Đại học Hoa Sen |
Văn phòng Thành ủy TP.HCM ra thông báo kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM tại buổi làm việc với Trường ĐH Hoa Sen. Trước đó, ngày 25/5, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc về giải quyết các kiến nghị của Trường ĐH Hoa Sen.
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết lãnh đạo TP hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của tập thể HĐQT, cán bộ quản lý, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của TP, nhất là góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong 10 năm qua.
Thành ủy, UBND TP.HCM luôn ủng hộ, đồng tình Trường ĐH Hoa Sen về định hướng hoạt động theo loại hình trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Việc quyết định trường hoạt động theo loại hình trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận hay không là thẩm quyền của Đại hội cổ đông ĐH Hoa Sen theo đúng quy định pháp luật.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên HĐQT, các cổ đông của trường và các thành viên dự họp, Bí thư Đinh La Thăng giao Ban Cán sự UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ Trường ĐH Hoa Sen thực hiện việc tổ chức và quản lý hoạt động của nhà trường theo đúng quy định pháp luật; trên cơ sở bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP. HCM, tham mưu UBND TP xem xét, chỉ đạo việc công nhận HĐQT Trường ĐH Hoa Sen được bầu bổ sung ngày 2/8/2014 theo đúng quy định pháp luật.
Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ và TCCN chỉ đạo Đảng ủy, các tổ chức đoàn thể của Trường ĐH Hoa Sen quán triệt cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường việc tuân thủ các văn bản pháp luật hiện hành nhằm giữ đoàn kết, ổn định tình hình và không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của trường.
Đồng thời, để được công nhận trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, đề nghị Trường ĐH Hoa Sen thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định tại Điều lệ trường ĐH, khẩn trương xây dựng đề án trình Bộ GD&ĐT thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Trước đó, Báo Giao thông đã có bài phản ánh Cổ đông ĐH Hoa Sen kêu cứu Bí thư Đinh La Thăng, phản ánh việc tranh chấp nội bộ tại ĐH Hoa Sen khiến môi trường giáo dục tại ngôi trường có hơn 10 nghìn sinh viên này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tâm điểm của những vụ tranh chấp gây ồn ào dư luận suốt thời gian qua xuất phát từ sai phạm trong quản lý, điều hành của bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng nhà trường. Đại học Hoa Sen được thành lập theo Quyết định số 274 ngày 30/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ghi rõ: “Trường Đại học Hoa Sen hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục”.
Đến nay, Đại học Hoa Sen chưa hề thực hiện thủ tục xin chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận. Dù vậy, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng vẫn tuyên bố đây là trường đại học không vì lợi nhuận, trong khi thực tế việc hạch toán thu chi lại thể hiện điều ngược lại.
Bà Phượng còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ và quyền hạn để đưa ra hàng loạt quyết định trái pháp luật như điều chuyển nhiều cán bộ, nhân viên, giảng viên của nhà trường. Trước hàng loạt những sai phạm của bà Phượng, các cổ đông đã nhiều lần đề nghị họp, nhằm cơ cấu lại tổ chức, tránh ảnh hưởng xấu đến chất lượng đào tạo.
Sau nhiều lần bị trì hoãn, ngày 2/8/2014, đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHĐCĐBT) đã diễn ra với 70% cổ đông có quyền biểu quyết tham dự, tại đây ĐHĐCĐ đã bãi miễn 6/7 thành viên HĐQT và BKS đương nhiệm, bầu thay thế và bổ sung 6/7 thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ II.
Tuy nhiên, đến nay không hiểu vì lý do gì, UBND TP.HCM vẫn chưa công nhận kết quả ĐHĐCĐBT của trường. Điều này khiến nội bộ trường và nhóm cổ đông ngày càng mâu thuẫn, ảnh hưởng xấu đến chất lượng đào tạo của ngôi trường có hơn 10 nghìn sinh viên.
ĐH Hoa Sen thua kiện cổ đông tại tòa phúc thẩm Ngày 28/4, TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp giữa các cổ đông của Đại học Hoa Sen (ĐHHS) gồm Công ty cổ phần Co-Ordinate và Công ty I-Connect (IC) và ĐHHS, với kết quả ĐHHS thua kiện. Cụ thể, Hội đồng xét xử tuyên buộc ĐHHS phải thanh toán số tiền tạm ứng cổ tức năm học 2013-2014 cho Công ty IC theo đúng số cổ phần mà công ty này đang sở hữu là 2.487.295 cổ phần (tương đương 26,50% vốn điều lệ), với số tiền là 1.940.090.100 đồng và tiền lãi là 111.070.158 đồng. Tổng số tiền ĐHHS phải thanh toán cho IC là 2.051.160.258 đồng. Ngoài ra, ĐHHS phải thanh toán số tiền tạm ứng cổ tức năm học 2013-2014 còn thiếu cho Công ty Co-Ordinate theo đúng số cổ phần mà công ty này đang sở hữu là 629.419 cổ phần (tương đương 7,38% vốn điều lệ), với số tiền là 58.049.940 đồng và tiền lãi là 3.323.359 đồng. Tổng số tiền phải thanh toán cho Co-Ordinate là 61.373.299 đồng. Tòa cũng yêu cầu Công ty IC phải thanh toán cho ĐHHS số tiền 2.244.936.212 đồng nhưng không phải trả lãi, vì đây là khoản tiền ĐHHS chuyển cho IC trong một dự án hợp tác năm 2013, chứ không phải khoản tiền công ty này nợ như trước đó ĐHHS phản tố. Do quá trình hợp tác không thành nên phía IC tự nguyện trả lại. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận