Anh Phạm Mạnh Lân (người đứng giữa) hướng dẫn lộ trình cho các thành viên câu lạc bộ H.O.G trong một buổi tập huấn kỹ năng lái xe đường trường. |
Anh Phạm Mạnh Lân, thành viên Ban điều hành Câu lạc bộ H.O.G tại Tp Hồ Chí Minh chia sẻ với PV Báo Giao thông về "số phận" của những chiếc xe phân khối lớn hiện nay.
Là người đề xuất việc cho xe phân khối lớn được đi trên cao tốc tại hội thảo ATGT vừa được tổ chức mới đây tại TP HCM, anh nghĩ gì khi biết Bộ trưởng Đinh La Thăng ủng hộ và giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất này?
Tôi đưa ra đề xuất này tại buổi tọa đàm “An toàn giao thông và xe mô tô phân khối lớn” được tổ chức chiều 6/5 tại TPHCM. Hôm đó, đại diện các cơ quan hữu quan có mặt tại buổi tọa đàm và Phó Chủ tịch chuyên trách UB An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã lắng nghe tiếng nói từ phía người sử dụng xe phân khối lớn và ghi nhận đề xuất này.
Nhưng thú thực là tôi rất bất ngờ khi đề xuất này được trình lên Bộ trưởng Bộ GTVT sớm như vậy và càng bất ngờ hơn khi được Bộ trưởng ủng hộ.
Trước đó, chúng ta thường nghe nói nhiều về các vấn đề với xe phân khối lớn nhưng đa phần lại thiếu tiếng nói của chính những người sở hữu và sử dụng loại xe này nên thú thực tôi có chút lo ngại Bộ trưởng có cái nhìn không đầy đủ về xe phân khối lớn để có thể đưa ra những quyết định quan trọng.
Anh nói sao khi nhiều người cho rằng cho xe mô tô chạy tốc độ 100-120 km/h xen lẫn với ô tô là rất nguy hiểm? Liệu có sự xung đột nào giữa hai phương tiện này trên cao tốc hay không và thực tế là thiết kế đường cũng đã ghi dành riêng cho ô tô?
Lý do này được đưa ra như một sự biện hộ thiếu thuyết phục cho việc cấm xe phân khối lớn vào cao tốc. Nhiều người nói sẽ "nguy hiểm" nhưng không thể chỉ rõ nguy hiểm đó là gì và ai là người gây ra?
Nếu cả ô tô và mô tô phân khối lớn đều cùng tôn trọng luật giao thông, tôn trọng các phương tiện khác thì không thể có chuyện phương tiện này gây nguy hiểm cho phương tiện kia được.
Còn việc đường cao tốc ở nước ta thiết kế chỉ dành cho ô tô theo tôi là do chúng được xây dựng khi Luật chưa cho phép xe mô tô phân khối lớn được đi trên đường cao tốc. Và tôi không nghĩ rằng tiêu chuẩn đường cho xe hơi và đường cho xe mô tô phân khối lớn lại khác nhau ở đâu đó trên thế giới. Tuy nhiên, việc này ngoài chuyên môn của tôi nên tôi xin không bình luận gì thêm về tiêu chuẩn đường.
Nhưng những vụ tai nạn do xe phân khối lớn gây ra như vụ khiến 1 vận động viên dẫn đoàn đua xe đạp tử vong, vụ một thành viên CLB mô tô Hà Nội thiệt mạng khi phanh gấp tránh người bán bánh mỳ... cho thấy người điều khiển xe phân khối lớn tại Việt Nam còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm điều khiển loại xe này. Việc cho phép xe phân khối lớn lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ gia tăng nguy cơ gây tai nạn?
Trước tiên tôi xin nói rằng tôi không đồng tình với quan điểm rằng khi có tai nạn xảy ra thì lỗi thuộc về xe to hoặc khi có tai nạn giữa xe phân khối lớn với xe máy thì lỗi thuộc về xe phân khối lớn.
Trong mọi va chạm thì lỗi thuộc về người không tuân thủ luật giao thông và thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.
Xe phân khối lớn bản thân nó không có lỗi, lỗi thuộc về người điều khiển và điều này đúng với mọi loại xe không cứ gì xe phân khối lớn. Từ hai ví dụ trên mà rút ra kết luận rằng người điều khiển xe phân khối lớn tại nước ta đa số thiếu kỹ năng và thiếu kinh nghiệm là không công bằng.
Tôi cho rằng việc cần làm không phải là cấm xe phân khối lớn mà là nâng cao nhận thức về ATGT, ý thức chấp hành luật GTĐB cho tất cả mọi đối tượng tham gia giao thông. Nâng cao kỹ năng điều khiển xe phân khối lớn cho người sở hữu và sử dụng. Siết chặt công tác đào tạo và thi sát hạch khi cấp bằng A2.
Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng thú chơi xe phân khối lớn trong điều kiện hạ tầng còn hạn chế như ở VN hiện nay là chưa phù hợp và gây nguy hiểm cho người khác?
Xe phân khối lớn ra đời cách đây hơn 100 năm, ví dụ như ở Mỹ.Và tôi nghĩ rằng điều kiện giao thông ở Mỹ cách đây 100 năm không thể tốt như ở Việt Nam bây giờ!
Đoàn xe phân khối lớn tham gia diễu hành trong lễ khánh thành đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây |
Hiện nay, điều khiển xe phân khối lớn ở Việt Nam khác với nước ngoài như thế nào?
Nước ta chia giấy phép điều khiển xe máy làm 2 loại, A1 cho xe dưới 175cc và A2 cho xe trên 175cc.
Để cấp hai giấy phép này thì người dự thi được đào tạo, sát hạch rất khác nhau nhưng khi tham gia giao thông thì hai loại xe này lại đi cùng nhau trên cùng làn đường, cùng giới hạn tốc độ.
Và cái nhìn của xã hội dường như còn chưa công bằng với xe phân khối lớn.
Là một người thích và thường xuyên đi xe phân khối lớn, anh mong muốn có sự thay đổi như thế nào tới đây?
Điều đầu tiên tôi mong muốn là xã hội có cái nhìn công bằng hơn với xe phân khối lớn. Bản thân chiếc xe không có vấn đề, vấn đề nằm ở người điều khiển.
Ngoài ra, tôi cũng mong những người sử dụng xe phân khối lớn phải trau dồi nâng cao kỹ năng điều khiển xe và phải luôn tuân thủ các quy tắc giao thông.
Cuối cùng, tôi mong ý thức tham gia giao thông của toàn xã hội cần được nâng lên theo kịp sự phát triển chung.
Xin cảm ơn anh
Saigon H.O.G. là câu lạc bộ những người sở hữu xe Harley-Davidson tại Tp HCM. Câu lạc bộ được thành lập cách đây hơn 1 năm là và thành viên của H.O.G. toàn cầu. Đây là nơi sinh hoạt của những người đam mê xe HD. Các thành viên buộc phải trau dồi kỹ năng điều khiển xe và ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Họ chỉ được công nhận là thành viên chính thức khi tham gia 2 buổi huấn luyện sa hình và hai buổi tập huấn đường dài. Hàng tháng, câu lạc bộ tổ chức 2 buổi tập xe cho các thành viên, 1 buổi tập huấn đường trường. Câu lạc bộ thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội của thành phố, liên đoàn xe đạp và moto thể thao. |
Một buổi tập kỹ năng điều khiển xe phân khối lớn của câu lạc bộ xe Harley-Davidson tại Tp HCM
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận