Thị trường

Xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc ách tắc, người nuôi điêu đứng

25/11/2023, 18:59

Các hộ dân nuôi tôm hùm bông ở Khánh Hoà kêu cứu khi việc xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc ách tắc.

Hàng trăm tấn tôm hùm chờ bán

Tại hội nghị thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam diễn ra ngày 25/11, các hộ nuôi tôm hùm bông cho biết họ đang rất khó khăn, cần khẩn cấp có giải pháp hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Quyên, hộ nuôi thủy sản lớn tại Nha Trang (Khánh Hòa), nói rằng 36 năm gắn bó với tôm hùm, chưa bao giờ việc xuất khẩu khó khăn như thời điểm này.

Theo bà Quyên, nuôi tôm hùm bông cần vốn lớn, người dân chờ đến mùa thu hoạch để trả nợ. Nay không bán được sang Trung Quốc, đa số người nuôi hết tiền.

"Đi vay bên ngoài với lãi suất cao cũng không được, vì tôm không bán được nên không ai dám cho vay", bà Quyên nói.

Tắc xuất tôm hùm sang Trung Quốc: Người nuôi hết tiền, vay mua thức ăn cho tôm còn khó - Ảnh 1.

Theo quy định mới, tôm hùm bông khó xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tương tự, ông Võ Văn Thái, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong (Khánh Hoà), than thở về việc hơn 100 tấn tôm hùm bông tồn đọng từ tháng 8 đến nay chưa xuất bán được. Tình trạng này khiến 32 thành viên thuộc HTX gặp khó khăn.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các loại tôm hùm xuất khẩu chính của nước ta. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98-99%.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận tình trạng tồn đọng hàng sẽ gây khó khăn cho hộ nuôi. Điều này cũng ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu tôm hùm cả năm khoảng 4.000 tấn, riêng tôm hùm bông có giá trị kinh tế cao, cho doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng.

Cần thay đổi cách nuôi trồng, chế biến

Về nguyên nhân, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết tháng 5 vừa qua, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó tôm hùm bông tự nhiên nằm trong danh mục cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán.

Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã chỉ đạo hệ thống hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu. Muốn được thông quan, tôm hùm phải trải qua quá trình nuôi. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng bị coi là tôm khai thác tự nhiên. Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Đưa ra giải pháp, ông Tiến cho rằng ngoài việc tập trung khơi thông thị trường với phía Trung Quốc theo các quy định mới, người nuôi cần thay đổi theo xu hướng tiêu dùng hiện nay.

"Các thị trường đề cao tiêu chí trách nhiệm với môi trường, ưu tiên sản phẩm xanh. Do đó, chúng ta không thể cứ mãi nuôi tự phát, thích bán gì thì bán mà phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của các thị trường", ông Tiến nói.

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh… Từ đó, tập trung chế biến sâu, đóng thành từng gói nhỏ để xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị, thay vì thói quen đóng vào bao xuất thô, bán tươi sống như hiện nay.

Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022 (năm 2022, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đạt trên 257 triệu USD).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.