Bất động sản

Xót xa dự án bất động sản “chôn” tiền chưa được gỡ vướng

21/03/2023, 07:31

Nhiều dự án bất động sản quy mô hàng nghìn tỷ dù đã giải phóng 90% mặt bằng nhưng đang phải dừng vì nhiều lý do, gây lãng phí lớn.

Theo các chuyên gia, nếu được tháo gỡ, thị trường bất động sản sẽ được khơi thông.

Chậm triển khai vì rà soát kéo dài

img

CEO Homes Hana Garden City Mê Linh được Vĩnh Phúc tạm giao đất, đã triển khai một phần nhưng hiện đang dừng do vướng mắc pháp lý Ảnh: Đức Hùng

Khu dân cư Bình Khánh (Water Bay) tại phường Bình Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM với diện tích 30,2ha, có vị trí đắc địa, một mặt giáp đường Mai Chí Thọ, một mặt giáp bờ sông, chỉ 10 phút là vào đến quận 1 qua hầm sông Sài Gòn.

Được khởi công từ năm 2019, chủ đầu tư là Tập đoàn Novaland cho biết sẽ xây dựng 5.000 căn hộ cao cấp, 3.000 căn officetel, 250 căn shophouse và hoàn thành từng phần, bàn giao cho khách hàng năm 2021.

Dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu, đến giai đoạn 2 phải ngưng thi công.

Có mặt tại dự án, PV ghi nhận, bên ngoài hàng rào tôn vây kín. Nhưng từ trên cao có thể thấy các trụ, móng đã được xây dựng, phần sắt thép chờ thi công vẫn trơ giữa trời.

Theo chủ đầu tư, đơn vị này đã bỏ vào 6.000 tỷ đồng để triển khai dự án, nhưng trong quá trình rà soát pháp lý chung tại Khu đô thị Thủ Thiêm, Water Bay cũng như nhiều dự án bất động sản khác bị rà soát kéo dài, dẫn đến việc chậm triển khai.

Không chỉ ở dự án này, hiện Novaland đang còn 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý.

Tương tự, Tập đoàn Địa ốc Hưng Thịnh cũng đang “dính” dự án Hưng Điền ở quận 8 nhiều năm qua không biết tháo gỡ bằng cách nào, dù đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây hạ tầng.

Đến nay, TP.HCM vẫn chưa có điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2.000 khiến dự án “nằm im”.

Muốn đóng tiền sử dụng đất, 5 năm không được

Trong khi đó, ở phường 16, quận 8 có ít nhất 3 dự án chung cư đã triển khai từ năm 2018 nhưng “đứng hình” suốt 5 năm qua.

Điển hình, ngay mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, dự án High Intela đã hoàn thành phần hầm móng, các trụ cũng đã đúc chờ sẵn để xây phần thân. Sau nhiều năm “đắp chiếu”, giờ xung quanh cỏ mọc um tùm, khu nhà mẫu được đầu tư cả chục tỷ đồng cũng đã xuống cấp.

Theo chủ đầu tư là Tập đoàn LDG, dự án đã được cấp giấy phép thi công phần hầm nhưng không được cấp tiếp giấy phép để thi công phần thân.

Lý do là thành phố vẫn chưa thẩm định xong giá đất để doanh nghiệp đóng tiền vào ngân sách, dù 5 năm trôi qua. “Chúng tôi rất muốn đóng tiền sử dụng đất, để dự án được tiếp tục triển khai những vẫn không được”, đại điện LDG nói.

Tình cảnh cũng tương tự xảy ra với dự án khu nhà ở phường Tân Kiên (Bình Chánh), do chưa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ 1/2.000...

Tại Hà Nội, dự án CEO Homes Hana Garden City do Công ty CP Tập đoàn C.E.O (CEO) làm chủ đầu tư, nằm giữa trung tâm huyện Mê Linh, có diện tích 20,3ha.

Dự án gồm 40 căn biệt thự, 528 căn liền kề và khu nhà ở xã hội cùng hàng chục tiện ích, dự án có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng. Thế nhưng, sau hơn 15 năm (từ năm 2008), dự án vẫn là công trường quây tôn ngổn ngang.

Tương tự, trên địa bàn huyện Hoài Đức, Khu đô thị mới Vân Canh, diện tích 68,5ha khởi công xây dựng từ năm 2008, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được một phần, còn lại bỏ hoang…

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Phát triển Nhà và đô thị (HUD), chủ đầu tư dự án cho biết, dự án dừng do vướng điều chỉnh quy hoạch trục đường Hồ Tây - Ba Vì.

Phân nhóm vướng mắc, phân giao trách nhiệm

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết, trên địa bàn có 64 dự án chưa, chậm triển khai.

Để gỡ vướng, huyện đã gom 64 dự án thành 8 nhóm khác nhau. Trong đó, đề nghị Hà Nội ưu tiên gỡ vướng, thực hiện giao đất từng phần cho 13 dự án thuộc nhóm “Dự án đang triển khai thực hiện công tác GPMB (hoặc đã GPMB xong một phần nhưng đến nay đang ngừng thực hiện)”, trong đó có CEO Homes Hana Garden City.

Theo huyện Mê Linh, nhóm 13 dự án này đã giải phóng từ 70 - 90% mặt bằng, đang dừng chờ điều chỉnh quy hoạch. Phần diện tích chưa GPMB do điều chỉnh quy hoạch tăng lên không làm ảnh hưởng đến dự án. Theo tính toán của huyện, 13 dự án trên được tháo gỡ ước tính thu về cho ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng.

Ông Phùng Bá Nhân, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết, địa bàn cũng có khoảng 30 dự án cùng chung vướng mắc.

Theo ông Nhân, giải phóng xong mặt bằng phần nào nên giao đất cho chủ đầu tư phần đó, giúp địa phương thuận lợi quản lý đất đai. Đồng thời, kiến nghị TP Hà Nội sớm xác định các trường hợp được tỉnh Hà Tây giao chủ đầu tư lập quy hoạch nhưng chưa giao đất, tới đây có được tiếp tục giao chủ đầu tư này nữa không?

“Trường hợp không được tiếp tục giao, cần thông tin cho doanh nghiệp. Đồng thời, giao dự án cho Sở KH&ĐT tổ chức đấu thầu hoặc giao huyện Hoài Đức đầu tư hạ tầng để đấu giá’, ông Nhân đề xuất.

Trong khi Hà Nội đã định hình được các nhóm dự án, thì TP.HCM vẫn “im hơi lặng tiếng”. Novaland cho biết, đã có nhiều đơn cầu cứu gửi đi các nơi.

Năm 2020, Bộ Xây dựng cho rằng nội dung đơn của Novaland thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, song suốt 3 năm qua, TP vẫn chưa có những chỉ đạo nào cụ thể để giải quyết.

Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, có khoảng 64 dự án bất động sản trên địa bàn bị vướng mắc pháp lý (dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công do sắp xếp lại, xử lý tài sản công, hoặc do di dời nhà xưởng bị ô nhiễm, do cổ phần hóa chưa hoàn thành các thủ tục...).

Tuy nhiên, nhóm vướng mắc này chưa được đề cập trong “nhóm vướng mắc” mà Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất lên UBND TP mới đây.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), 70% vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay liên quan đến vấn đề pháp lý của các dự án.

Ông Châu cho rằng, cần phân nhóm vướng mắc và giao từng sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp xem xét giải quyết mới có thể đẩy nhanh tiến độ.

“Chẳng hạn Sở Xây dựng chủ trì xem xét các dự án có vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội, xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai; cấp giấy phép xây dựng. Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì xem xét nhóm vướng mắc điều chỉnh quy hoạch. Sở TN&MT chủ trì xem xét vướng mắc trong đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường GPMB”, ông Châu góp ý.

Tại Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa diễn ra mới đây, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2023, Hà Nội quyết tâm rà soát, đánh giá 750 dự án để thu hồi. Dự kiến dừng 4 dự án, thu hồi trên 2.600ha và chấm dứt hoạt động 60 dự án chưa xác định đất.

Hiện nay, dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội được chia làm 2 loại: Loại thứ nhất, là dự án đã có quyết định chủ trương nhưng đã quá tiến độ thực hiện nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất; Loại thứ hai, là các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai.

Loại thứ hai lại chia làm 8 nhóm như: Chưa GPMB; GPMB xong nhưng chưa xây dựng; GPMB xong, đang xây dựng; đang thực hiện GPMB; nhóm dự án nợ nghĩa vụ tài chính; nhóm dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan phải điều chỉnh quy hoạch; các dự án xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng, không có giấy phép xây dựng; nhóm dự án khác (sử dụng sai mục đích, cho thuê, cho mượn đất, chậm hoàn thành các thủ tục đất đai, chuyển nhượng...).

Trong các nhóm trên, nhóm dự án đang GPMB (hoặc đã GPMB xong một phần dự án nhưng đến nay đang ngừng thực hiện) được cho rằng dễ tháo gỡ nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.