Những đứa trẻ chân trần nằm co ro trên nền gạch ở Sa Pa dưới tiết trời 9 độ C khiến nhiều người chạnh lòng. Ảnh Siêu nhân Mai |
Tối 28/12, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh các em nhỏ nằm co ro trên nền đất ở thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) dưới tiết trời chỉ 9 độ C bên cạnh sạp hàng lưu niệm khiến cộng đồng mạng không khỏi thương xót.
Theo hình ảnh và clip chia sẻ, một người dân tiến lại gần 2 đứa trẻ đang co ro ngủ trên đất dưới tán một chiếc ô đưa cho các em 2 hộp cơm để ăn cho ấm bụng. Tuy nhiên dù lay, gọi thế nào, bé trai cũng không dậy, còn bé gái cầm hộp cơm lí nhí nói không ra hơi.
Trời lạnh, chân không đi tất, dù đã 21h đêm nhưng bố mẹ vẫn chưa đến đón các em về. Theo tìm hiểu, hầu hết các em nhỏ bán hàng rong ở Sa Pa đều có gia đình, sống ở các bản cách thị trấn Sa Pa chừng vài km. Mỗi ngày đều đặn, các em được bố mẹ đưa xuống thị trấn để bán hàng, bất chấp thời tiết nắng hay mưa, nóng hay lạnh.
Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ cảm xúc của mình qua những bình luận như: "Lạnh thế mà chân không có tất đi. Anh cho cháu tiền. Nó cũng có biết mua tất đeo đâu anh", "Tầm 11 -12h đêm có bố mẹ đến đón và sáng sớm thả ở bờ hồ bắt đi xin tiền đó, mình gặp vài trường hợp rồi. Cho tiền các bé không được cầm đâu, nên chỉ cho đồ ăn được thôi", "Nhìn tội lắm mà tại bố mẹ nó bắt nó đi như thế không ai can thiệp được" hay "Cần phải có một giải pháp triệt để. Mọi hành động nửa vời sẽ làm cho các em vào một tình thế khó khăn hơn",...
Dù đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, chủ yếu do ý thức của người dân. Ảnh Siêu nhân Mai |
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, thực trạng này đã xuất hiện tại khu du lịch "thị trấn biển mây" Sa Pa từ nhiều năm nay, dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp như lập tổ công tác phát hiện, nhắc nhở hay giáo dục các em từ trên ghế nhà trường, tuyên truyền đến phụ huynh học sinh nhưng đều chưa khả thi.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ Phòng quản lý văn hóa huyện Sa Pa cho biết, tình trạng này khá phổ biến tại Sa Pa từ nhiều năm nay, lực lượng chức năng tuy đã sử dụng nhiều biện pháp từ tuyên truyền đến xử lý nhưng một số phụ huynh vẫn đưa con em mình ra thị trấn để bán quà lưu niệm kiếm tiền. Vì đa số người dân (phụ huynh và trẻ em) đều là người dân tộc thiểu số nên việc tuyên truyền giúp họ nhận thức được và tuân thủ quy định gặp nhiều khó khăn.
Những hình ảnh nhói lòng và phản cảm tại khu du lịch Sa Pa. Ảnh Siêu nhân Mai |
Hiện, UBND huyện Sa Pa đã ra kế hoạch mới tăng cường các tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT, thường xuyên tuần tra, phát hiện tình trạng trẻ em chèo kéo du khách hay buôn bán quà lưu niệm tràn lan dưới phố sẽ đưa các em về, thông báo cho người nhà đến để tuyên truyền, nhắc nhở, nếu cần sẽ xử lý nghiêm.
Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi đến du khách và người dân không cho tiền các em bán hàng rong để hạn chế việc này trở thành "hi vọng" hay "thói quen" cho các em khiến nạn bán hàng rong, chèo kéo du khách liên tục tái diễn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận