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Vấn đề thất thoát thuế lại càng không có. Cụ thể trên mỗi chuyến xe tài xế là ai, giá tiền thế nào, bao nhiêu xe,... chúng tôi đều báo cáo đầy đủ với các cơ quan chức năng.

13288501_1097911336931581_110212196_o

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Grab taxi

11h00: Hội trường bắt đầu phiên thảo luận.

Chủ trì điều hành phần thảo luận, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ mời các DN đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM, đưa ra những giải pháp cụ thể, sát tình hình thực tế.  

“Tôi nhấn mạnh những giải pháp căn cơ cần thực hiện, bên cạnh những giải pháp lâu dài. Đề nghị các DN cho ý kiến, ví dụ ứng dụng tiêu chuẩn ISO, vấn đề con người, khâu tổ chức quản lý; Hay điểm dừng đỗ có đảm bảo hay không, có được ưu tiên không?”. Thứ trưởng nói và cho biết thêm: “Tôi đã đến Thành Bưởi, Phương Trang và một số doanh nghiệp khác. Tôi ngạc nhiên về dịch vụ rất bài bản, quy mô vận chuyển hàng hóa, trụ sở doanh nghiệp làm nhà chờ cho hành khách rất tiện lợi, xe vào tận bên trong vận chuyển khách ra ngoài, không ảnh hưởng đến giao thông. Mô hình này là nhu cầu tất yếu đối với những doanh nghiệp vận tải lớn. TP.HCM cũng nên tính toán, coi đây là những điểm dừng đỗ, là bến tạm, là mô hình mới khi chưa có phương thức vận tải lớn”.

13275121_1097904530265595_259568028_o

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

10h30: Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu cho rằng, hoạt động kinh doanh vận tải tại TP.HCM đã có chuyển biến tích cực. Trước đây, hàng trăm điểm “bến cóc”, nay chỉ còn 36 điểm, là bằng chứng cho thấy cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt.

Trước đây đến bến xe người ta sợ nhất về môi trường, an toàn, giờ có những bến xe hiện đại như sân bay. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số bến hoạt động theo hình thức chụp giật, không tôn trọng khách hàng.

13288310_1097902406932474_1582851706_o

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội thảo

Ông Khuất Việt Hùng đề nghị Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo các đơn vị rà soát lại tất cả cán bộ công chức chuyên trách quản lý vận tải ở các tỉnh, thành để xác định có bao nhiêu người thực sự là kỹ sư học về vận tải, hay học ngành khác; Thông qua đó tiến hành tổ chức đánh giá năng lực, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng này. Nhiều ý kiến của ông Hùng đã được các đại biểu tại Hội thảo rất đồng tình.

10h00: Tại Hội thảo, ông Văn Công Điểm, Phó tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ du lịch và vận tải Phương Trang, trình bày tham luận “Chung tay dẹp xe khách trá hình, bến xe khách lậu”. Ông Điểm bức xúc nêu thực trạng ở TP.HCM hiện nay “xe khách trá hình”, “bến xe khách lậu” ngày càng lộng hành.

Cụ thể như các điểm “xe dù, bến cóc” ở TP.HCM trong năm 2015 tăng 25% so với năm 2014. Nguyên nhân theo ông Điểm là do doanh nghiệp không muốn vào bến xe nhằm né thuế, hoặc hoạt động gần trung tâm thành phố, khu dân cư. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân do cơ quan quản lý Nhà nước ban hành văn bản quản lý còn bất cập, cơ quan thực thi công vụ, không kiên quyết xử lý.

Phuong Trang

Ông Văn Công Điểm, Phó tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ du lịch và vận tải Phương Trang.

Tình trạng này gây thất thu hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng cho TP mỗi năm; gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải, tạo hệ lụy xấu, đã có nhiều doanh nghiệp vận tải chạy tuyến cố định buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc bỏ bến xe khách liên tỉnh để ra ngoài nhằm cạnh tranh với “xe khách trá hình”.

Đã có nhiều doanh nghiệp, hiệp hội vận tải gửi đơn “cầu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ như: Hợp tác xã Quyết Thắng (tỉnh Đắk Lắk), Hiệp hội vận tải Hà Nội… Mới đây, 12 Doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM gửi đơn kiến nghị Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM xử lý nghiêm “xe khách trá hình”, “bến xe khách lậu”.

Trung Quốc xây dựng căn cứ trái phép ở Trường Sa xa lắc xa lơ còn dễ dàng phát hiện được huống hồ một bến xe lậu ở sát ngay Văn phòng chính của Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT thì không thể không bị phát hiện. Do đó, việc xử lý bến xe khách lậu hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý để thực hiện và dễ dàng phát hiện.

Để giải quyết tình trạng này, Phương Trang đưa ra nhiều giải pháp như: kiến nghị UBND TP.HCM thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức mật phục, thanh tra toàn diện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải tổ chức “xe khách trá hình” đón, trả khách trong “bến xe khách lậu”; Kiến nghị Sở GTVT rà soát dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GPS) của các xe Hợp đồng, xe Du lịch trá hình, để sàng lọc và công khai trên Website của Sở GTVT. Kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện cho xe Hợp đồng trá hình, xe Du lịch trá hình được vào Bến xe để hoạt động.

9h45: Tham gia tham luận về “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách”, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ (trong đó có vận tải hành khách bằng xe ô tô) cơ bản đầy đủ.

Ông Ngọc cho biết, theo số liệu báo cáo của các Sở GTVT, kết quả xử lý vi phạm đối với đơn vị vận tải và lái xe khách của 44 địa phương: đã xử lý tổng số 5.624 trường hợp vi phạm, tổng số tiền xử phạt là: 8.364.146.000đ. Một số Sở GTVT như (Bắc Ninh, Đắk Nông, Hà Nam, Yên Bái, Hưng Yên, Kon Tum, Sơn La) không nhận được thông tin phản ánh về xe khách trá hình, xe dù bến cóc. Thanh tra Sở GTVT qua các đợt kiểm tra không phát hiện trường hợp xe khách trá hình.

Ông Trần Bảo Ngọc cũng nêu những hệ lụy của loại hình “xe dù”, “bến cóc”,  trước hết là tạo ra môi trường kinh doanh vận tải không lành mạnh; gây thiệt hại cho hành khách khi có sự cố hay tai nạn xảy ra; đây là nguyên nhân chủ yếu gây mất trật tự vận tải, không đảm bảo an toàn giao thông; làm thất thu ngân sách do không phải đóng thuế cho nhà nước...

Tran Bao Ngoc

Ông Trần Bảo Ngọc Vụ trưởng vụ Vận tải đọc báo cáo tham luận

Các loại xe Hợp đồng trá hình “xe dù" thường sử dụng hợp đồng vận chuyển khách đã được doanh nghiệp, HTX ký khống trước khi vận chuyển; khi lực lượng chức năng kiểm tra, lái xe mới điền đầy đủ thông tin trong hợp đồng để hợp thức hóa việc vận chuyển khách trên hành trình.

9h00: Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong nhiều năm qua, trật tự ATGT trên địa bàn TP đạt nhiều kết quả, TNGT được kéo giảm trong 8 năm liên tục, kéo giảm số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, với đặc điểm là TP đông dân nhất nước, tốc độ đô thị hóa nhanh, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, vẫn phát sinh nhiều bất cập về trật tự đô thị và hạ tầng giao thông, trong đó có tình trạng xe dù, bến cóc. Dù lãnh đạo TP đã có nhiều chỉ đạo nhưng tình trạng xe dù bến cóc vẫn phức tạp.

Ông Khoa cho biết, qua nắm thông tin từ Sở GTVT TP, sau Hội thảo “Giải pháp chống xe dù, bến cóc” được Báo Giao thông tổ chức vào tháng 5/2015, TP đã tập trung xử lý các “bến cóc”, “xe dù”, từ hơn 130 điểm đến nay chỉ còn khoảng 36 điểm.

received_1097869566935758.

Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

“Tôi đánh giá rất cao quan điểm của Bộ GTVT, trực tiếp là Thứ trưởng Lê Đình Thọ với tinh thần rất trách nhiệm, nhiệt tình, nhanh nhạy về vấn đề này. Ngay tuần sau, Bộ sẽ cử người vào làm việc với TP.HCM để bàn giải pháp, từ đó xây dựng đề án vừa đảm bảo thực tiễn, khách quan, khoa học để quản lý hoạt động vận tải tốt hơn. TP.HCM cũng xin những cơ chế đặc thù để áp dụng, quản lý, vì vốn TP.HCM có những đặc điểm riêng biệt so với các địa phương khác”, ông Khoa nói.

received_1097856170270431.

Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông phát biểu khai mạc hội thảo

8h30: Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết, tháng 5/2015, Báo Giao thông đã phối hợp với Ban ATGT TP.HCM tổ chức thành công hội thảo "Chống xe dù, bến cóc" ở TP.HCM. Qua hội thảo, các doanh nghiệp vận tải, bến xe và nhà quản lý đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp, nhằm tăng cường công tác quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển.

Tuy nhiên, những hình thức vận tải hiện tại vẫn đang bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp như: xe khách hợp đồng ngang nhiên chạy như tuyến cố định, vào nội đô đón khách gây mất trật tự ATGT. “Bến xe dù”, “bến lậu” tiếp tục xuất hiện với những biến thái mới; tình trạng trốn thuế trong vận tải xảy ra khá phổ biến. Từ thực tế này, việc sửa đổi các quy định của pháp luật là nhu cầu bức thiết; song song với đó là nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ, kỷ luật, kỷ cương...

Với vai trò là cơ quan truyền thông của Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, cầu nối truyền thông giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp và người dân, Báo Giao thông phối hợp với Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức Hội thảo "Giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách” tại TP.HCM. Qua đó, các doanh nghiệp vận tải cùng cơ quan quản lý đối thoại, chia sẻ thông tin để cùng tìm giải pháp hữu hiệu nhằm đưa hoạt động vận tải khách vào khuôn khổ; Tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, Nhà nước tránh bị thất thu thuế, doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính mới có đất sống, phục vụ người dân an toàn.

received_1097851133604268.

Toàn cảnh hội thảo

received_1097848206937894.

 

8h00: Các khách mời của Hội thảo đã bắt đầu có mặt tại Hội trường, trong đó ông Lê Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi đến dự Hội thảo rất sớm.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ GTVT, UBND TP.HCM, Sở GTVT, Phòng CSGT CA TP.HCM, lãnh đạo các quận, huyện, các cơ quan ban, ngành khác trên địa bàn TP.HCM. Tham gia hội thảo còn có hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh trong ngành vận tải hành khách, các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn cả nước và TP.HCM.

13321146_1097834410272607_111622447_o

Các đại biểu đến tham dự hội thảo

Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết, đây là năm thứ hai Báo tổ chức hội thảo với chủ đề này. Cũng vào thời điểm tháng 5/2015, Báo Giao thông phối hợp với Ban ATGT TP.HCM tổ chức thành công hội thảo “Chống xe dù, bến cóc” ở TP.HCM. Qua hội thảo, các doanh nghiệp vận tải, bến xe và nhà quản lý đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển.

13295388_1097830290273019_748410768_n

Ông Lê Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi đến dự Hội thảo rất sớm.

Thời gian qua, với phương châm cải cách “Vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan nhiều lần tiếp thu, sửa đổi quy định của pháp luật nhằm điều chỉnh kịp thời sự phát triển của dịch vụ và các loại hình vận tải khách; Từng bước nâng cao điều kiện để hoạt động kinh doanh vận tải ngày càng chuyên nghiệp và an toàn hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, những hình thức kinh doanh vận tải tiện lợi, phục vụ người dân cũng thay đổi rất nhanh, đã đặt ra những vấn đề mới trong quản lý vận tải mà công tác quản lý Nhà nước cần bắt kịp. Mặt khác, những hình thức vận tải hiện tại vẫn đang bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp như: Xe khách hợp đồng ngang nhiên chạy như tuyến cố định, vào nội đô đón khách gây mất trật tự ATGT; bến xe dù, bến lậu tiếp tục xuất hiện với những biến thái mới; tình trạng trốn thuế trong vận tải xảy ra khá phổ biến. Từ thực tế này, việc sửa đổi các quy định của pháp luật là nhu cầu bức thiết; song song với đó là nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ, kỷ luật, kỷ cương.

“Thông qua Hội thảo này, hy vọng các doanh nghiệp vận tải cùng cơ quan quản lý đối thoại, chia sẻ thông tin để cùng tìm giải pháp hữu hiệu nhằm đưa hoạt động vận tải khách vào khuôn khổ. Có như vậy mới tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; Nhà nước mới tránh bị thất thu thuế. Và trên hết, doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính mới có đất sống, phục vụ người dân an toàn”, ông Kiên nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.