Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cửa sông Vàm Thuật) đã được cắm ranh mốc trên thực địa. Đây là cơ sở để hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp thực hiện đo vẽ, kiểm kê nhà đất của các hộ dân thuộc dự án để triển khai đền bù.
"Ban sẽ xin UBND TP áp dụng cơ chế như Vành đai 3 để kịp tiến độ bồi thường, khởi công như kế hoạch vào tháng 8/2024" - Thông tin được ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cập nhật vào sáng 24/10.
Ông Dũng cho hay đối với dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, hiện tái định cư cho người dân là vấn đề được TP quan tâm nhất. Trong khi phần tái định cư của quận Gò Vấp tương đối thuận lợi, quỹ đất đảm bảo bố trí cho người dân, thì quận Bình Thạnh còn thiếu 807 căn hộ.
"Riêng số trường hợp bồi thường tái định cư trên địa bàn quận Bình Thạnh là rất lớn. Hiện quỹ nhà, đất nền tái định cư chỉ đủ bố trí 300 căn. 807 căn còn lại vẫn thiếu", theo ông Dũng.
Ông Dũng cho hay để giải quyết vấn đề này, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TP xây dự án nhà xã hội phục vụ tái định cư người dân tại khu đất rộng khoảng 12.100m2 (số 4 Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh). Dự kiến quỹ đất đáp ứng 850 căn hộ, tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng.
"Hiện, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư dân dụng đã chuẩn bị đủ hồ sơ và hoàn tất trình HĐND TP thông qua trong kỳ họp tới", ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng thông tin.
Tuy nhiên, việc trên vẫn không đáp ứng tiến độ bố trí tái định cư cho người dân trên địa bàn quận Bình Thạnh trong thời gian này. Do đó, quận Bình Thạnh đã báo cáo TP, UBND TP thông báo giao nhiệm vụ các đơn vị để chuẩn bị phương án tạm cư cho người dân.
"TP đang trình HĐND TP để có cơ chế làm cơ sở cho tất cả dự án không bố trí tái định cư kịp, phải sử dụng tạm cư. Nếu không được thông qua, Sở Tài chính sẽ có hướng dẫn đưa ra mức chi cụ thể đảm bảo tạm cư cho người dân", ông Dũng nói.
Về nơi tạm cư, TP cũng giao cho các đơn vị liên quan xem xét các quỹ nhà của TP tại quận Bình Thạnh để hỗ trợ người dân trong lúc chờ cơ sở tái định cư được hoàn thành.
Rạch Xuyên Tâm (bắt đầu từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) dài 8,2km là hệ thống gồm rạch Cầu Bông, Cầu Sơn, Long Vân Tự, rạch Lăng đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp và điểm cuối là sông Vàm Thuật.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 2.710 tỷ đồng, riêng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn với hơn 6.300 tỷ đồng. Còn lại là các chi phí dự phòng, quản lý, tư vấn...
Rạch Xuyên Tâm đi qua hai địa bàn, trong đó, quận Bình Thạnh có gần 1.800 trường hợp bị ảnh hưởng, diện tích cần thu hồi khoảng 139.000m2. Quận được phân bổ 42 nền tái định cư, còn lại là chung cư, tổng cộng 300 nền nhà và căn hộ.
Đối với quận Gò Vấp, địa phương có khoảng 84 trường hợp bị ảnh hưởng cùng 35 trường hợp cần tái định cư.
Hai thập kỷ qua, con rạch trở thành một trong những nơi ô nhiễm nhất thành phố do rác thải. Sau 20 năm quy hoạch treo, TP.HCM sẽ khởi công dự án trong năm 2024. Năm 2025, rạch Xuyên Tâm hoàn thành một phần và đến năm 2028 hoàn thành toàn bộ dự án.
Về quy mô, rạch Xuyên Tâm sẽ được nạo vét, xây dựng bờ kè hai bên và hệ thống thu gom thoát nước thải; Làm đường giao thông hai bên rạch với quy mô 2 làn xe mỗi bên; Xây dựng công viên, mảng xanh, hạ tầng kỹ thuật ven rạch với tổng diện tích khoảng 11ha.
Rạch Xuyên Tâm khi hoàn thành cải tạo sẽ giải quyết đa mục tiêu như giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập một số khu vực trung tâm quận Gò Vấp, Bình Thạnh. Ngoài ra, dự án cũng góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; Kết nối cục bộ nhiều đường giao thông, hình thành các công viên, mảng xanh, chỉnh trang đô thị.
Theo quy trình, công tác giải phóng mặt bằng thông thường sẽ mất nhiều thủ tục. Song, để kịp tiến độ khởi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM muốn đề xuất TP áp dụng cơ chế như dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Việc giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện song song với xác định ranh, đồng thời với việc lập thiết kế cơ sở và dự án khả thi. Theo đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên cơ sở ranh được phê duyệt. Các địa phương sẽ xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất để lập phê duyệt các dự án thành phần tái định cư và tiến hành song song với dự án khả thi, như vậy, thời gian sẽ rút ngắn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận