Ảnh minh họa |
Văn bản “đè” DN
Tại hội thảo Điều kiện kinh doanh – kinh nghiệm quốc tế và thách thức đối với Việt Nam sáng nay (6/4), TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) lấy ví dụ như điều kiện về kinh doanh gạo. Để DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thì phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, có ít nhất 1 cơ sở xay sát thóc gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/h.
Bên cạnh đó, kho chứa, cơ sở xay xát của DN tư nhân phải nằm trên địa bàn tỉnh thành trực thuộc TƯ có thóc gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc gạo tại thời điểm xin cấp giấy chứng nhận.
Đến điều kiện về dự trữ, lưu thông, DN phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.
Khi DN muốn mua thóc gạo xuất khẩu thì phải thông báo với UBND tỉnh, thành về các địa điểm thu mua, niêm yết giá, chủng loại hàng hóa để người dân trực tiếp giao dịch.
Khi muốn xuất khẩu, DN phải có sẵn lượng gạo ít nhất bằng 50% lượng gạo trong hợp đồng xuất khẩu đăng ký (trong đó không bao gồm lượng gạo thường xuyên phải có để duy trì mức dự trữ lưu thông.
“Tôi cho rằng những điều kiện này không còn phù hợp với yêu cầu điều kiện về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng (4 lĩnh vực có chứa bao hàm danh mục kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ 1/7 - PV)”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Không chỉ hoạt động xuất khẩu gạo mới chỉ chịu nhiều điều kiện như thế mà theo Viện trưởng CIEM, doanh nghiệp kinh doanh trong ngành in ấn cũng phải đáp ứng rất nhiều điều kiện. Bên cạnh đó, một số điều kiện trong ngành này trước đây đã được bãi bỏ nhưng nay lại được khôi phục lại.
Vì sao DN thờ ơ?
“Trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì điều kiện được quy định bởi thông tư (tức là bộ ban hành và số lượng các điều kiện này cũng tới hàng ngàn). Trong các điều kiện kinh doanh ở Thông tư, có thông tư do luật giao thẩm quyền ban hành cho Bộ (số này ít), số còn lại không được luật chỉ định ban hành. Như vậy tất cả các điều kiện kinh doanh hiện nay đang được quy định bởi các thông tư đương nhiên hết hiệu lực. Nhưng thực tế trái luật nói trên đã tồn tại hàng chục năm nay”, viện trưởng CIEM nói.
Hiện nay chỉ tập hợp riêng các quy định về điều kiện kinh doanh đã dày tới gần 900 trang. Đây là chưa kể những quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục và cơ quan có thẩm quyền xác nhận để đáp ứng điện kiện kinh doanh.
GS. Michael Woods, chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế: Khả năng DN nắm bắt cơ hội đầu tư và tham gia kinh doanh trên thị trường là động lực tăng trưởng mới mà nền kinh tế năng động như Việt Nam cần. Tôi có thể chia sẻ rằng, điều quan trọng là cần xem xét hạn chế điều kiện kinh doanh, nếu không nguồn lực sẽ được phân bổ không phù hợp và không tối ưu. Hiện nay các nước như Hà Lan... đều phải đối mặt với điều này khiến họ phải xây dựng chương trình cải cách. Việt nam trong bối cảnh đang hướng tới Cộng đồng chung Asean và ký kết TPP thì vấn đề cải cách lại cực kỳ uan trọng và sẽ mang lại lợi ích lớn. Nhưng nếu chỉ quan tâm tới nâng hạng và chỉ số để tăng tính cạnh tranh mà bỏ quan những yếu tố khác mang tính chiến lược quan trọng thì cũng là cảnh báo. |
Không dừng lại đó, mỗi năm lại có thêm hàng ngàn công văn điều hành mang tính rủi ro về pháp lý, chi phí tuân thủ cao, thiếu cụ thể, thiếu nhất quán hay thay đổi và không tiên liệu được và không công bằng trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và DN.
Ông Nguyễn Đình Cung đưa ra số liệu, năm 2014 là năm mà số văn bản điều hành loại này là cao nhất kể từ 2010 với 3.930 văn bản (trong khi Thông tư là 496, quyết định là 75, nghị định là 125 và luật là 29).
Tất cả những điều này dẫn tới chi phí gia nhập thị trường của DN bị đẩy lên cao và thời gian bị kéo dài. Trong đó, chịu thiệt nhất là doanh nghiệp tư nhân nhỏ, nhất là tại vùng nông thôn.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cộng đồng doanh nghiệp, hiệu hội vẫn tỏ ra thờ ơ với những quy định trái luật này? Cục đăng ký kinh doanh đã tập hợp và công bố danh mục điều kiện kinh doanh trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia từ 20/1 năm nay, đồng thời phát thông cáo báo chí đề nghị góp ý bình luận từ các hiệp hội và câu lạc bộ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay khi đã hết thời gian nhận góp ý thì mới chỉ 3 bộ có ý kiến là bộ Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin truyền thông nhưng lại đề nghị giữ nguyên tình trạng như hiện nay. Còn với doanh nghiệp, chỉ có 18 trong tổng số hơn 400 ngàn DN có ý kiến và chưa có hiệp hội nào lên tiếng.
Một đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói, đối với DN và Hiệp hội, họ không dám, không thể, và không muốn cải cách vì Hiệp hội thì năng lực hạn chế, DN thì không dám vì “ăn cây nào rào cây đấy” và không muốn vì đang làm ăn suôn sẻ, nếu môi trường thay đổi thì việc kinh doanh sản xuất sẽ phải thay đổi theo nên bản thân DN không muốn.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với Hiến pháp và Luật Đầu tư đương nhiên không còn hiệu lực thi hành và bị bãi bỏ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, ngoài 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu muốn bổ sung thêm vào danh sách này phải được Quốc hội tán thành. Đại diện bộ này cũng cho rằng, thẩm quyền quyết định các điều kiện là do Quốc hội, nội hàm sẽ giao cho Chính phủ và các Bộ, ngành hay UBND các tỉnh sẽ không được phép ban hành quy định về điều kiện kinh doanh nhằm giảm thiểu các loại cấp phép, quy định điều kiện sau khi luật được áp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận