Xe quá tải rồng rắn vào KCN Đồng Văn IV do Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera (Tổng công ty Viglacera – CTCP) làm chủ đầu tư - Ảnh: Khánh Linh |
Dù mới hoàn thành và chưa bàn giao nhưng QL38 mới (huyện Kim Bảng, Hà Nam) đã bị hàng trăm lượt xe quá tải chở đá, cát vô tư cày ải, khiến mặt đường bắt đầu hư hỏng, tiềm ẩn cao nguy cơ gây tai nạn.
Phá nát đường trăm tỷ, dân chịu khổ
QL38 mới được khởi công nâng cấp từ năm 2010 và nằm trong nhóm dự án giao thông phải giãn tiến độ. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 180 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách. Do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay, nhà thầu mới thi công xong lớp mặt và vẫn chưa bàn giao cho cơ quan quản lý. Tuy nhiên, ngày 7/12, đi dọc QL38 mới đoạn Nhật Tựu - Chợ Dầu (huyện Kim Bảng) dài gần 10km, PV Báo Giao thông tận mắt chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đường. Nhiều đoạn bị xới tung biến thành những ổ voi, ổ gà gây bất lợi cho người tham gia giao thông.
Ngày 28/10, Sở GTVT Hà Nam đã có văn bản chấp thuận cho phép Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera sử dụng tạm thời tuyến QL38 mới đoạn Km 87+600 - Km 98+250 phục vụ thi công dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Đồng Văn IV. Sở GTVT yêu cầu Công ty Viglacera không được để xe chở quá tải. Nếu phát hiện, xe chở quá tải sẽ bị từ chối vận chuyển. Đồng thời, nếu Công ty Viglacera không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT, Sở GTVT sẽ từ chối cho phép sử dụng tạm thời đoạn tuyến. Khi hết thời gian mượn, Công ty Viglacera phải hoàn trả nguyên trạng kết cấu ban đầu. |
Trong vòng 1 tiếng đồng hồ, PV ghi nhận hàng trăm lượt xe tải nhãn hiệu Howo BKS: 90C-047.04, 90C-043.15, 90C-038.55, 90C-047.93, 90C-045.11... chở đất, đá chất cao có ngọn, che chắn tạm bợ, lộ lớp đá cao vài chục cm, nối đuôi nhau vận chuyển. Các xe này đa phần phục vụ san lấp mặt bằng Khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn IV do Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera (Tổng công ty Viglacera – CTCP) làm chủ đầu tư.
Chị Nguyễn Thị Lụa (xã Hồng Sơn, huyện Kim Bảng) bức xúc: “QL38 giờ chẳng khác đại công trường. Nhiều xe ngang nhiên chở có ngọn, chạy ngược chiều, không những phá đường, đoàn xe không chịu che chắn thùng, khiến đất đá rơi tung tóe, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.
Cũng theo người dân, trước đó, ngày 28/10 khi KCN Đồng Văn IV bắt đầu được san lấp mặt bằng, các nhà thầu bị buộc huy động xe tải trọng lớn để kịp tiến độ khởi công ngày 11/11. Có mặt trên QL38 thời điểm đó, PV ghi nhận có hàng trăm xe tải hiệu Howo BKS: 90C-028.14, 90C-052.54, 90C-029.25, 90C-022.58, 90C-020.28... dán logo của hàng chục doanh nghiệp như: Thanh Tùng, Công ty Hai Pha, Vận tải Trang Khởi Linh, Tiên Chung... chở đá, cát nối đuôi nhau chạy rầm rập. Tra cứu dữ liệu từ Trung tâm Dữ liệu của Cục Đăng kiểm VN, hầu hết các xe trên đều cơi nới thành, thùng cao 1-1,2m, trong khi theo giấy chứng nhận đăng kiểm thành, thùng các xe này chỉ được cao 60cm.
Doanh nghiệp chối quanh, lực lượng chức năng kêu khó
Trả lời Báo Giao thông về việc có hay không Công ty Viglacera tiếp nhận xe chở quá tải, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó giám đốc Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera cho rằng, công ty đã được Sở GTVT cho mượn 1,6km đầu tuyến QL38 đến khu dự án. “Trong quá trình mượn, để đảm bảo ATGT, chúng tôi có cam kết với Sở GTVT và yêu cầu nhà thầu cung cấp vật liệu không chở quá tải. Hiện, có 5 nhà thầu cung cấp vật liệu cho chúng tôi với danh sách xe đăng ký rõ ràng. Chúng tôi cũng cam kết khi đường hỏng sẽ hoàn trả đúng nguyên trạng”, ông Phong nói
Cũng theo lời ông Phong, Công ty Viglacera chỉ mượn 1,6km trong tổng số 10km của dự án nâng cấp, cải tạo QL38 đoạn từ ngã ba Nhật Tựu đến dự án của công ty. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, hầu hết các xe chở đá quá tải đều lấy đá từ các mỏ thuộc xã Tân Sơn (Kim Bảng) đi hướng từ đê Chợ Dầu theo QL21 và ra QL38 mới theo hướng ngược lại. Nếu đúng theo lời ông Phong, các xe này phải “bay” một quãng đường khoảng 7km để cung cấp vật liệu cho dự án KCN Đồng Văn IV.
Thừa nhận tình trạng xe cơi nới thành, thùng chở quá tải bùng phát trở lại trên địa bàn, ông Nguyễn Quang Tuyển, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nam giải thích, thẩm quyền dừng xe, cưỡng chế thi hành của TTGT bị hạn chế nên việc xử lý xe quá tải tại cảng, bến, mỏ đá rất khó khăn. Khi xử lý quyết liệt, hầu hết các xe trước và sau Thông tư 32 đã cắt bỏ thành, thùng vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay hầu như xe đã cơi nới lại thành, thùng.
“Cần ban hành kế hoạch và quy chế phối hợp trong kiểm soát tải trọng xe chung của tỉnh, trên cơ sở đó lực lượng TTGT mới vào được các doanh nghiệp kiểm tra tại nơi xuất phát. Nếu chỉ ban hành kế hoạch của Sở, thẩm quyền rất hạn chế”, ông Tuyển nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận