Xếp hàng vượt thùng xe tại cụm bến không phép ven sông Công, thuộc xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội |
Việc kiểm soát tải trọng ô tô tại cảng, bến thủy có phép đã dần đi vào nền nếp. Thế nhưng, tại nhiều cảng, bến không phép hoặc đang chờ gia hạn cấp phép, việc này vẫn bị buông lỏng, làm mất bình đẳng trong vận tải và gây mất trật tự ATGT.
Mặc sức chất hàng, chở quá tải
Trên tuyến QL2 đoạn gần cầu đường bộ Đa Phúc (xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội) thường xuyên tái diễn cảnh xe tải, chở cát, sỏi, vật liệu xây dựng, chạy từ trong đường nhánh ra quốc lộ. Các xe tải hàng chục tấn đều chất hàng “có ngọn”, vượt cao ngất so với thành, thùng. Nhiều xe không dùng bạt và để lộ rõ những vết hàn ghép tấm thép, ván gỗ để cơi thùng xe cao thêm vài chục centimet.
Những ngày qua, PV Báo Giao thông trực tiếp bám theo những chiếc xe trên, dễ dàng xác định được nơi xuất phát của chúng là cụm bến thủy nằm ven sông Công, thuộc địa bàn xã Trung Giã. Cụm bến thủy này có những bãi cát lớn nối tiếp nhau hàng kilomet, có chỗ cát được chất ngay mố sát trụ cầu đường bộ, cầu đường sắt Đa Phúc. Thậm chí, có chỗ cát được chất cao lấp gần ngập cột báo hiệu đường thủy. Ở các bến này đều không thấy có tên bến, nội quy, quy trình hoặc nhân viên thực hiện việc kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ. Mỗi khi có xe vào, cát, sỏi được chất đầy hết mức, sau đó rời đi mà không hề có sự kiểm soát tại đường ra, vào bến.
"Một số đơn vị cảng vụ ĐTNĐ và Thanh tra Sở GTVT địa phương đã ký kết quy chế phối hợp kiểm soát tải trọng. Khi TTGT phát hiện xe chở quá tải trên đường và thông báo cho cảng vụ sẽ rất tốt, giúp cảng vụ xác định vi phạm, xử lý cảng, bến về hành vi xếp hàng quá tải”. Ông Lê Quang Trung |
Đem thắc mắc trên hỏi ông Lê Mạnh Cường, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Thái Nguyên (quản lý khu vực sông Công), ông cho biết, đây là cụm bến hoạt động không phép từ lâu nhưng chưa thể giải tỏa, trong khi lực lượng cảng vụ đường thủy không có thẩm quyền xử lý đối với các vi phạm nói chung và chở quá tải nói riêng.
“Cụm cảng này đã có từ nhiều năm nay, giờ do khoảng chục hộ dân đứng tên quản lý, nhưng không đáp ứng các điều kiện về hoạt động bến thủy nên không được cấp phép. Tuy có tình trạng chất hàng và chở quá tải, nhưng đơn vị không có thẩm quyền xử lý vi phạm ”, ông Cường nói và cho biết thêm, ở phía bên bờ sông Công đối diện có 5/15 cảng, bến thủy (thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên) hoạt động không phép. Cảng vụ chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở để không chở quá tải, còn việc xử lý vi phạm đều do lực lượng TTGT xử lý ở trên đường.
Trong khi đó, theo quan sát của PV ngày 16/3, trong khu vực cụm bến và đường ra vào cụm bến xã Trung Giã không có trường hợp xe quá tải nào bị xử phạt hành chính.
Tương tự, bến không phép, tình trạng buông lỏng kiểm soát tải trọng đường bộ cũng xảy ra tại bến các bến đang chờ gia hạn cấp phép. Khảo sát ngẫu nhiên tại một số bến như: Hùng Nhung, bến ông Thiêm ven sông Hồng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cũng thấy tình trạng xe chở vật liệu xây dựng quá thành thùng, nhưng không hề có sự kiểm soát tải trọng từ bến.
Chủ bến Đoàn Văn Thêm cho biết, bến hoạt động từ năm 1989, nhưng từ năm 2012 do hợp đồng thu bến đang bị thu hồi nên vẫn trong tình trạng chờ... cấp phép hoạt động trở lại.
Còn ông Lê Quang Trung, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Sơn Tây cho biết: “Phạm vi thuộc đơn vị quản lý có hàng chục bến chưa được cấp phép trở lại, nhưng thực tế vẫn hoạt động. Các bến này đã ký cam kết không xếp hàng quá tải, nhưng khi họ vi phạm, cảng vụ không thể xử lý vì thẩm quyền cảng vụ chỉ được xử lý đối với bến có phép hoạt động”.
Cần phối hợp liên ngành
Theo quy định hiện hành, các cảng bến thủy không phép thuộc diện phải bị đình chỉ hoat động, nhưng thực tế các quyết định đình chỉ đều không có hiệu lực. Thực tế, rất ít thấy bến nào bị chính quyền địa phương cưỡng chế, giải tỏa.
Trong khi đó, lực lượng cảng vụ ĐTNĐ tuy được giao xử lý hành vi xếp hàng quá tải và xe ô tô chở quá tải từ cảng, bến thủy nhưng lực lượng này không có thẩm quyền xử lý tại các cảng, bến không phép. Mặt khác, ngay cả việc xử lý tại các cảng, bến có phép cũng không hề đơn giản.
Ông Phạm Sỹ Công, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Cống Câu (Hải Dương) cho biết, khi cảng vụ ĐTNĐ đến tuyên truyền, nhắc nhở cảng bến thực hiện việc kiểm soát tải trọng, không ít chủ cảng bến thủy từ chối cho rằng cảng vụ không có thẩm quyền, đến khi đưa họ các văn bản pháp luật mới... chịu.
“Tuy cảng vụ ĐTNĐ có thẩm quyền xử lý xe quá tải tại cảng bến, nhưng lại không có thiết bị để chứng minh hành vi chở quá tải nên việc xử lý bị hạn chế. Cách xác định vi phạm chủ yếu bằng đếm bao hàng, đo khối lượng hàng rời hoặc đối chiếu sổ sách xuất hàng. Có những trường hợp xếp hàng rời lên xe có dấu hiệu quá tải, thấy cảng vụ đến lập biên bản họ nháy nhau gạt hàng xuống”, ông Công nói và cho biết, để kiểm soát tốt tải trọng từ cảng, bến thủy cần có có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng TTGT để kiểm soát hành vi chất hàng, chở hàng quá tải.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Trung cho rằng, nếu thanh tra giao thông xử lý vi phạm xe ô tô quá tải và báo cho lực lượng cảng vụ ĐTNĐ, cảng vụ sẽ truy ngược để xử lý chủ bến hành vi chất hàng quá tải.
Đề cập vấn đề kiểm soát tải trọng tại cảng bến thủy, ông Lê Thành Điểm, Đội trưởng Đội TTGT Đông Anh cho biết, hiện giữa lực lượng TTGT và CSGT thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm xe quá tải. “Nếu giữa TTGT và cảng vụ ĐTNĐ có sự phối hợp chặt chẽ chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả, hỗ trợ trong xử lý vi phạm đối với xe quá tải lưu thông trên đường và hành vi xếp hàng quá tải tại cảng, bến thủy”, ông Điểm cho biết.
Theo thông tin từ lãnh đạo các đơn vị cảng vụ như Sơn Tây, Việt Trì, Hải Dương, Hà Nội, Thái Nguyên... tới đây lực lượng cảng vụ sẽ bám sát nội dung quy chế phối hợp với lực lượng TTGT địa phương để tăng hiệu quả kiểm soát tải trọng từ cảng, bến thủy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận