Lực lượng liên ngành Đà Nẵng kiểm tra, xử lý hàng loạt xe trá hình vi phạm trên tuyến Đà Nẵng-Huế |
Đúng hẹn, 10h ngày 10/1, xe HAV BKS 75B-010.38 đến đón các khách lẻ tại trụ sở để bắt đầu hành trình vào Đà Nẵng. Gần tiếng rưỡi, chiếc xe lưu thông đến đầu thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc, TT-Huế), tài xế nhận cuộc điện thoại “mật báo” về tổ TTKS Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT, Công an TT-Huế) đang làm nhiệm vụ xử lý xe trá hình. Ngay lập tức, xe BKS 75B-010.38 chạy chậm nghe ngóng rồi dừng hẳn vào ngã ba QL1- đường đầm Lập An để sang khách. Nhiều người phản ứng nhưng tài xế phân bua rồi đón taxi “tăng bo” 7 hành khách vào đến Đà Nẵng.
Đây chỉ là một trong hàng loạt chiêu đối phó của các loại xe trá hình này. Trên các trang mạng facebook, diễn đàn Xe ké miền Trung, nhiều nhà xe 7 chỗ đăng status (bài), comment (bình luận) về các chiêu trò lách luật: Không được mặc cả giá vé, chỉ thu tiền khi khách xuống xe, nhận người nhà, người quen, chở không lấy tiền khi bị lực lượng chức năng kiểm tra…
Bên cạnh đó, nhiều xe 7 chỗ bất ngờ thay đổi hành trình khi về đến Đà Nẵng bằng cách đi đường đèo Hải Vân, hay đường tránh Nam hầm Hải Vân để qua mặt các chốt TTKS, liên ngành đang làm nhiệm vụ… Thậm chí, nhiều xe “chiêu mộ” thêm hàng loạt tài xế để xử người này, bố trí người khác chạy thay vì mức lợi nhuận quá khủng. Điển hình, chừng vài ba ngày, xe phù hiệu hợp đồng 7 chỗ BKS 75K-5504 bị cả liên ngành Đà Nẵng và CSGT TT-Huế xử lý liên tiếp 2 biên bản chở khách vi phạm hợp đồng nhưng vẫn tái phạm. Mỗi lần bị kiểm tra, tài xế xe này luôn tỏ ra bất hợp tác, chống đối cơ quan chức năng.
Theo anh T. một chủ xe 7 chỗ, việc “nhờn luật” cũng là chiêu đối phó của các nhà xe bởi mức xử phạt quá thấp so với “lợi nhuận khủng” của các loại xe này. Trung bình mỗi xe 7 chỗ chạy đến 4 lượt/ ngày, mỗi chuyến thu 600.000 - 700.000 đồng, ngoài xăng xe, cầu đường, các xe không phải nộp bất cứ loại thuế phí kinh doanh vận tải nào. Trừ chi phí, thu lợi 1,6-1,7 triệu đồng/ngày, trong khi các mức phạt cao nhất với hành vi vận tải trái phép chỉ tương đương khoảng 2 “ngày công”.
Đại úy Phan Bảo Trung, Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc cho hay: Việc xử lý các xe ô tô trá hình, ô tô 7 chỗ chở khách sai quy định rất khó khăn, phức tạp do các nhà xe, tài xế thường xuyên đối phó, bất hợp tác và sử dụng các chiêu trò khác nhau. Trong đó, phổ biến hành vi tìm cách lách luật khi không bàn chuyện giá vé, thu tiền hành khách lúc xe đang di chuyển mà chỉ thu khi kết thúc hành trình... Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ TTKS kiên trì đấu tranh, kịp thời làm rõ các hành vi vi phạm vận chuyển hành khách sai quy định và không đảm bảo các điều kiện khi điều khiển phương tiện, loại xe kinh doanh vận tải... Thống kê, chỉ tính riêng ngày 13/1, các tổ TTKS của trạm này đã lập biên bản xử lý gần chục trường hợp xe khách trá hình.
Tại Đà Nẵng, Trung tá Nguyễn Ngọc Rạng, Trạm trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng) cho biết: Đơn vị tổ chức các tổ TTKS xử lý xe trá hình, đồng thời phối hợp liên ngành để lập các lỗi vi phạm “chuyên đề” vận tải hành khách. Thời gian qua, liên ngành Đà Nẵng tăng cường tổ TTKS cơ động, đón lõng hàng chục xe trá hình để kiểm tra, xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận