Xã hội

Xuân về nơi “rốn lũ” Văn Chấn

04/02/2019, 12:49

Những ngày cuối năm, dọc đường từ Đồng Hẻo vào bản Tủ (xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), nơi những người dân “rốn lũ” Văn Chấn...

img
Vợ chồng anh Hoàng Đình Kiên vui vẻ cùng nhau dựng nhà mới trên khu tái định cư bản Tủ

Những ngày cuối năm, dọc đường từ Đồng Hẻo vào bản Tủ (xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), nơi những người dân “rốn lũ” Văn Chấn (Yên Bái) tái định cư sau cơn lũ dữ ập tới hồi tháng 7/2018 cướp đi sinh mạng 8 người và 13 người bị thương, những cành đào phai nhú nụ hồng, lộc xanh mơn mởn báo hiệu xuân về.

“Rốn lũ” thay da đổi thịt

Phía bên bờ suối nơi cơn lũ dữ tràn về vào tháng 7 cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân vẫn còn đó những tảng đá to bằng cái bàn nhưng cảnh tang tóc không còn nữa. Giữa bãi đá sỏi, nơi từng là ruộng lúa màu mỡ, người dân đang hò nhau đưa máy xúc vào cải tạo, khôi phục sản xuất.

Từ UBND xã Sơn Lương đi vào chừng 3km, khu tái định cư dành cho người dân bị lũ cuốn trôi, hư hỏng nhà và nằm trong diện phải di dời để đảm bảo an toàn đang dần hình thành.

Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) Mai Mộng Tuân cho biết, đến ngày 29/11/2018, có 325 nhà dân bị ảnh hưởng mưa lũ đã làm nhà mới, trong đó, xây dựng tại khu tái định cư tập trung 118 nhà và bố trí xen ghép 207 nhà. Tuy nhiên, vẫn còn 74 hộ nằm trong diện di dời cần được hỗ trợ kinh phí và bố trí đất tái định cư.

Nhanh tay quét lớp sơn mới bên ngoài ngôi nhà mái bằng chắc chắn nằm giữa khu tái định cư, anh Sa Văn Minh (SN 1993, trú tại bản Tủ, xã Sơn Lương) vui vẻ cho biết, chỉ khoảng 2 ngày nữa, gia đình anh sẽ về nhà mới, đồ đạc cũng đang được dọn vào.

Tất bật lau chùi các gian phòng trong nhà, chị Đặng Ngọc Anh (19 tuổi, vợ anh Minh) cho hay, sáng 20/7, hai vợ chồng chị vừa lên phòng khách bất ngờ lũ ập về. Cả gia đình 6 người gồm bố mẹ chồng, chị gái cùng con của chị gái (hơn 1 tuổi) và vợ chồng chị Ngọc Anh bị nước lũ cuốn phăng chỉ may mắn thoát chết nhờ bám được vào cây nhãn cổ thủ.

Toàn bộ gia sản nhà chị Ngọc Anh gồm 2 con trâu, 40 bao thóc, khoảng 1,5 tấn ngô cùng 3.000m2 ruộng lúa, 1.000m2 hoa màu đều bị cuốn trôi, 6 người phải rồng rắn đưa nhau về nhà bà ngoại cách nhà 1km ở tạm.

“Sau khi được các cấp chính quyền và nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ đến nay gia đình tôi đã xây được căn nhà mới rộng 100m2 có đầy đủ phòng khách, bếp và nơi nghỉ ngơi. Thời điểm lũ, vợ tôi mang thai 2 tháng, giờ đang chuẩn bị đón cháu chào đời”, anh Minh vui vẻ cho hay.

Giữa cái nắng trái mùa, vợ chồng anh Hoàng Đình Kiên (SN 1991, trú tại bản Tủ) làm dầm sắt dựng nhà mới. Ngôi nhà cũ của anh Kiên nằm trong diện phải di dời do gần dòng nước suối được tạo thành sau cơn lũ.

“Toàn bộ tài sản tích cóp của hai vợ chồng đã bị lũ cuốn trôi. Lũ rút, dù được chính quyền chia đất cho xây nhà tại khu tái định cư nhưng tôi và vợ không thể xây nhà do không có vốn. Vợ chồng động viên nhau ở tạm nhà cũ rồi cố gắng cải tạo đất trồng hoa màu, tranh thủ thời gian rảnh của vụ mùa, đưa nhau đi làm thuê. Đến giờ đã tiết kiệm được một khoản đủ để xây căn nhà nhỏ ở khu tái định cư này. Có nhà mới, vợ chồng yên tâm làm ăn, không lo mùa lũ năm sau về nữa”, anh Kiên tâm sự.

Nương tựa nhau vượt lên nỗi đau

Cách nhà anh Minh khoảng 3 nhà trong khu tái định cư bản Tủ, bà Hà Thị Dừn (68 tuổi) nhóp nhép nhai trầu bên hiên căn nhà mới hoàn thành. Cơn lũ dữ đã cuốn mất tích người con dâu và cháu nội của bà cùng toàn bộ gia sản.

“Đời tôi chưa bao giờ gặp lũ dữ đến thế, tôi được cháu họ nhà bên cạnh kéo bỏ chạy còn con dâu tôi vì quay lại bế 2 đứa con mà cả 3 mẹ con nó bị lũ nhấn chìm. Thằng cháu lớn bị dòng nước cuốn dạt vào lùm cây cách nhà 100m nên được cứu sống còn em trai nó mới 3 tuổi dạt vào bãi ruộng đến tận chiều cùng ngày mới tìm thấy thi thể, 5 ngày sau mới tìm được mẹ bọn trẻ dưới đống đất đá”, bà Dừn xót xa kể.

Ôm mẹ động viên, anh Lò Văn Dung chia sẻ, từ ngày mất vợ con, anh vẫn luôn tự trách mình vì đã không ở cạnh lúc vợ con cần do phải đi làm thuê ở Hà Nam. Sau lũ, anh Dung không đi làm xa nữa mà ở nhà phụ mẹ dựng nhà, chăm sóc và làm chỗ dựa tinh thần cho bà Dừn.

Nhanh nhẹn lau mặt cho chồng (bị bệnh phổi, nằm liệt giường) trong căn nhà cách đập tràn suối Bu khoảng 20m, chị Hà Thị Quyên (trú tại bản Mười, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn) nhớ lại, nhờ con tỉnh giấc phát hiện nước lũ tràn vào nhà, chị đã cùng con cõng chồng, cầm bình ô xy, phá tấm prô xi măng trên mái nhà để trèo ra quả đồi phía sau nhà. Lũ rút, ngôi nhà của gia đình chị Quyên bị bùn đất phủ một lớp dày 1m, 5 tấn quế chị mới thu mua trị giá 200 triệu đồng bị cuốn trôi chỉ còn lại chưa đầy 300kg, 2 tấn thóc bị vùi sâu dưới lớp bùn. Nhờ giúp đỡ của chính quyền, lực lượng dân quân, hàng xóm, ngôi nhà của chị dần được dọn sạch bùn đất, 2 tấn thóc cũng được đưa lên. Những bao thóc ít bị ngấm bùn, chị đem phơi lại, xát lấy gạo cho gia đình và phục vụ người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

“Mất quế, số tiền nợ ngân hàng 100 triệu đồng chưa trả được nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn vì còn chồng, còn con. Đó là động lực để tôi vượt qua khó khăn”, chị Quyên tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.