Báo Giao thông vừa đăng tải bài viết: "Kỳ lạ xe quá tải nghênh ngang, lọt trạm CSGT, xuyên nhiều tỉnh", phản ánh tình trạng nhiều xe đầu kéo khung mui phủ bạt chở đầy cát, có dấu hiệu quá tải xuất phát từ mỏ cát Thuý Danh (ở Đô Lương) và thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) lưu thông ra các tỉnh phía Bắc.
Điều đáng nói là trên hành trình di chuyển của các xe này đều có các đội, trạm CSGT. Tuy nhiên, những xe này vẫn vượt qua để đi sang các tỉnh thành khác mà không hề bị kiểm tra, xử lý.
Sau đó, một trong những xe mà PV ghi nhận đang trên hành trình ra Ninh Bình đã bị lực lượng CSGT Thanh Hoá cân kiểm tra, kết quả cho thấy tổng trọng tải xe lên đến 74 tấn, xe chở quá tải 96%. Tuy nhiên, đây là chiếc xe mà PV đã chủ động gọi điện báo cho lực lượng CSGT.
Sau khi PV gọi điện báo, CSGT Thanh Hóa đã dừng chiếc xe này để kiểm tra, kết quả cho thấy xe chở quá tải gần 100%
Trả lời PV sau đó, chủ mỏ cát thừa nhận sai, "do sơ xuất, quản lý nhân viên không chặt chẽ để họ bán cát cho những phương tiện không đảm bảo quy định, gây nguy cơ mất an toàn giao thông".
Câu trả lời khó thuyết phục được ai, bởi cát là tài sản của mỏ. Chủ mỏ không thể không biết đang bán cát cho ai. Chủ mỏ có sơ suất, quản lý nhân viên không chặt thì còn có sổ sách, có hệ thống camera giám sát tại mỏ. Đặc biệt theo quy định, các mỏ phải có trạm cân tải trọng để tránh thất thoát tài nguyên của đất nước.
Ngoài chủ mỏ, thì lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường cũng không thể nói không biết.
Những chiếc xe đầu kéo này có kích thước rất lớn, dù lái xe có dùng các thủ thuật để qua mắt lực lượng chức năng, thì qua các dấu hiệu khác như: tiếng động cơ, vệt lốp bánh xe, vệt nước từ trên xe chảy xuống…, đến người bình thường cũng biết được chiếc xe đó có chở nặng hay không, chứ đó đâu phải những cây kim sợi chỉ để có thể di chuyển hết từ tỉnh này sang tỉnh khác?
Thế nhưng, những chiếc xe đã đi hàng trăm km trên các tuyến quốc lộ chính, như QL7A, QL1. Trong hành trình đó, xe phải qua rất nhiều chốt, trạm cân của lực lượng CSGT. Hoạt động này cũng không bột phát một lần, mà lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác.
Nhiều bạn đọc sau khi đọc bài viết trên Báo Giao thông đã bày tỏ nghi ngờ: Nếu không được dung túng, chống lưng, liệu những chiếc xe đó có dám ngang nhiên hoạt động ngày này, qua ngày khác như vậy?
Đặc biệt, sau đợt cao điểm xử lý xe quá tải vừa qua, hầu hết tại các địa phương trên cả nước vấn nạn này đã không còn tái diễn.
Nếu như trước kia rất dễ dàng bắt gặp từng đoàn xe chở có ngọn rầm rập chạy ngày đêm, kể cả tại các điểm mỏ, thì đến nay hầu như không còn thấy tình trạng xe cơi thùng, chở có ngọn hoạt động công khai như trước.
Vậy thì vì sao tại Nghệ An vẫn diễn ra câu chuyện này? Nó không chỉ đi được lại tinh thần "cao điểm không có điểm dừng" mà nhiều tỉnh thành khác đang thực hiện nghiêm túc, mà còn khiến các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính bức xúc, vì bị cạnh tranh không lành mạnh.
Câu trả lời xin dành lại cho chính quyền và lực lượng chức năng địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận