Giao thông

Xe khách không được đi cao tốc vì lý do 'tế nhị'?

21/01/2015, 07:04

Nhiều hãng xe khách xin đi đường cao tốc nhưng không được chấp thuận, có chuyện kỳ lạ này hay không?

81
5 doanh nghiệp lớn tại Hà Nội có xe chạy tuyến Lào Cai đều đã điều chỉnh hành trình sang tuyến cao tốc. Ảnh: Anh Đức

Đồng bào miền núi tha thiết đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, theo quy định, doanh nghiệp muốn mở tuyến vận tải phải có sự hiệp thương, thỏa thuận giữa hai đầu tuyến. Thế nhưng, khi Sở GTVT các tỉnh thỏa thuận với Hà Nội lại không được. “Các doanh nghiệp vận tải khách tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai… có nguyện vọng thay đổi hành trình, không đi theo QL2, QL32, QL70 để đi vào đường cao tốc nhưng không được các Sở GTVT địa phương tạo điều kiện, ngược lại còn cản trở”, ông Thanh nói.

Nói về lợi ích của doanh nghiệp, người dân nếu khai thác tuyến vận tải trên cao tốc, ông Thanh cho biết: “Tôi rất muốn các doanh nghiệp có xe giường nằm chạy cao tốc, vừa nhanh lại an toàn. Trước đây chạy tuyến cũ mất 6 giờ, nay chạy cao tốc chỉ còn 3 giờ. Chạy tuyến cao tốc không có các điểm dừng đón, xe sẽ chạy một mạch về Hà Nội. Thế nhưng, doanh nghiệp xin lâu rồi mà không được cấp. Chúng ta làm đường mất bao nhiêu tiền, không có lý do gì lại không cho họ chạy như vậy”, ông Thanh bức xúc và cho biết: “Phó Giám đốc Sở GTVT Lai Châu từng nói với tôi rằng, đồng bào dân tộc cũng muốn đi đường cao tốc mà không được đi nhưng khi bảo gửi công văn về Hiệp hội thì họ không dám gửi vì nhiều lý do tế nhị”.

82

100% các tuyến vận tải tại Yên Bái đi Lào Cai và Hà Nội đã chuyển sang chạy cao tốc. Ảnh: Anh Đức

Doanh nghiệp bức xúc

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ôtô Điện Biên cho biết, công ty ông đang có một chi nhánh trên Lai Châu. “Công ty của tôi và nhiều doanh nghiệp từ Lai Châu, Lào Cai rất muốn đăng ký chuyển đổi từ tuyến cũ (QL70) sang đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Tuy nhiên việc chuyển đổi rất khó khăn”.

Chiều 19/1 và sáng 20/1, trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, PV nhận thấy có khá nhiều xe khách của các doanh nghiệp như: Bảo Yến, Hồng Thịnh chạy Mỹ Đình - Tuyên Quang, Hà Sơn, Hải Vân, Vietbus chạy Hà Nội - Lào Cai, các xe Phương Bắc, Khoa Hường, Tuấn Thư chạy Mỹ Đình - Yên Bái hay Yên Bái - Lào Cai. Đáng lưu ý là tất cả các xe có biển số Yên Bái chạy Yên Bái - Hà Nội hay Lào Cai đều có dán dòng chữ Xe chạy đường cao tốc hai bên sườn xe để hành khách nhận biết.

                                         Anh Đức

Theo ông Mạnh, lẽ ra đầu tư một tuyến cao tốc tốn kém hàng nghìn tỷ đồng thì phải mời gọi doanh nghiệp đưa xe vào chạy, đằng này lại gây khó dễ, không cho chạy là không thể chấp nhận được. “Sở GTVT Lào Cai, Lai Châu đều không gây khó dễ. Nhưng về Hà Nội lại không cho chuyển với lý do phải đảm bảo ATGT. Với lý do đó thì phải không cho chạy hết chứ đằng này hàng loạt doanh nghiệp khác vẫn chạy và được cấp phép thì không hiểu nổi”, ông Mạnh bức xúc và cho biết, theo Thông tư 63, việc chuyển đổi hành trình thuộc quyền của doanh nghiệp, không phải trình cấp nào, chỉ phải làm đăng ký chuyển hành trình. Cái khó là cơ quan quản lý không đồng ý thì không thể ký hợp đồng với các bến xe được.

“Xây dựng đường cao tốc, đường tốt phải tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp khai thác. Chứ cản trở, ngăn cản là không thể chấp nhận được. Xe đi vào đường cao tốc như một thương hiệu mạnh nên các hãng xe đang cạnh tranh nhau”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc VN (VEC), nói và cho biết, tới đây Bộ trưởng Đinh La Thăng giao VEC và các cơ quan chức năng của Bộ GTVT mời các Sở GTVT lên để cùng tháo gỡ, giải quyết vấn đề này.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nói gì?

Ông Bùi Danh Tú, Phó giám đốc Sở GTVT Yên Bái: 

Doanh nghiệp chỉ mất từ 1 - 2 giờ thay đổi phương án

Doanh nghiệp chỉ cần đề nghị là Sở GTVT đồng ý ngay. Các doanh nghiệp chỉ cần mang theo phương án đề nghị thay đổi hành trình chạy xe lên Sở và chờ từ 1 - 2 giờ là nhận được chấp thuận. Tại Yên Bái, trước 21/9/2014, Sở GTVT đã thông báo để các doanh nghiệp đăng ký thay đổi hành trình và từ sau ngày 21/9, thời điểm cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông xe toàn tuyến, 100% các tuyến xe chạy từ Yên Bái đi Lào Cai đã chuyển sang hoạt động theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Chiều 20/1, trao đổi với Báo Giao thông, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh khẳng định, không có chuyện cấm cản doanh nghiệp vận tải đi đường này hay đường kia. “Không có đơn vị nào đăng ký chạy lại không được chạy cả. Hơn nữa, làm đường tốt mà không cho chạy thì quá hồ đồ”. Ông Linh còn khẳng định: “Sở GTVT Hà Nội chẳng có văn bản hay quy định, thông báo nào cấm DN đi vào đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cả. Đó là chưa nói đến việc đường Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa bàn Hà Nội rất ít, chúng tôi có muốn cấm cũng chẳng được”.

Sở GTVT Hà Nội chỉ thực hiện vai trò quản lý Nhà nước và đã mời các Sở GTVT trên tuyến về họp và thống nhất xây dựng biểu đồ chạy xe. “Hà Nội có 5 - 6 bến xe. Biểu đồ của mỗi bến lại khác nhau, có giờ của một tuyến trùng nhau. Ví dụ, Bến xe Gia Lâm có tuyến đi Lào Cai chạy 20h rồi thì bến Giáp Bát sẽ chạy 20h30 để khi ra đường cao tốc sẽ không gặp nhau trên đó, tránh tình trạng cùng đổ xô vào đường cao tốc, dễ xảy ra tai nạn”, ông Linh cho biết.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết: “Chỉ nhắc doanh nghiệp khi xây dựng phương án phải quan tâm phục vụ người dân trên trục đường cũ. Việc đi ra đường cao tốc không phải xin mà DN chỉ cần điều chỉnh lại phương án gửi các Sở. Phương án này phải tuân thủ biểu đồ chạy xe mới được phê duyệt”.

Đ.Thắng - T.Bình - T.Mạnh

Ông Phạm Tiến Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý vận tải Lào Cai: Không có chuyện cản trở

Lào Cai rất khuyến khích các doanh nghiệp chạy cao tốc chứ không hề cản trở. Thực tế, chạy cao tốc rất an toàn nếu lái xe làm chủ tốc độ, trong khi đó QL70 đi lại khó khăn và nguy cơ mất ATGT rất cao. Hiện tại, địa bàn Lào Cai có khoảng 40 tuyến vận tải liên tỉnh. Riêng tuyến Hà Nội - Lào Cai và ngược lại có 7 doanh nghiệp tham gia, trong đó có các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội như: Hà Sơn, Hải Vân, Đại Phát, Minh Thành Phát, Vietbus, Hưng Thành và hầu hết đã chạy cao tốc. Với QL70, hiện chỉ còn một số ít các xe Thái Bình, Nam Định hoạt động.

Tuấn Anh

   Ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E):
Xe khách "vô tư" chạy trên cao tốc

Trước đây khi tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng 20 km đầu từ Vành đai II đến Long Thành, VEC cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương hỗ trợ, phân luồng các phương tiện từ TP HCM, miền Tây đi Vũng Tàu chạy lên đường cao tốc thay vì đi QL1. Một số xe chạy từ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long đi Vũng Tàu cũng được phân luồng đi theo đường cao tốc.

Phan Tư

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.