Ảnh minh họa
Hỏi:
Con gái tôi thường chảy nước mắt, cảm giác cộm và hay tiết dử mắt… Mới đây, đi khám được xác định nguyên nhân quặm mi bẩm sinh và được chỉ định phẫu thuật để điều trị triệt để. Vậy, nếu không phẫu thuật có hệ lụy gì không, thưa bác sĩ?
Mai Hạnh (Hà Nội)
Trả lời:
Thống kê cho thấy, quặm mi bẩm sinh chiếm tỷ lệ khá lớn trong cộng đồng, đặc biệt ở Việt Nam và một số nước châu Á. Bên cạnh đó, quặm mi còn có nhiều thể khác như quặm mi người già, quặm mi sau chấn thương...
Phần lớn quặm mi tuổi già là do tổ chức mi dưới và các dây chằng trở nên lỏng lẻo, bị cơ vòng cung mi tác động cuộn bờ mi vào trong. Hàng lông mi cọ vào bề mặt của nhãn cầu, gây chảy nước mắt, tiết dử mắt. Mi có thể cọ vào giác mạc, gây viêm giác mạc kéo dài.
Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị quặm gồm: Chảy nước mắt, đóng vảy cứng ở mi mắt và tiết dịch nhầy, cảm giác cộm hay “có cát trong mắt”; đau nhức mắt khi nhìn thấy ánh sáng chói, giảm thị lực. Người nào thấy xuất hiện những triệu chứng trên cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được khám, tư vấn và có hướng xử trí kịp thời.
Hiện nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp duy nhất điều trị triệt để các loại quặm mi. Phương pháp này giúp kéo bờ mi, hàng lông mi trở lại vị trí giải phẫu thông thường và giảm dần các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Đặc biệt, ở một số bệnh nhân bị quặm nặng mà không được phẫu thuật kịp thời có thể bị viêm loét giác mạc, gây thủng giác mạc và dẫn tới hậu quả nặng nề là phải múc bỏ nhãn cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận