Cả 4 xe đưa đón học sinh của trường THPT Cao Thắng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã hết hạn kiểm định, 3 xe đã hết niên hạn sử dụng - Ảnh: Sỹ Hòa |
Tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị yêu cầu các địa phương gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc xử lý xe hết niên hạn, quá hạn kiểm định tham gia giao thông. Đến nay, sau gần nửa năm, loại xe này vẫn công khai hoạt động, tung hoành ở nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, miền núi.
Xe hết đát đưa đón học sinh, chở khách du lịch
Chiều 24/3, tiếng chuông tan học vang lên, hàng trăm học sinh ùa ra cổng trường THPT Cao Thắng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), nhanh chóng leo lên những chiếc xe khách loại 24 chỗ đã mở cửa chờ sẵn.
Có 4 xe làm nhiệm vụ đưa đón học sinh tại đây, thì chỉ xe BKS 36B-007.45 là còn mới, còn lại 3 xe BKS: 38H-2356; 29LD-0231; 30L-9366 đều đã cũ nát, nhiều bộ phận hoen gỉ. Mỗi chiếc xe chứa đến 30-40 học sinh, các em ngồi chen chúc trên ghế, đứng ken giữa lối đi của xe. Trên xe, các em vô tư cười đùa, quay ngược, quay xuôi nói chuyện, trêu chọc nhau, thò tay, ngó đầu qua cửa kính, thậm chí đu bám trên cửa lên/xuống.
Các cơ quan, đơn vị khi bán xe cần thu hồi biển số Theo Cục Đăng kiểm VN, đến hết năm 2016, cả nước có 162.575 xe đã hết niên hạn sử dụng. Trong đó, năm 2016 có 23.075 chiếc (gồm 20.068 xe tải và 3.007 xe chở người). Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, tại Cần Thơ đã phát hiện xe BKS 80 được một đơn vị bán cho chủ khác nhưng không sang tên. Hay tại Quảng Ninh, có gần 60 xe của các đơn vị đã thanh lý nhưng không thực hiện sang tên, đổi chủ. “Trên thực tế, không ít cơ quan Nhà nước, tổ chức khi thanh lý xe sắp hết niên hạn nhưng không thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ về quản lý phương tiện, dẫn đến “tiếp tay” cho nhiều xe hết niên hạn vẫn kinh doanh vận tải”, ông Hệ nói. |
Theo thông tin từ trang web của Cục Đăng kiểm VN, cả 4 xe trên đều đã hết hạn đăng kiểm, cụ thể: Xe BKS 36B-007.45 đã quá hạn kiểm định 4 tháng; Xe BKS 38H-2356 hết niên hạn sử dụng từ năm 2016; Xe BKS 29LD-0231 hết niên hạn sử dụng từ năm 2015; Xe BKS 30L-9366 hết niên hạn sử dụng từ năm 2013.
Ngoài ra, trên QL8A hướng thị trấn Tây Sơn - Phố Châu, PV tiếp tục phát hiện xe 16 chỗ BKS 75B-004.14 chở kín các cháu học sinh tiểu học. Kiểm tra thông tin, xe khách này hết niên hạn sử dụng từ năm 2014.
Cuối tháng 3, trong vai người cần mua một chiếc xe cũ nát về kinh doanh du lịch, PV Báo Giao thông ghi nhận tại xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) có khoảng 3-5 xe đã hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn được dùng để kinh doanh vận tải.
Ngay trên trục đường chính của khu danh lam thắng cảnh chùa Hương (bến xe Hương Sơn - bến đò Đục - Long Vân - chùa Tuyết Sơn) thường xuyên có một xe hết đát chở khách, trên thành xe ghi rõ giá vé 15.000 đồng/lượt. Chiếc xe này đã được cải tạo lại giống như xe điện bốn bánh, với bốn hàng ghế dài phía sau và hai chỗ ngồi cùng hàng với người lái, trên xe ghi rõ dòng chữ: “Tourism Chua Huong 36”. Anh Tư, chủ xe cho biết, đây vốn là chiếc xe “cá mập” 16 chỗ đã hết niên hạn sử dụng, anh mua từ Văn phòng Tỉnh ủy của một tỉnh miền núi phía Bắc. “Tôi mua về, dựng lại mất gần 80 triệu đồng. Vào vụ thì chở khách du lịch hoặc đám cưới, ăn hỏi”, anh Tư nói.
Cũng mua xe chở người đã hết niên hạn sử dụng về để kinh doanh chở khách, anh Tuyển, chủ chiếc xe 24 chỗ BKS 89K-5334 (trên xe đề dòng chữ: “Xe chở CB, CNV”) cho biết, mua xe “chuột rút” này với giá 80 triệu đồng, đã chạy được một vụ, giờ bán giá 85 triệu đồng. “Ở nhà tôi cũng có “con” thế này nhưng “đời” sâu hơn, đèn chùm, không có biển số. Nếu dùng để chở công nhân, chở người và đi ra đường to thì nên tìm mua xe gần hết hạn, nhưng vẫn còn tem đăng kiểm. Một, hai lần đầu người ta sẽ kiểm tra, sau đó quen thì... cứ thế chạy thôi”, anh Tuyển bật mí.
Tại Gia Lai, từ ngày 16/12/2016 - 15/2/2017, Tổ công tác liên ngành đã kiểm tra và xác minh thực tế trên địa bàn tỉnh còn 160 xe hết niên hạn sử dụng và quá hạn kiểm định, trong đó, ô tô tải, xe chuyên dụng là 155 chiếc, ô tô khách 5 chiếc. Theo Đại tá Phạm Văn Uấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, thời gian qua, sau khi thực hiện đợt tổng rà soát và thu hồi BKS xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định đang lưu thông trên địa bàn tỉnh thì phát hiện nhiều trường hợp xe đã chuyển qua nhiều đời chủ, bán “xác” xe vào các vùng rừng núi hoặc chuyển sang Lào, Campuchia. Khi tìm đến địa chỉ đăng ký thì chủ phương tiện đã bán cho người khác. Trong số này, có thể người dân tháo xe để bán sắt vụn, nên BKS không thể thu hồi vì đã mất trước đó. Do vậy, rất khó cho công tác thu hồi xe hết hạn sử dụng…
Xe hết đát vẫn ""nêm"" kín học sinh. Khi xe di chuyển, học sinh vô tư thò đầu qua cửa sổ. |
Người có trách nhiệm thờ ơ?
Nói về các xe đưa đón học sinh, thày Phạm Thanh Tùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho hay: Hiện, trường có 4 xe đưa đón học sinh, đều do phụ huynh hợp đồng với nhà xe, nhà trường không can thiệp. “Từ trước tới nay, tôi cứ nghĩ xe được lưu thông trên đường phải đảm bảo các thông số an toàn. Nay PV Báo Giao thông phản ánh thế thì không ổn. Chúng tôi sẽ tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ vấn đề an toàn kỹ thuật khi thuê xe đưa đón. Nếu các nhà xe không chấn chỉnh, chúng tôi sẽ báo cáo công an huyện, yêu cầu nhà xe bổ sung những xe đạt chuẩn”, thày Tùng nói.
Thày Hoàng Trung Sơn, Phó hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng: “Các xe đưa đón học sinh đã hoạt động ở trường được khoảng 3 năm. Ngày trước có một số xe hết hạn kiểm định nhưng nay họ không chạy nữa. Năm 2016, Công an huyện cũng đã kiểm tra, rà soát và xử lý. Cách đây khoảng 2 tuần, tôi cũng đã trực tiếp báo cáo cho Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Hương Sơn về các xe đưa đón học sinh ở trường. Công an trả lời là một số xe vẫn còn kiểm định, còn một số xe nữa công an sẽ tiếp tục rà soát”.
PV đã nhiều lần liên lạc với Đội CSGT Công an huyện Hương Sơn, tuy nhiên với lý do bận công việc nên vẫn chưa thể xếp lịch làm việc. Ông Phạm Duy Thắng, Phó chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Tình trạng xe quá hạn kiểm định, hết niên hạn sử dụng đưa đón học sinh đã từng xảy ra ở các huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh. Ban ATGT tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương phải xử lý triệt để. Ở Hương Sơn, nếu đúng như PV Báo Giao thông phản ánh thì ban sẽ lập tức cử người kiểm tra thực tế, nếu đúng sẽ vào cuộc xử lý, chấn chỉnh ngay”.
Tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, PV Báo Giao thông đã liên hệ, đề nghị làm việc với ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn nhưng bị từ chối với lý do bận họp và cũng từ chối ủy quyền cho người khác cung cấp thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận