Kỳ 1: Vô tư gom khách lẻ, thu tiền tươi
Mất an toàn, cạnh tranh không lành mạnh
Tài xế xe Limousine Hạ Long Travel vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại trên đường chở khách về Quảng Ninh sáng 19/5 tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT
Không chỉ chở khách như tuyến cố định, sử dụng xe trung chuyển trái phép, quá trình chở khách, tài xế xe trung chuyển và xe limousine của Tràng An, Hạ Long Travel còn thường xuyên sử dụng điện thoại khi lái xe, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Thậm chí, khi một đồng nghiệp hỏi lái xe limousine BKS 29B-208.78 của Hạ Long Travel từ Hà Nội về đến Bãi Cháy vì sao nhanh thế, tài xế này đã vô tư đáp: “Quan tài bay mà!”.
Quá trình ghi nhận thực tế PV cũng chứng kiến, các xe du lịch trá hình tùy tiện dừng, đỗ bất cứ nơi nào để đón trả khách.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, quy định quản lý xe du lịch có nhiều điểm tương đồng với xe hợp đồng. Tuy nhiên, xe du lịch có lợi thế hơn ở chỗ được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe, khu du lịch, cơ sở lưu trú và được hoạt động không hạn chế thời gian.
“Chính việc quản lý xe tuyến cố định quá chặt trong khi xe du lịch lại quy định còn đơn giản, việc kiểm soát bị buông lỏng, đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh”, ông Quyền nói.
Một chuyên gia giao thông nhìn nhận, rất có thể vì lợi thế trên mà các xe hợp đồng như Limousine Tràng An đã lợi dụng Ninh Bình là điểm đến du lịch, xin phù hiệu xe du lịch để lách luật, tiện đưa đón hành khách và qua mặt lực lượng chức năng.
Việc các xe du lịch sử dụng nền tảng công nghệ để kết nối hành khách, gom khách lẻ chở theo tuyến cố định, thu vé từng người đã vi phạm Nghị định 10.
Chưa kể, hầu hết các xe du lịch chưa thực hiện theo quy định tại Thông tư số 78/2021 của Bộ Tài chính (sử dụng vé điện tử, hóa đơn điện tử) mà lập danh sách trong quá trình đón khách trên đường để đối phó với lực lượng chức năng, gây thất thu thuế.
Liên quan đến hoạt động trá hình tuyến cố định của Limousine Hạ Long Travel, ông Mạc Đức Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực tế cách thức lách luật này cũng giống xe hợp đồng trá hình hiện nay.
Trong khi đó, công tác xác minh vi phạm gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định phương tiện thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm đầu và điểm cuối trùng lặp tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố.
Tương tự, lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Ninh Bình cho biết, sau phản ánh của Báo Giao thông, sẽ chỉ đạo kiểm tra, làm rõ vi phạm của Limousine Tràng An.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn do lực lượng TTGT chỉ có thể xử lý những phương tiện dừng, đỗ không đúng nơi quy định.
Đối với doanh nghiệp, cần phối hợp với cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải để tổ chức kiểm tra mới biết được tần suất xe chạy thế nào, có vi phạm hay không.
Trong khi đó, Limousine Tràng An đăng ký kinh doanh, xin cấp phù hiệu xe tại Hà Nội, hợp đồng, danh sách vận chuyển hành khách cũng như việc khai thác dữ liệu giám sát hành trình phụ thuộc Sở GTVT Hà Nội, do đến nay phần mềm chia sẻ dữ liệu giữa các Sở GTVT vẫn chưa được thực hiện.
Cần thu hồi phù hiệu xe tái phạm
Tài xế Limousine Tràng An thu vé khách từng người trên chuyến xe từ Ninh Bình - Hà Nội sáng 18/5
Theo ông Mạc Đức Sơn, để xử lý xe du lịch trá hình, TTGT cần phối hợp với lực lượng CSGT các địa phương quyết liệt xử lý.
Cùng đó, Cục Đường bộ VN sớm hoàn thiện xây dựng phần mềm quản lý xe hợp đồng, xe du lịch, cung cấp tài khoản truy cập cho các Sở GTVT, lực lượng TTGT và CSGT để theo dõi, làm cơ sở để xử lý khi kiểm tra.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, hiện nay, các xe kinh doanh vận tải đã gắn thiết bị giám sát hành trình và camera trên xe nhưng cơ quan quản lý chưa khai thác sử dụng dữ liệu một cách triệt để.
“Cần quy định thời hạn cấp phù hiệu ngắn lại, dao động từ 6 tháng đến 1 năm. Giữa 2 kỳ cấp phù hiệu cần có sự phối hợp với lực lượng chức năng để rà soát việc chấp hành quy định về kinh doanh vận tải, quy định về Luật GTĐB, việc gửi hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, vé điện tử có đầy đủ hay không. Nếu chấp hành nghiêm thì cấp lại phù hiệu, còn vi phạm thì thu hồi có thời hạn. Trường hợp tái diễn nhiều lần cần thu hồi phù hiệu vĩnh viễn”, ông Quyền đề xuất.
Ngoài ra, ông Quyền cũng cho rằng cần tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; sơ kết, đánh giá hiệu quả sử dụng việc gắn thiết bị giám sát hành trình và camera gắn trên xe khách. Từ đó có sự đánh giá, bổ sung, sửa đổi quy định để quản lý chặt chẽ hơn.
Liên quan đến phản ánh của Báo Giao thông về hoạt động của xe du lịch trá hình, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết sẽ chỉ đạo các Sở GTVT địa phương để xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Lực lượng chức năng cần nêu cao trách nhiệm
Lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, quy định về quản lý loại hình xe du lịch và xe hợp đồng tại Nghị định 10 hiện nay đã rõ ràng và đủ cơ sở để xử lý các vi phạm.
Trước một số khó khăn mà lực lượng chức năng nêu trong quá trình xử lý như việc xác định tần suất 30% chuyến đi có điểm đầu, điểm cuối trùng lặp, Vụ Vận tải đang phối hợp với Cục Đường bộ VN lấy ý kiến góp ý từ các sở, hiệp hội vận tải… để đưa ra phương án.
“Trách nhiệm của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) rất quan trọng trong việc quản lý, xử lý vi phạm của loại xe trá hình tuyến cố định này.
Trước mắt, cần sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng CSGT, TTGT. Việc xử lý cần thực chất, đi từ những vi phạm nhận diện rõ nhất và đơn giản nhất như tình trạng lặp đi lặp lại dừng đỗ đón/trả khách tại một tuyến phố, ứng dụng camera giao thông để phạt nguội…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận