Với đội ngũ người lao động tay nghề cao khá dồi dào, có nhà xưởng công nghệ Nhật Bản, ứng dụng nhiều đề tài khoa học cấp Tổng công ty, cấp Nhà nước vào sản xuất…, Công ty CP Xe lửa Dĩ An phấn đấu phát huy thế mạnh, tiềm năng để trở thành đơn vị mạnh, sản xuất hàng loạt sản phẩm chất lượng cao, giảm được giá thành, không chỉ đáp ứng trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới…
Năm 2018, Công ty CP Xe lửa Dĩ An đã chủ động triển khai các dự án liên doanh với các đối tác như: Liên doanh với Công ty Kyosan (Nhật Bản) xây dựng nhà xưởng chế tạo giá chuyển hướng, gia công kết cấu thép của Công ty Tháp Kim, Công ty Đức Kim Tinh… Công ty đã hoàn thành đóng mới và bàn giao đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng 18 toa xe khách, hoán cải nâng cấp 19 toa xe khách, sửa chữa 30 toa xe khách… Đầu năm 2019, đơn vị đang triển khai ứng dụng 2 đề tài khoa học vào sản xuất các toa tàu.
Mặc dù vậy, kết quả sản xuất kinh doanh thực hiện của năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 chỉ đạt kế hoạch sản lượng 38,9%. Đây chính là cái khó, là nút thắt mà mọi người hay gọi là “phú quý thụt lùi” bởi sự phát triển không bền vững, thiếu ổn định khiến những nhà đầu tư chùn bước. Ông Nguyễn Tấn Nè, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Xe lửa Dĩ An cho hay, để nâng tầm sản xuất, đáp ứng tốt các hợp đồng với đơn vị đặt hàng, công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng chế tạo giá chuyển hướng, xưởng đúc kim loại bằng công nghệ mới, công nghệ kéo căng vỏ thép thùng xe, hệ thống phun bi làm sạch… cùng với việc ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ. Tuy nhiên, vì thiếu đơn hàng, từ tháng 5 - 8/2018, công ty phải vận động người lao động nghỉ chờ việc.
Anh Vũ Thanh Dân, Trưởng xưởng Cơ khí Dĩ An - Kyosan Việt Nam cho biết, đến nay, các kỹ sư, công nhân Công ty CP Xe lửa Dĩ An đã hoàn toàn làm chủ máy móc thiết bị của xưởng cơ khí chế tạo giá chuyển hướng toa xe này. Sau gần 1 năm khánh thành, đi vào hoạt động, xưởng đã sản xuất hơn 100 giá chuyển hướng lò xo không khí và xuất xưởng phục vụ lắp đặt cho các đoàn tàu khách. Hiện, công ty đang hoàn thiện 4 khung giá thép hàn theo công nghệ Nhật Bản để thử nghiệm cho tàu hàng. Toàn bộ nhân sự của xưởng chỉ có 14 CBCNV. Tuy nhiên, nhờ có máy móc thiết bị hiện đại, nếu làm hết công suất, mỗi năm xưởng có thể sản xuất được số lượng giá chuyển hướng phục vụ đóng mới 150 toa xe.
Trong điều kiện hiện nay, để sản xuất hàng loạt sản phẩm, nâng cao chất lượng, giảm giá thành… nhiều hãng sản xuất ô tô, xe máy sẵn sàng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa. Trong khi ngành cơ khí công nghiệp đường sắt hầu như vẫn làm theo kiểu thủ công truyền thống. Ông Nguyễn Tấn Nè chia sẻ, có nhiều đối tác nước ngoài đã tới thăm công ty để tìm hiểu cơ hội đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, do yếu tố đầu vào của các đơn hàng bấp bênh nên họ còn chần chừ.
“Hiện nay, chúng tôi phải làm cầm chừng vì không có đầu ra. Bởi ngoài các hợp đồng trong ngành chủ yếu do hai Công ty CP Vận tải đường sắt đặt hàng, hầu như Công ty CP Xe lửa Dĩ An không có đơn hàng bên ngoài. Đến thời điểm này, đơn vị chỉ mới sản xuất 14 bộ giá chuyển hướng bàn giao cho Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm. Công ty đang tìm hiểu thị trường Thái Lan, Campuchia và Myanmar… để tìm hướng xuất khẩu giá chuyển hướng do xưởng chế tạo”, anh Dân nói.
Trong 2 năm qua, Công ty CP Xe lửa Dĩ An đã sản xuất gần trăm toa tàu mới chất lượng cao cung cấp cho ngành đường sắt. Tâm huyết của tập thể CBCNV công ty là muốn có thêm thất nhiều đoàn tàu mới để thay thế các đoàn tàu cũ, nâng cao chất lượng chạy tàu, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hành khách. Đồng thời, đơn vị cũng mong muốn có được dây chuyền sản xuất hiện đại, được đồng bộ hóa để giảm giá thành sản phẩm, hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận