Việc nâng mức xử phạt với hành vi chở quá khổ, quá tải là cần thiết để bảo vệ hạ tầng giao thông và tính mạng cho người dân - Ảnh: Văn Tư |
Việc áp dụng biện pháp hình sự hóa đối với các hành vi vi phạm về ATGT, đặc biệt là hành vi cố tình chở quá tải được nhiều đại biểu Quốc hội và đại diện các cơ quan chức năng cho rằng rất cần thiết. Vì suốt thời gian qua, chúng ta đã có một quá trình để tuyên truyền, giáo dục, giờ cần thiết phải có biện pháp siết chặt hơn nữa.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội:
Tăng nặng xử phạt vi phạm góp phần giảm bớt TNGT
Về mặt chủ trương, tôi hoàn toàn đồng ý với việc tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm ATGT. đây là việc làm cần thiết góp phần giảm bớt TNGT. Tuy nhiên, áp dụng những hình thức tăng nặng như thế nào, chúng ta cần có sự tính toán kỹ lưỡng.
Riêng với đề xuất xử lý hình sự hóa đối với hành vi chở quá tải trên 150% (nếu tái phạm), tôi cho rằng cần xem xét thấu đáo. Vì theo tôi, quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân. Chúng ta phải cho người dân thấy được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông để họ tự điều chỉnh, tránh những hành vi vi phạm.
Hình sự hóa đối với hành vi chở quá tải trên 150% (nếu tái phạm) có thể sẽ thể hiện tính răn đe cao hơn. Vì xét cho cùng, chở quá tải ngoài đe dọa nguy cơ về ATGT còn phá hoại đường xá, tức là phá hoại tài sản của Nhà nước, nên cần thiết phải hình sự hóa hành vi đó. Nhưng đây lại là loại tội phạm chưa có tiền lệ nên rất khó đưa ra xem xét cụ thể, vì thế, tôi hơi băn khoăn về tính khả thi của nó.
Với hành vi vi phạm về ATGT, điển hình như trường hợp tái phạm khi chở quá tải trên 150%, theo tôi nếu hình sự hóa không khả thi thì nên tăng chế tài, tăng mức tiền phạt kèm các hình thức phạt bổ sung. Ví dụ, nếu chở quá tải ngoài bị phạt tiền, dứt khoát phải phạt bổ sung bằng các hình thức bắt tháo dỡ, chở đúng tải, yêu cầu cắt thùng xe cho đảm bảo khối lượng. Lâu nay, Bộ GTVT quyết tâm làm việc này và vẫn đang làm rất tốt nên cần tiếp tục duy trì.
Ngoài ra, phải yêu cầu các địa phương, các cơ quan không được bảo kê cho xe quá tải, phát hiện ai bảo kê xe quá tải, phải xử lý nghiêm. Bên cạnh các biện pháp xử phạt, việc quan trọng nhất là tăng cường tuyên truyền, giáo dục; nêu rõ những ảnh hưởng bất lợi của xe quá tải đối với cơ sở hạ tầng, nếu cứ “làm ít, phá nhiều” thì cơ sở hạ tầng làm sao khá lên được.
Trước mắt, đó là những biện pháp hữu hiệu chứ không nên dùng hình thức lao động công ích. Vì chúng ta vừa bỏ pháp lệnh về nghĩa vụ lao động công ích.
Đại biểu Bùi Thị An, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội:
Thời điểm thích hợp để áp dụng
Tôi thấy đây là thời điểm thích hợp để áp dụng các biện pháp hình sự hóa đối với các hành vi vi phạm về ATGT, đặc biệt là hành vi cố tình chở quá tải. Vì suốt thời gian qua, chúng ta đã có cả một quá trình tuyên truyền, giáo dục, giờ cần thiết phải có biện pháp siết chặt hơn nữa.
Xe chở quá tải không chỉ gây nguy hiểm về ATGT mà còn phá hoại công trình, đường xá, gây hại cho tài sản quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế. Hơn nữa, đường xấu lại là tác nhân gây TNGT, kéo theo nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì thế, xử lý hình sự đối với hành vi chở quá tải là hoàn toàn tương xứng với mức độ vi phạm.
Đặc biệt, với hành vi chở quá tải không nên chỉ xử lý lái xe mà phải phạt rất nặng chủ doanh nghiệp vì đó mới là người chủ ý cơi nới xe nhằm chở quá tải. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ áp dụng hình thức phạt tiền hay phạt tù cho phù hợp. Thời điểm trước khi đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm ATGT được đưa ra, tôi đã từng phản đối vì cho rằng nên có thời gian tuyên truyền trước. Từ đó đến nay, thời gian tuyên truyền, giáo dục đã đủ, nên việc nâng chế tài xử phạt là cần thiết, có thế mới đủ sức răn đe và đưa giao thông nước ta đi vào kỷ cương, giữ được mạng sống cho người dân.
Một hình thức phạt bổ sung được một số nước trên thế giới áp dụng là phạt lao động công ích. Theo tôi, nếu áp dụng hình phạt này ở nước ta, trước hết nên thực hiện thí điểm, bởi mỗi nước có đặc thù riêng. mình có thể tham khảo của nước ngoài nhưng nên từ từ đưa vào áp dụng trong nước sao cho hợp lý. Nếu không thí điểm, e rằng luật không đi vào cuộc sống sẽ gây lãng phí và nhờn luật. Khi nhờn luật, sẽ đánh mất niềm tin của người dân.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam:
Nhiều xe quá tải vẫn tái phạm dù bị phạt nặng
Hiện nay, tình trạng xe chở hàng quá tải diễn ra phổ biến và hết sức nghiêm trọng. Nhiều xe chở quá đến 200% tải trọng cho phép và bị xử phạt nặng nhưng vẫn tái phạm. Vì thế, việc xử lý hình sự đối với các trường hợp chở quá tải đến 150% là cần thiết để tạo sự răn đe. Việc xác định ở mức như vậy là căn cứ vào mức độ phương tiện đã ở mức gây ra sự phá hoại kết cấu cầu đường. Nếu bình thường, một tuyến đường có thể được xây dựng với tuổi thọ 10 năm, nhưng nếu cứ chở quá tải như vậy tuổi thọ sẽ chỉ còn từ 4-6 năm. Về kỹ thuật, việc chở quá tải trọng phương tiện làm cho toàn bộ hệ thống phanh của phương tiện trở nên quá tải, bị vô hiệu hóa. Phương tiện này sẽ trở nên rất nguy hiểm đối với tính mạng của những người tham gia giao thông. Vì thế, việc xử lý mạnh hành vi này không chỉ để bảo vệ kết cấu cầu đường mà còn góp phần đảm bảo ATGT.
Hơn nữa, trong thời gian tới, với việc bổ sung nhiều quy định trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi), quy định hình sự hóa hành vi này càng có thêm nhiều cơ sở. Thực tế, việc hình sự hóa hành vi chở quá tải đã được rất nhiều nước áp dụng.
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởngVụ Pháp chế, Bộ GTVT:
Phù hợp với nghị định và Bộ luật Hình sự
Quy định hình sự hóa với hành vi xe ô tô chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm là để bảo đảm sự thống nhất và tiếp nối giữa Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Hiện nay, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có một số nội dung được bổ sung, sửa đổi theo hướng, đối với một số hành vi nguy hiểm tuy không xác định được mức thiệt hại cụ thể nhưng đã bị xử lý hành chính, có thể chuyển xử lý hình sự. Cụ thể như tại Điều 142: “Tội sử dụng trái phép tài sản”; Điều 161: “Tội trốn thuế”; Điều 164b: “Tội làm tem giả”; Điều 177: “Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện”... Do đó, việc hình sự hóa hành vi điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chở hàng quá tải trọng trên 150%, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm có thể áp dụng cấu thành tội phạm hình sự theo cách tương tự.
Vấn đề nhiều người quan tâm là sẽ xử lý hình sự đối với đối tượng liên quan nào? Lái xe, chủ hàng hay chủ phương tiện. Theo tôi, trong trường hợp này khi đã xác định vi phạm và cần xử lý, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc để xác định hành vi đó do đối tượng nào gây ra. Do vậy cũng có thể là lái xe, chủ xe hoặc chủ hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận