Đường bộ

Xe kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ tới 16,7 triệu lần trong năm 2022

09/02/2023, 17:48

Trong năm 2022, qua thiết bị GSHT, cơ quan chức năng đã phát hiện xe kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ tới 16,7 triệu lần.

200.000 xe đã lắp camera hành trình

Thống kê của Cục Đường bộ VN, năm 2022, cả nước có 938.092 phương tiện được các Sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu thực hiện lắp đặt và truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) thuộc Cục Đường bộ VN và có khoảng 200.000 xe đã lắp camera theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

img

Năm 2022, cơ quan chức năng đã thực hiện xử lý thu hồi phù hiệu đối với 24.628 phương tiện vi phạm quá tốc độ từ 5 lần/1000 km xe chạy trở lên

Qua thiết bị GSHT, phát hiện 16,7 triệu lần xe kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ, số lần vi phạm tốc độ tính trên 1.000km là 0,75 lần, giảm 22,7 % so với cùng kỳ năm 2021.

Về xử lý vi phạm, theo báo cáo từ các Sở GTVT, năm 2022 đã thực hiện xử lý thu hồi phù hiệu đối với 24.628 phương tiện vi phạm quá tốc độ từ 5 lần/1000 km xe chạy trở lên; ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh nhắc nhở đối với 148.868 lượt phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu; xử phạt vi phạm hành chính 22 triệu đồng.

Về hoạt động của hệ thống thu phí không dừng, tính đến ngày 21/12/2022, 4.413,236 phương tiện đã được dán thẻ đầu cuối trên toàn quốc, đạt tỷ lệ 95%.

Toàn bộ 146 trạm thu phí trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai thu phí không dừng với tổng số 857 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng. Toàn bộ các trạm thu phí mở đã được vận hành thu phí theo phương án chỉ duy trì 01 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy; các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí điện tử không dừng toàn bộ từ ngày 01/8/2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ bản hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí vận hành ổn định. Việc chỉ thu phí điện tử không dừng đã giúp các phương tiện lưu thông qua trạm nhanh hơn, không phải dừng lại trả phí như trước đây nên không gây ra ùn tắc tại trạm, giảm tải trong công tác đổi tiền lẻ, bảo quản tiền mặt tại các trạm thu phí. Góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn, tắc tại các trạm thu phí so với trước đây, giảm bớt áp lực điều hành giao thông của lực lượng CSGT, Thanh tra đường bộ, các cơ quan chức năng và nhà đầu tư; các tuyến, các trạm ETC không cần xả trạm như trước.

Gần 14.000 khoá học lái được giám sát thời gian và quãng đường

Theo báo cáo của Cục Đường bộ VN, đơn vị đang triển khai Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định lắp đặt thiết bị DAT để quản lý thời gian, quãng đường học thực hành lái xe của học viên.

img

Cục Đường bộ VN cho biết, đến thời điểm hiện tại hệ thống DAT đã tiếp nhận dữ liệu của 672.392 học viên (trong đó có 473.733 hoàn thành đủ khối lượng). Ảnh minh hoạ

Đến thời điểm hiện tại hệ thống đã tiếp nhận dữ liệu của 672.392 học viên (trong đó có 473.733 hoàn thành đủ khối lượng), 13.791 khóa học, 6.520.877 phiên học thực hành và 40.673 xe tập lái đáp ứng nhu cầu quản lý của các Sở Giao thông vận tải.

DAT (Distance and Time) là thiết bị điện tử được lắp trên ô tô tập lái để giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe bằng cách ghi, lưu trữ, xác thực và truyền nhận thông tin liên quan quá trình dạy và học thực hành lái xe.

Cục Đường bộ VN cho biết, việc ứng dụng DAT vào công tác quản lý đào tạo được dư luận, học viên, cơ sở đào tạo và các Sở GTVT đánh giá cao. Thông qua DAT, học viên học lái xe được đảm bảo nội dung chương trình giảng dạy, kiểm tra được khối lượng nội dung cần thực hành so với quy định, qua đó chất lượng học viên được nâng cao, thể hiện rõ rệt qua kết quả các kỳ sát hạch lái xe.

Cơ sở đào tạo kiểm soát được công tác giảng dạy, quản lý được việc sử dụng phương tiện cũng như sử dụng người lao động (giáo viên dạy lái xe).

Cơ quan quản lý Nhà nước giảm bớt kiểm tra trực tiếp tại đơn vị, kiểm soát được tuyến đường đào tạo lái xe và xác định được các học viên đã hoàn thành đủ quãng đường, thời gian học thực hành lái xe.

Về phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, Cục Đường bộ VN cho biết, phần mềm được nghiên cứu, xây dựng từ tình huống giao thông thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm học, thi, phương pháp chấm điểm của một số Quốc gia như: DVSA (Anh), VicRoad (Australia), Nhật Bản, Singapore...

Đồng thời, xây dựng theo quy tắc của Luật Giao thông đường bộ; trước khi học phần mềm mô phỏng, học viên đã được học môn Pháp luật giao thông đường bộ như: quy tắc giao thông đường bộ, xe ô tô, người lái xe ô tô tham gia giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ, xử lý các tình huống giao thông. Nhờ đó, có đủ kiến thức cơ bản để học sang nội dung phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Đồng thời, qua phần mềm mô phỏng, học viên cũng được tiếp cận với rất nhiều tình huống giao thông như: đường đèo dốc, quanh co, đường cao tốc, đường đô thị, đường nông thôn, điều kiện thời tiết mưa, trơn trượt, ban ngày, ban đêm; nên tăng khả năng quan sát, nhận biết nguy cơ tiềm ẩn TNGT khi tham gia giao thông đường bộ.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 9/2, thông qua kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng GTVT cũng đề nghị Cục Đường bộ VN nghiên cứu đưa thêm tình huống giao thông trên đường cao tốc để học viên được tiếp cận và thêm kỹ năng khi tham gia giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.