Pháp đình

Xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ:Hé lộ những mắt xích đầu tiên

14/11/2018, 09:08

Sang phần xét hỏi, những mắt xích đầu tiên của đường dây đánh bạc lớn nhất từ trước đến nay dần được hé lộ.

18

Bị cáo Lê Văn Huy, mắt xích đầu tiên để cơ quan điều tra phát hiện đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Chiều 13/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ với sự tiếp tay của cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Phan Văn Vĩnh bước sang phần xét hỏi.

Làm giả hóa đơn ngân hàng, chiếm đoạt thẻ cào

Người đầu tiên được HĐXX thẩm vấn là Lê Văn Huy (SN 1997, trú tỉnh Quảng Trị). Huy là mắt xích đầu tiên để cơ quan điều tra vào cuộc và sau đó khám phá ra đường dây đánh bạc nghìn tỉ liên quan 2 cựu tướng công an và bị truy tố về tội “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Trước bục khai báo, Huy khai, ngày 16/5/2017, bị cáo ra quán internet tại TX Quảng Trị để thuê máy tính với mục đích tìm cách chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook của người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại đây, Huy đã hack được tài khoản Facebook “Hằng Nhữ”. Sau khi đăng nhập thành công, Huy đổi mật khẩu Facebook “Hằng Nhữ” để chiếm quyền sử dụng. Huy giả danh bà Hằng nhắn tin hỏi thăm chị Võ Minh Phương (Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, cháu bà Hằng) rồi nhờ chị Phương mua hộ thẻ cào viễn thông, mệnh giá 500.000 đồng của nhà mạng Viettel và Mobifone. Chỉ trong ngày 16/5/2017, với nhiều lần “nhờ vả”, Huy đã chiếm đoạt được 110 thẻ cào mệnh giá 500.000 đồng với tổng số tiền 55 triệu đồng.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc đã làm gì để chị Phương tin và gửi thẻ cào cho, Huy cho biết, bản thân đã lên mạng tải 1 hóa đơn ngân hàng quốc tế rồi dùng phần mềm chỉnh sửa các thông tin trên hóa đơn đó và gửi cho chị Phương để chị Phương tin tưởng.

Sau khi chiếm đoạt được 110 thẻ cào, bị cáo cho Lê Võ Quang Lộc (bạn của Huy) 2 thẻ cào nói là của Huy mua để Lộc nạp toàn bộ số thẻ còn lại vào 5 tài khoản của Huy trong cổng game bài Tip.Club để đổi lấy 54 triệu Rik (tiền ảo trong game Rikvip/Tip.Club). Sau đó, đem số Rik này bán cho một chủ quán internet ở địa phương để lấy 40,5 triệu đồng tiền mặt. Sau đó, Huy lại dùng số tiền mặt này mua lại Rik của đại lý Lê Anh Dũng và nhiều đại lý khác để nạp vào tài khoản của Huy trong cổng game bài Tip.Club để đánh bài trực tuyến bằng hình thức “Tài - Xỉu” và bị thua hết số tiền này.

Tại phiên tòa ngày 13/11, HĐXX cho biết, bị hại duy nhất của vụ án là chị Võ Minh Phương có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa nhưng vẫn giữ nguyên lời khai trước cơ quan điều tra.

Theo lời khai của chị Phương, sáng 16/5/2017, khi đang ngồi uống cà phê thì nhận được tin nhắn qua ứng dụng Facebook từ tài khoản “Hằng Nhữ” (chủ tên là Nhữ Thị Hằng, là người bác của chị Phương) đang đi du lịch nước ngoài. Trong quá trình “chát”, chị Phương được nhờ mua lượng lớn thẻ cào 500 nghìn đồng của nhà mạng Viettel, Mobifone để kinh doanh. Lúc này, chị Phương đi mua 110 thẻ, tổng trị giá 55 triệu đồng. Để chắc chắn, chị Phương đã chụp lại các mã nạp tiền và gửi qua cho người đang sử dụng tài khoản “Hằng Nhữ” đang chát với mình. Vừa gửi xong, chị Phương được bạn bè cảnh báo là lừa đảo và lập tức gọi cho tài khoản thì không được, khi chị Phương gọi lại cho em trai của bà Hằng thì được thông báo tài khoản Facebook đã bị hack. 

Đại lý cấp 1 “giấu mặt” không biết đã tiếp tay cho đánh bạc

Trong phiên xét xử chiều 13/11, HĐXX đã gọi hỏi bị cáo “giấu mặt” Lê Anh Dũng - một trong 19 đại lý cấp 1 của game RikVip, người đóng vai trò giúp sức tích cực trong xây dựng, vận hành hệ thống game bài Rikvip/ Tip.club, 23Zdo, Zon/Pen do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu.

Sở dĩ gọi Lê Anh Dũng là bị cáo “giấu mặt” bởi khi HĐXX hỏi các bị cáo Hoàng Văn Duy (SN 1990, trú tại Bắc Giang) và Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1982, nhân viên Công ty CNC) bị truy tố về tội “Đánh bạc” thì cả 2 bị cáo này đều cho lời khai mua bán Rik với đại lý Lê Anh Dũng nhưng không biết Dũng là ai.

Tại phiên tòa, Lê Anh Dũng khai, bản thân đã có 10 năm “kinh nghiệm” kinh doanh quán internet, nhưng lại không biết các thủ tục để hoạt động quán internet và được phép cho chơi những loại game nào. Dũng chỉ biết ngày giờ quy định đóng, mở cửa quán, khách chơi gì thì chơi và thừa nhận mình nhận thức kém về quy phạm pháp luật. Về việc bán các thẻ game, Dũng cho biết chỉ nghĩ đơn giản, mua bán bình thường và không biết chính mình đã tiếp tay cho việc tổ chức cờ bạc.

Dũng khai, tháng 8/2015, Dũng chính thức tham gia làm đại lý cấp 1 cho game Rikvip và được hướng dẫn hoạt động qua tài khoản facebook “Long Lê” nhưng chưa bao giờ gặp và biết nhân vật này như thế nào. Dũng chỉ giao dịch với “Long Lê” trong việc cung cấp thông tin còn việc giao dịch hàng hóa sẽ thực hiện với nhà phát hành.

Khi làm đại lý, Dũng được hưởng nhiều lợi ích, trong đó sẽ nhận được điểm đổi một lượng Rik cho tài khoản đại lý của mình. Ngoài ra, dựa vào doanh số sẽ được đua tốp, tùy vào vị trí sẽ được thưởng điểm tương ứng hàng tháng. Từ khi làm đại lý cấp 1, Dũng đã được thưởng khoảng 3 tỷ đồng và giá trị Rik cũng gần 3 tỷ đồng.

Theo Dũng, để phục vụ việc mua bán Rik, Dũng đã mở 35 tài khoản ngân hàng để giao dịch. Tỷ lệ đổi Rik của đại lý với hệ thống với giá mua và và bán ra là 83 đồng/100 Rik. Trong trường hợp giao dịch 100 Rik với hệ thống thì không có lợi nhuận.

Theo cáo trạng của VKSND Phú Thọ, năm 2014, Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung phát triển kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trên mạng bằng hình thức game bài. Quá trình tìm pháp nhân để xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc, Nam biết CNC là công ty bình phong của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nên đề nghị Dương hợp tác, Nguyễn Văn Dương đã đồng ý. Quá trình vận hành game đánh bạc của 2 ông trùm được Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện. Ngoài ra, ông Vĩnh và ông Hóa còn tiếp tay, bảo kê cho hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép. Quá trình điều tra, 2 ông trùm khai đã cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng và hơn 1,7 triệu USD; khai cho ông Hóa 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, những người này đã phủ nhận việc nhận tiền.

Liên quan đến việc bị cáo Phan Văn Vĩnh từ chối việc công khai bản án trên mạng, chiều 13/11, trao đổi với báo chí, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Việc bị cáo nói là quyền của bị cáo, còn trách nhiệm của toà án là tuân thủ pháp luật, không có ngoại lệ”. Cũng về việc này, ĐBQH Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP HCM cho biết, việc công khai bản án phải tuân thủ theo hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2017 của TAND Tối cao. Theo Nghị quyết này, “bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; bản án phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.