Công an Tiền Giang vừa khởi tố 11 bị can với tội danh đua xe trái phép vào ngày 11/4
Hơn 1.000 thanh, thiếu niên vi phạm
Theo thống kê, trong 6 tháng (từ 9/2020 đến 3/2021), lực lượng CSGT 13 tỉnh khu vực ĐBSCL đã phát hiện, giải tán, xử lý 277 nhóm thanh niên tụ tập rú ga, nẹt pô, chạy xe mô tô với tốc độ cao, nằm trên yên xe điều khiển…
Lực lượng CSGT các tỉnh đã xử lý 1.048 đối tượng, tịch thu 25 phương tiện, tạm giữ 494 xe gắn máy. Đặc biệt, lực lượng chức năng đang củng cố hồ sơ khởi tố 2 vụ về tổ chức đua, kéo xe trái phép và gây rối trật tự công cộng.
Tại Hội nghị sơ kết công tác phối hợp phòng, chống đua xe trái phép của CSGT 13 tỉnh ĐBSCL vừa được tổ chức, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, tình trạng nhiều thanh, thiếu niên tụ tập chặn QL1 đua, kéo xe trái phép không còn theo quy luật.
Trước đây, các đối tượng tổ chức đua ban đêm, còn hiện nay tổ chức bất cứ lúc nào, số lượng người tham gia rất lớn. “Đơn cử, qua nắm bắt thông tin, ngày 10/4, Công an tỉnh Tiền Giang bố trí trên 100 cán bộ, chiến sĩ bắt 90 đối tượng và trên 100 xe máy”, Thượng tá Dũng dẫn chứng.
Trong khi đó, thượng tá Nguyễn Thành Liêm, Phó trưởng Công an thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, Công an thị xã vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can 11 đối tượng đua xe trái phép.
Tuy nhiên, so với số vụ và số đối tượng diễn ra, có thể thấy số vụ bị xử lý hình sự, đảm bảo răn đe là chưa nhiều.
Xử lý nghiêm, ngăn chặn ngay từ đầu
Trung tá Phạm Đức Đông, Phó trưởng phòng Hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ, Cục CSGT cho biết những năm trước nạn đua xe có nhưng rất ít. Tình trạng đua chỉ rộ lên từ đầu năm ngoái khi dịch bùng phát.
Lúc này, nhân lực lượng CSGT tập trung, hỗ trợ phòng chống dịch, giãn cách xã hội, đường ít xe chạy, nhiều thanh niên lên mạng kêu gọi tụ tập đua xe, nẹt pô, lạng lách, đặc biệt là ở TP HCM và các tỉnh miền Tây.
Ngoài ra, một số gia đình buông lỏng quản lý, để con cái lấy xe đi độ, tham gia đua xe nhưng không biết. Các đối tượng đua xe lợi dụng khi CSGT bận tuần tra, xử lý những nơi ùn tắc, hoặc lúc đêm xuống cần nghỉ ngơi, mới tổ chức đua xe. Nhiều nhóm đua chọn những cung đường mới hoặc xa trụ sở công an; dùng xe tải chở phương tiện sang địa phương khác đua.
Về giải pháp phòng chống đua xe, Trung tá Phạm Đức Đông cho rằng, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự địa phương cần có biện pháp hóa trang, mật phục, phát hiện ngăn chặn các vụ đua xe khi mới manh nha.
Đặc biệt lực lượng an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao cần theo dõi, nắm quy luật hoạt động các đối tượng trên mạng xã hội để ngăn chặn từ đầu.
Thượng tá Võ Văn Nghĩa, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bến Tre cũng cho biết, phương án hóa trang, mật phục ghi hình đem lại hiệu quả cao.
Sau khi bí mật ghi hình đua xe, ban đầu công an chỉ bắt một số đối tượng, sau đó đấu tranh bắt những người còn lại. “Biện pháp này giúp CSGT hạn chế truy đuổi vì có thể gây nguy hiểm cho người đi đường lẫn cảnh sát”, thượng tá Nghĩa nói.
Thượng tá Thái Viết Vũ, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngoài việc tăng cường xử lý nghiêm đua xe, địa phương tập trung kiểm tra các lò độ, chế xe.
Bởi, xe đưa vào những lò này thường không có hóa đơn, chứng từ, nên thông qua kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp ngăn chặn từ đầu. Đồng thời, người đua xe trái phép hoạt động chủ yếu dựa vào các hội, nhóm kín. Do đó, thời gian tới cần có sự phối hợp giữa lực lượng CSGT và an ninh để xử lý, ngăn chặn.
Đề xuất vi phạm lần 2 là xử lý hình sự
Đại diện Phòng CSGT các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang… cùng đề nghị cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với đua xe trái phép. Cụ thể, nếu vi phạm 2 lần là cương quyết xử lý hình sự (lần 1 xử phạt hành chính, lần 2 xử lý hình sự).
Hiện nay, theo quy định, người đua xe trái phép có thể bị khởi tố hình sự nếu như gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31 - 60%; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận