Bãi rác khổng lồ sâu 7m
Theo thông tin của Báo Giao thông, đến thời điểm hiện tại, sau 8 tháng thi công, tiến độ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chỉ đạt hơn 7% so với giá trị hợp đồng. Thiếu cát, vướng mặt bằng là những nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thi công chậm...
Đáng chú ý, đoạn đi qua TP Cần Thơ đang phải đối mặt với khó khăn lớn liên quan đến việc xử lý khối lượng rác lên tới hàng ngàn tấn từ bãi rác Đông Thạnh cũ (phường Ba Láng, quận Cái Răng).
Bãi rác Đông Thạnh cũ chắn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Đây vốn là bãi rác lâu đời ở Cần Thơ có lịch sử hơn 50 năm và đã dừng hoạt động hơn 20 năm qua. Dù vậy, khối lượng rác ở đây vẫn còn rất lớn và chưa được xử lý hết.
Ông Nguyễn Thạch Em, Giám đốc Công ty CP Đô thị Cần Thơ - đơn vị quản lý bãi rác cho biết, diện tích bãi rác khoảng 5ha, từng là nơi chứa rác cho cả TP Cần Thơ trong quá khứ.
Những năm 2000, nhận thấy núi rác trước nguy cơ vỡ trận, Cần Thơ đã có quy hoạch bãi rác 20ha ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cách Cần Thơ khoảng 18km để giảm gánh nặng cho bãi rác Đông Thạnh.
"Núi rác Đông Thạnh sau đó đã được cắt ngọn, vận chuyển đến bãi rác Tân Long để giảm bớt ô nhiễm môi trường. Nhưng đến nay bãi rác Đông Thạnh vẫn còn rất nhiều rác bên dưới với độ sâu khoảng 7m", ông Thạch Em cho hay.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đoạn tuyến nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau từ nút giao IC2 đến quốc lộ 1 (dài 7km) sẽ nằm ngay trên một phần bãi rác này. Để cao tốc có thể băng ngang, một phần của bãi rác phải được di dời, xử lý, nhà thầu mới có thể thi công.
Chưa có phương án xử lý
Việc xử lý một khối lượng rác lớn được chôn lấp hàng chục năm qua là không hề đơn giản. Theo ông Thạch Em, khối lượng rác còn ở bãi rác này ước tính khoảng 30.000 tấn. Sau khi đã cùng một số đơn vị khảo sát, số rác hiện tại ở đây là rác sinh hoạt và đất mùn, chỉ có thể di dời, đem chôn, hoặc đốt.
"Hiện Cần Thơ không còn chỗ nào để chứa được số rác này. Chúng tôi có liên hệ nhà máy đốt rác ở huyện Thới Lai nhưng đơn vị này cho biết muốn đốt phải phân loại rác. Nhà máy chỉ đốt phần rác đốt được, còn đất mùn thì phải chuyển đi nơi khác, phần đất này có thể xem xét để san lấp một số công trình.
Một phương án nữa là chuyển số rác này xuống bãi rác Tân Long và xử lý rác ngay tại đây. Nhưng việc này phải được sự thống nhất của Cần Thơ và Hậu Giang vì bãi rác Tân Long cũng vì ô nhiễm mà phải đóng cửa 10 năm qua", ông Thạch Em cho biết.
Phần đất của bãi rác này hiện đã được Công ty CP Đô thị Cần Thơ bàn giao lại cho Trung tâm Quỹ đất thành phố quản lý. Bãi rác nằm sát quốc lộ 1, sau hàng chục năm "ngủ yên" hiện đã được phủ một màu xanh bởi cây cối.
Theo thời gian, rác đã phần nào phân hủy và không còn bốc mùi hôi thối. Người dân đã tận dụng để trồng một số loại cây ngắn ngày như: đu đủ, ớt, rau dền...
Một cán bộ phụ trách dự án tại Cần Thơ cho biết, quá trình xử lý phần đất dự án đi qua sẽ "khui" bãi rác lên và sẽ có những vấn đề môi trường phát sinh. Do đó, các bên liên quan đang liên hệ với UBND TP Cần Thơ để thống nhất phương án xử lý vấn đề này.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư dự án cho biết, bãi rác này sẽ được nhà thầu thi công xử lý một phần trong phạm vi dự án.
"Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được báo cáo của nhà thầu thi công gặp khó khăn gì về bãi rác này", ông Tuân nói.
Đoạn qua Cần Thơ dài 0,6km, tổng chiều dài tuyến nối hơn 9,2km. Trong đó đoạn từ quốc lộ Nam Sông Hậu đến nút giao IC2 dài hơn 2,2km, đoạn từ nút giao IC2 đến quốc lộ 1 dài 7km.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận