Từ ngày 11/10 vừa qua, bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) tiếp nhận 79 tuyến xe khách với 1.600 đầu xe đang hoạt động tại bến xe cũ đi 15 tỉnh, thành. Cùng với đợt 1, tổng cộng có 100 tuyến xe hoạt động tại đây.
Với việc thêm 79 tuyến cùng khoảng 1.600 xe, bến sẽ hoạt động hơn 500 chuyến, tương ứng 5.000 - 5.500 khách/ngày. Nhưng thực tế mỗi ngày chỉ có hơn 200 chuyến xe đến bến với khoảng 2.600 hành khách.
Gần 300 chuyến xe “mất tích”, trong đó có 160 chuyến đã chuyển sang các bến khác đăng ký hoạt động, 140 chuyến “chạy dù”. Từ đó hình thành nên các “bến cóc” quanh bến xe Miền Đông cũ, dọc theo các cây xăng trên quốc lộ 13, ngã tư Bình Phước, Linh Xuân.
Để lý giải việc các xe từ bến xe Miền Đông chuyển sang hoạt động tại các bến xe Miền Tây, An Sương, ngã tư Ga có đúng quy định, Sở GTVT đã có văn bản phản hồi phản ánh của cử tri gửi đến Văn phòng Đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM.
Theo Sở GTVT, việc mở tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ giữa các bến xe của TP.HCM đến bến xe các tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện theo quy định của Chính phủ, Bộ GTVT.
Theo đó, đơn vị vận tải đăng ký mở tuyến căn cứ theo Quy hoạch định hướng phát triển mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ, cơ quan có thẩm quyền Tổng cục Đường bộ Việt Nam thẩm định và trình Bộ GTVT công bố mở tuyến vận tải khách cố định mới trên cơ sở có ý kiến thống nhất của hai bến và hai Sở GTVT nơi đi và đến.
Hiện nay, Bộ GTVT đã xây dựng phần mềm dịch vụ công trực tuyến, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định đăng ký khai thác tuyến qua phần mềm, không nộp hồ sơ trực tiếp bằng bản giấy hoặc qua hệ thống bưu chính.
Hành khách qua bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) chiều 29/10.
Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc được tổ chức xây dựng, công bố và cập nhật vào phần mềm dịch vụ công trực tuyến.
Sở GTVT giải quyết hồ sơ đăng ký khai theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.
Về một số vấn đề liên quan đến việc mở mới các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh tại các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố.
Theo Sở GTVT TP.HCM, trong thời kỳ từ năm 2003 trở về trước, Sở Giao thông công chính (nay là Sở GTVT) quản lý các bến xe khách: bến xe Miền Đông tiếp nhận các tuyến thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương trở ra phía Bắc; bến xe Miền Tây tiếp nhận các tuyến thuộc các tỉnh miền Tây (trừ tỉnh Long An và Tiền Giang); bến xe Chợ Lớn tiếp nhận các tuyển thuộc các tỉnh Long An và Tiền Giang; bến xe An Sương tiếp nhận các tuyến thuộc các tỉnh Tây Ninh.
Ngoài ra, còn có bến xe quận 8 do UBND quận 8 quản lý, tiếp nhận các tuyến thuộc các tỉnh Long An và Tiền Giang có hành trình đi qua quốc lộ 50; bến xe Tân Bình do UBND quận Tân Bình quản lý, tiếp nhận các tuyến thuộc tỉnh Tây Ninh cho đến năm 2000 giải thể chuyển tuyển sang bến xe An Sương.
Năm 2003 của UBND thành phố tăng cường các biện pháp giải tỏa các tụ điểm xe khách trái phép và xử lý xe khách hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Sở GTVT đã tổ chức các cuộc họp với các cơ quan chức năng của thành phố, các quận huyện, các đơn vị vận tải hành khách và các bến xe khách. Các đơn vị vận tải đang hoạt động tại các tụ điểm có ý kiến, việc độc quyền tiếp nhận tuyến của bến xe khách liên tỉnh: muốn hoạt động tuyến cụ thể nào đó chỉ được vào một bến không được vào bến khác.
Từ đây, dẫn đến tình trạng bến xe độc quyền tiếp nhận tuyến, đơn vị vận tải không có quyền lựa chọn bến xe để hoạt động khai thác tuyến, không tạo động lực cho các bến xe ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và đơn vị vận tải.
Theo đó, việc độc quyền khai thác tuyến của đơn vị vận tải chỉ có đơn vị vận tải được phân công mới được khai thác tuyến vận tải hành khách; các đơn vị vận tải khác có nhu cầu tham gia khai thác tuyến cũng không được tham gia khai thác, nên các đơn vị vận tải này đưa xe hoạt động tại các tụ điểm trái phép.
Do đó, Sở GTVT đã báo cáo Bộ GTVT, UBND thành phố để thực hiện các giải pháp để từng bước xóa bỏ độc quyền tiếp nhận tuyến của bến xe khách liên tỉnh và độc quyền khai thác tuyến.
Việc này sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải đang hoạt động tại các tụ điểm đưa xe vào bến, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách, mang lại lợi ích cho xã hội.
Việc mở mới các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh vào các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố đã được mở rộng theo đề nghị của các đơn vị vận tải, theo khả năng tiếp nhận của các bến xe khách liên tỉnh, sự thống nhất của Sở GTVT nơi đến và chấp thuận công bố của Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam từ khoảng cuối năm 2003 cho đến nay.
Sở GTVT khẳng định việc công bố, mở tuyến và việc các xe từ bến này sang bến khác là thực hiện theo đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận