Từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động vận tải khách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã sôi nổi trở lại. Tuy nhiên kéo theo là tình trạng xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình cũng tái diễn, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị vận tải làm ăn chân chính.
Nhà xe Thuận Vân bỏ tuyến, xin phù hiệu “xe hợp đồng” để hoạt động trá hình.
Nở rộ xe hợp đồng trá hình
Ngày 13/4, trong vai hành khách, PV gọi vào số điện thoại 0967.463.436 của nhà xe Thuận Vân đặt vé từ Đắk Lắk đi TP.HCM. Từ đầu dây bên kia, nhà xe nhận khách và hẹn khoảng 19h30 xe sẽ đón khách đi bến xe Miền Tây.
Khoảng 19h45, tại đường tránh phía tây TP Buôn Ma Thuột, xe giường nằm Thuận Vân BKS 47B-029.92 trờ đến đón PV lên xe. Lúc này, trên xe chật ních khách.
Xe di chuyển được vài km, một nam nhân viên cầm sổ, bút đi hỏi từng khách địa điểm xuống xe, họ và tên, năm sinh, số điện thoại để ghi vào sổ. Cùng với đó, nhân viên này thu tiền vé, tùy vào địa điểm đón, khách phải trả với giá từ 250.000 - 300.000 đồng.
Xe hợp đồng nhận đặt vé qua điện thoại, đón trả khách tận nơi và thu tiền vé từng khách đi xe.
Khi xe lưu thông trên đường Hồ Chí Minh đến xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột), một tổ CSGT thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk dừng phương tiện để kiểm tra.
Quá trình kiểm tra giấy tờ, tổ công tác yêu cầu tài xế và nhân viên thu tiền (có tên trong hợp đồng-PV) xuống làm việc. Tuy nhiên, sau khi nam nhân viên xuống làm việc, khoảng 5 phút sau, chiếc xe được cho đi.
Video: Xe khách Thuận Vân bỏ bến, hoạt động hợp đồng trá hình "như cơm bữa".
Hành trình quãng đường hơn 350km trên đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 13... qua các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, đến rạng sáng ngày 14/4, xe khách vào đến TP.HCM, rồi vòng vo trên khắp các con đường của thành phố để trả khách. Cùng hành trình trên, còn có thêm xe khách giường nằm hợp đồng trá hình BKS: 47B-018.62.
Video: Nhà xe Anh Thư hoạt động trá hình, thách thức cơ quan chức năng.
Tương tự, chiều ngày 14/4, PV liên hệ số tổng đài 0963.47.47.47 của nhà xe Anh Thư để đặt vé từ TP.HCM về lại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Lúc này, nhà xe hẹn 18h30 sẽ đón khách ở Cổng khu công nghiệp Tân Bình.
Nhà xe Anh Thư được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” nhưng đưa đón khách tuyến Đắk Lắk - TP.HCM và ngược lại như tuyến cố định
Tuy nhiên, phải đến 19h30, xe khách BKS 51B-269.35 thương hiệu “Anh Thư” mới tấp vào trạm dừng xe buýt đón khách lên xe. Sau đó, chiếc xe tiếp tục vòng vo trên khắp các con đường ở quân Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức,… để đón thêm nhiều khách.
Lúc này, xe chật ních nhưng tài xế vẫn đón thêm 6 hành khách nữa với giá vé 400.000 đồng.
Theo tìm hiểu, rất nhiều xe khách giường nằm của nhà xe Thuận Vân và Anh Thư là xe hợp đồng nhưng đi gom khách trái phép.
Nhà xe Quang Danh được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” nhưng hoạt động trá hình, tập kết, xếp khách ngay bên đường.
Hai xe khách 47B-029.92, 47B-018.62 của nhà xe Thuận Vân thuộc HTX Vận tải Dịch vụ Hưng Thịnh (địa chỉ tại TP.HCM), được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cấp phù hiệu “xe hợp đồng”.
Ngoài hai xe trên, nhà xe Thuận Vân còn có các xe giường nằm BKS: 47B-012.45; 47B-021.89; 47B-019.97; 47B-024.98 đều thuộc HTX trên và được Sở GTVT TP.HCM cấp phù hiệu “xe hợp đồng” và liên tục hoạt động trá hình.
Thông tin quảng cáo của nhà xe Quang Danh tràn ngập trên mạng xã hội.
Trong khi đó, xe khách BKS 51B-269.35, còn có các xe giường nằm BKS: 51B-269.13, 51B-019.87, 51B-033.83, 51B-208.50, 51B-021.23, 51B-260.36 của nhà xe Anh Thư thuộc HTX xe khách liên tỉnh Du lịch dịch vụ Thống Nhất (trụ sở TP.HCM), được Sở GTVT TP.HCM cấp phù hiệu “xe hợp đồng”, thường xuyên hoạt động gom khách, đưa đón khách như tuyến cố định.
>>> Video: Xe hợp đồng Tiến Oanh, Quang Danh hoạt động trá hình "như cơm bữa".
Không chỉ xe Thuận Vân và Anh Thư, còn có thêm các nhà xe Tiến Oanh BKS: 47B-024.34; xe Quang Danh BKS:51B-143.13; xe Đức Minh BKS: 51B-506.00... đều là xe hợp đồng nhưng thường xuyên nhận khách lẻ, đưa đón khách, thu tiền như xe tuyến cố định.
Nhà xe Tiến Oanh và Quang Danh có đến hàng chục xe chuyên chạy tuyến Đắk Lắk - TP.HCM và ngược lại. Điều đáng nói, dù các nhà xe trên hoạt động trá hình thường xuyên nhưng hầu như không hề bị xử lý.
Bao giờ hết vấn nạn xe hợp đồng trá hình?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đặng Đăng Khoa, Giám đốc HTX Vận tải Dịch vụ Hưng Thịnh cho biết: “Trước đây xe Thuận Vân là xe chạy tuyến cố định, xe đứng tên công ty nhưng sau đó chuyển sang tên cá nhân, phù hiệu tuyến cố định chủ xe trả hết và xin phù hiệu “xe hợp đồng” để chạy.
Hiện nhà xe Thuận Vân có 7 xe do HTX quản lý và Sở GTVT TP HCM cấp phù hiệu “xe hợp đồng”, phù hiệu có thời hạn đến tháng 5/2022.
HTX chỉ làm dịch vụ vận tải, thu phí dịch vụ một năm có mấy trăm ngàn, còn xe chạy đi đâu thì không quản được. Nhà xe Thuận Vân có làm một hai cái thông báo cho có lệ thôi, còn xe hoạt động như thế nào thì HTX không nắm được'.
Nhà xe Tiến Oanh hoạt động hợp đồng trá hình, "lập bến cóc" tại TP.HCM.
Ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Đối với xe hợp đồng trá hình, xe dù bến cóc, tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại vì xe khách hợp đồng thường ở TP.HCM cấp phù hiệu.
Tôi sẽ chỉ đạo lực lượng TTGT phối hợp với Phòng vận tải để kiểm tra trên Đắk Lắk cấp bao nhiêu xe và dưới kia bao nhiêu để có giải pháp, chỉ đạo xử lý ngay”.
Tương tự, ông Hồ Văn Hưởng, Giám đốc HTX xe khách liên tỉnh du lịch dịch vụ Thống Nhất cho biết: “Những xe PV cung cấp đều thuộc HTX, do Sở GTVT TP.HCM cấp phù hiệu “xe hợp đồng”. Từ tháng 11, 12 năm 2021, sau khi hết dịch, xe chạy lại nhưng toàn chạy dù”.
Trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, khẳng định: “Thời gian qua, lực lượng CSGT luôn chú trọng kiểm tra, xử lý phương tiện xe khách vi phạm trật tự ATGT góp phần phòng ngừa TNGT.
Trong năm 2021 và Quý I/2022 đã xử lý 706 trường hợp xe khách vi phạm với các lỗi vi phạm chủ yếu liên đến quan định về ATGT".
Tuy nhiên, ông này cũng cho biết "hiện chưa phát hiện trường hợp xe dù, bến cóc” (?)
Theo quy định đối với xe dán phù hiệu hợp đồng, hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.
Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận