Chở trọng lượng hàng hóa theo kết cấu 5 trục, nhưng các xe rút giò này chỉ lưu thông trên đường bằng 4 trục |
Kỳ 1: Xe khủng rụt chân “ăn gian” tải trọng
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại các cầu cảng Quy Nhơn (Công ty CP Cảng Quy Nhơn) diễn ra nhộn nhịp. Tài xế xe tải 5 trục BKS 77C-093.90 đánh lái, đưa thùng về phía cần cẩu đang bốc những bao đạm Phú Mỹ từ tàu hàng lên bờ. Từng lượt bao tải đạm được xếp chồng (25 bao) theo cần cẩu cùng đội ngũ nhân viên bốc xếp (Xí nghiệp Bốc xếp cảng Quy Nhơn) hối hả đưa vào lòng thùng xe.
“Hô biến" 5 trục thành 4 chân
Sáng 19/5, gần hai tiếng đồng hồ, 18 lượt cần cẩu lên xuống đưa tổng số 450 bao đạm lên xe, xếp gần đầy thành thùng xe tải BKS 77C-093.90. Phía dưới, 2 nhân viên kiểm đếm đại diện cho phía tàu và phía cảng cùng kiểm đếm, xác nhận. “Hàng có quy cách, có bao, có ký nên chẳng cần thiết phải cân”, chị nhân viên vừa đánh dấu các lượt tay cẩu đưa hàng từ tàu lên xe vừa nói. Mỗi bao nặng 50kg, nhân tổng số bao ra tổng số đạm trên xe tải đạt 22,5 tấn.
Theo ông Phạm Đại Lâm, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy bộ Bình Định, thông số tải trọng cho phép, tổng trọng tải đối với những dòng xe 5 trục là tiêu chuẩn khi xe sử dụng cả 5 trục xe lúc vận hành, di chuyển. Thiết kế trục rút của xe thực chất để co lên khi chạy không có tải còn khi chở hàng thì hạ trục xuống để chịu tải cả 5 trục. Do đó, nếu chở đúng tải mà rút 1 trục lên là sai và chắc chắn quá tải. |
Tuy nhiên, trích xuất dữ liệu đăng kiểm quốc gia, xe tải BKS 77C-093.90 có khối lượng tự thân hơn 13,3 tấn, tải trọng cho phép 20,5 tấn (tổng trọng tải 34 tấn). Đáng chú ý, vừa nổ máy bắt đầu hành trình vận chuyển, xe 5 trục BKS 77C-093.90 bất ngờ rút trục giữa còn lại 4 chân (trục) chịu lực. Chiếu theo quy định Thông tư 46/2015/TT-BGTVT về tải trọng khổ giới hạn phương tiện, loại xe 4 trục có trọng tải (xác và hàng hóa) tối đa 30 tấn. Trong khi, xe “trá hình” BKS 77C-093.91 có tổng trọng tải lên đến gần 36 tấn, riêng hàng hóa vượt hơn 20% mức tải trọng cho phép.
Nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng phát hiện trục giữa của xe tải được rút lên cao. Thế nhưng, suốt hành trình từ cầu cảng ra phía cổng, xe tải BKS 77C-093.91 không chịu bất kỳ sự kiểm tra giám sát nào của chủ cảng, lực lượng chức năng. Khoảng 9h30 cùng ngày (19/5), xe đến khu cổng cảng. Tài xế vội trình 2 tờ giấy, nhân viên trực cổng kiểm tra qua loa rồi cho xe tiếp tục lăn bánh ra QL19 về tập kết tại KCN Nhơn Hòa (TX An Nhơn, Bình Định).
Tương tự, hàng loạt xe tải 5 trục của các đơn vị kinh doanh, khai thác tại cảng Quy Nhơn vô tư “ăn gian” 1 trục. Trước đó, gần 16h ngày 9/5, xe tải 5 trục BKS 77C-013.52 chở gần 500 bao hàng rời (mỗi bao nặng 50kg, tổng trọng tải hàng hóa hơn 22 tấn) thản nhiên rút trục giữa lên, lưu thông từ cầu cảng ra ngoài, đánh lái về phía QL19.
Cân cảng chỉ để làm dịch vụ
Đặc biệt, ngày 26/4, “tập đoàn” xe tải 5 chân BKS: 77C-136.45, 77C-117.64, 77C-133.71, 77C-118.51 treo logo các đơn vị Bình Minh, Hoàng Tâm chở đầy thành thùng hàng rời (phân đạm, xi măng…) co rút 1 trục ra ngoài cổng cảng. Theo quan sát của PV, dọc đường ra cổng cảng có nhiều trạm cân cố định, nhưng các xe tải “trá hình” không phải lên bất cứ bàn cân nào. Đồng thời, cảng không có bất kỳ hoạt động kiểm soát tải trọng nào của phương tiện ngoài việc theo dõi phiếu cân của nhân viên gác cổng. 10h20 ngày 26/4, PV bám theo các xe tải 5 trục BKS 77C-135.20 (tải trọng cho phép 22 tấn, đề tên Bình Minh), 77C-11851 (đề tên Hoàng Tâm) co rút 1 trục giữa chở 23 tấn hàng rời thản nhiên từ cầu cảng ra QL19 trước khi tập kết ở điểm cuối kho và xưởng Công ty TNHH Khang Trâm (đường số 2, lô 65, Cụm công nghiệp Nhơn Bình, Quy Nhơn).
16h15 chiều 9/5, PV trong vai tài xế “lỡ đường” xin theo xe tải đầu kéo BKS 77C-116.97 kéo rơ-moóc 77R-018.91 chở hơn 31 tấn hàng rời từ cầu cảng Quy Nhơn ra QL19. Vừa đến cổng cảng, tài xế Đỗ Trọng H. đưa xe vào cổng rồi chìa tấm phiếu hàng cho nhân viên trực xem qua loa và tiếp tục lên đường. Ra cách cổng chừng 100m, chiếc xe đầu kéo đỗ lại quán cà phê bên đường. Tại đây, anh H. ngồi chờ người đàn ông tên Hải ra làm hợp đồng vận chuyển, lấy tiền công. Theo cánh tài xế, hợp đồng mới là căn cứ chính để tính khối lượng, đơn giá vận chuyển. Còn lại phiếu bốc hàng được các chủ xe, chủ hàng “phù phép”, lập khống để ăn gian tải trọng trong trường hợp xe chở quá tải và dễ dàng lưu thông qua bộ phận kiểm phiếu ở cổng cảng.
Hơn 9h sáng 22/5, PV tiếp tục “làm khách” trên xe tải 5 trục BKS 77C-111.38 (tải trọng cho phép 24,450 tấn, khối lượng tự thân 11,42 tấn - PV) vừa nhận 490 bao đạm xếp đầy thành thùng với tổng khối lượng hàng hóa 24,5 tấn. Vừa lên xe, tài xế B. chỉ tay nhấn một nút bấm “đặc dụng” gần vô lăng xe, lập tức trục giữa xe được rút lên trước khi bắt đầu hành trình từ cầu cảng ra ngoài. “Chỉ cần giảm ga, bấm nút là xe 5 trục sẽ thành 4 trục. Giờ loại này thịnh lắm”, anh B. nói. Trên suốt hành trình từ cảng Quy Nhơn đến KCN Nhơn Hòa, xe tải “trá hình” BKS 77C-111.38 chỉ chạy bằng 4 trục, tổng tải trọng phương tiện vượt mức cho phép, hàng hóa trên xe quá tải. “Trục này co rút là để tăng tải. Nếu cảng soát kỹ thì mình hạ xuống, xe có gặp CSGT, hay TTGT cũng thế. Xe chạy 4 trục sẽ đỡ hao mòn phương tiện, giảm chi phí nhiên liệu, kéo dài tuổi thọ của lốp”, anh B. nói.
Trao đổi với PV, ông Kh., quản lý một hãng vận tải lớn tại cảng Quy Nhơn thừa nhận, các xe hầu như không bị cảng kiểm soát tải trọng bằng cân. Các bàn cân của cảng chỉ để cân dịch vụ với giá khoảng 2.000 - 2.200 đồng/kg cho các đơn vị muốn kiểm đếm khối lượng hàng hóa giao nhận. Dòng xe 5 trục đang thịnh hành ở khu vực cảng Quy Nhơn, đánh bật các xe 4 trục do không thể cạnh tranh giá cước, chi phí vận chuyển vì hành vi rụt chân “trá hình” tải trọng này.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận