Trắng đêm bắt giữ tàu "ma quái"
Ngày cuối tháng 11, PV Báo Giao thông theo chân tổ công tác của Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh ra khơi làm nhiệm vụ. 3 tàu tuần tra của Hải đội 2 đồng loạt xuất kích theo hướng biển TP Móng Cái.
Sau hơn 7 tiếng đồng hồ vật lộn với sóng dữ bởi cơn gió đầu mùa đông, tàu đến vị trí neo đậu tại Đầu Tán, đảo Vĩnh Thực, TP Móng Cái vào lúc nhá nhem tối. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hiệu lý giải, chọn thời điểm này để xuất kích và chọn cung đường vòng gấp 2-3 lần đi thẳng là nhằm giữ bí mật hoạt động của tàu.
"Nếu phát hiện tổ tuần tra, các "chim lợn" sẽ báo cho các chủ tàu khai thác thủy sản trái phép biết", Thiếu tá Hiệu cho hay.
Một chiếc tàu khai thác thủy sản trái phép bị Hải đội 2 Biên phòng bắt giữ
Khoảng 18h30, từ tàu tuần tra, chúng tôi theo 6 cán bộ, chiến sỹ xuống xuồng tuần tra lướt sóng xuyên màn đêm đến khu vực biển cửa Đài - nơi tiếp giáp giữa đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà) và đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái).
Cũng giống như tàu tuần tra, để giữ bí mật, chiếc xuồng chạy vòng qua đầu Tán về đảo Trần rồi mới chuyển hướng quay vào, xa thêm nhiều hải lý.
Nhìn từ xa, tổ công tác đã thấy có hơn chục ánh đèn tín hiệu đi đêm của những con tàu khai thác thủy sản trái phép; tiếng tàu gầm rú vang động một góc biển. Ngay lập tức, chiếc xuồng của tổ công tác đã tiếp cận mục tiêu.
Thấy bị động, nhiều chiếc tàu đã tăng tốc bỏ chạy, xuồng tuần tra bám sát phía sau trong điều kiện sóng biển cuộn lên dữ dội. Sau gần 2 giờ, đội tuần tra của Hải đội 2 Biên phòng đã bắt giữ 5 phương tiện/14 người có hành vi sử dụng ngư cụ cấm là chã cào khai thác Sò nhám làm hủy hoại môi trường biển. Đó là các phương tiện: QN 903xx-TS, QN 500xx-TS, QN 332xx-TS và QN 07xx-TS.
Một phương tiện khai thác sò nhám bằng hình thức tận diệt bị tổ công tác bắt giữ
Bắt được phương tiện đã khó, việc áp giải phương tiện vi phạm về còn khó hơn nhiều. Bởi mỗi cán bộ Biên phòng phải một mình áp giải 1 phương tiện từ biển về nơi tập kết là khu vực cảng Vạn Gia trong điều kiện sóng to, gió lớn và đơn độc trên tàu vi phạm với những hiểm nguy rất khó lường.
Gần 1 giờ đêm, khi việc bắt giữ, áp tải phương tiện về nơi xử lý hoàn tất. Thuyền trưởng Nguyễn Trung Hiệu chia sẻ thêm: Đúng như dự đoán, có "chim lợn" theo dõi hành trình tàu của đơn vị, nên qua quan sát thấy được hơn 10 chiếc tàu khai thác thủy sản trái phép mà chỉ bắt được 5 chiếc. Hôm nay, đội tuần tra có phương án đi đến tàu nào là đưa cán bộ lên đó ngay để xử lý rồi di chuyển đến tàu khác mới có kết quả như thế.
"Các thuyền trưởng khi bị bắt giữ thì viện đủ lý do để chống đối. Người thì thấy mức phạt cao dọa đốt tàu, lao vào núi đá... Tuy nhiên, đơn vị vẫn cương quyết xử lý", Thiếu tá Hiệu khẳng định.
“Hành trình lạ” của những con sò nhám khai thác trái phép
Nét mặt khá buồn vì bị bắt giữ, anh Ngô D.T, thuyền trưởng tàu QN 07xx-TS, lý giải vì sao thời gian gần đây, số ngư dân chuyển từ đánh chã, lưới truyền thống sang giã cào tăng đột biến.
Nhiều phương tiện của ngư dân Quảng Ninh chuyển đổi sang khai thác sò nhám.
Theo anh T., nếu làm nghề truyền thống, mỗi đêm tàu của anh chỉ đánh bắt được 2-3 triệu đồng, đủ chi phí ăn, xăng dầu. Còn làm giã cào sò nhám, phần lớn các tàu làm mỗi đêm sẽ được trên 100 bao (mỗi bao 50 kg); bán cho thương lái mỗi bao từ 100-120 nghìn đồng, thu nhập cũng được 10-20 triệu đồng.
"Hám lợi, 2 ngày trước tôi mới chuyển sang giã cào sò nhám, vừa làm xong thì bị phát hiện, bắt giữ. Từ mai, tôi sẽ chuyển lại nghề truyền thống thôi chứ nghề này rủi ro cao quá", anh T. than.
Theo Thiếu tá Nguyễn Trung Hiệu thì quy luật của thị trường những năm qua, dòng chảy hải sản thường được thu mua từ các tỉnh miền Nam ra miền Bắc và có nhiều mặt hàng được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.
Tuy nhiên, đối với sò nhám lại có một con đường ngược lại. Năm 2022, là thời điểm đầu tiên ngư dân Quảng Ninh mới "tập tọe" sử dụng giã cào khai thác loại sò nhám này khiến cho cho vùng biển của Quảng Ninh "dậy sóng" như thế.
Con sò nhám đang bị khai thác một cách tận diệt
Theo một số thuyền trưởng tàu khai thác sò nhám trái phép thì địa điểm các ngư dân giao hàng là bến Đầm Buôn, huyện Đầm Hà và Quảng Điền thuộc huyện Hải Hà. Ước tính, ngày cao điểm cũng có gần 10 container với khoảng trên 300 tấn sò nhám được thu mua.
Tại đây, các bao hàng được đưa lên xe đến khu vực gần cảng để công nhân phân loại sò nhám lẫn với ốc điếu, sỏi và một số loại hải sản khác. Sò nhám sau khi phân loại được trộn với cát để đóng bao đưa lên container lạnh 40 feet chuyển thẳng vào tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, sau đó được nghiền nhỏ trộn với một số loại thực phẩm khác làm thức ăn cho tôm hùm.
Hải đội 2 Biên phòng phối hợp phát hiện một phương tiện sử dụng công cụ cấm để khai thác thủy sản
Trung tá Lê Quang Chiểu, Chính trị viên Hải đội 2 Biên phòng chia sẻ: Vấn nạn khai tác thủy sản trái phép trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt việc báo động tình trạng tàu giã cào "cày xới" vùng biển Bình Ngọc - Vĩnh Thực để khai thác sò nhám vừa ảnh hưởng đến ATGT đường thủy nội địa, vừa gây nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
"Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh vừa xây dựng Kế hoạch cao điểm phòng chống khai thác thủy sản trái phép, chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển đảo và Hải đội 2 Biên phòng phải triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh để chấm dứt tình trạng đó", Trung tá Chiểu cho hay.
Hải đội 2 Biên phòng tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản
"Đơn vị đã tăng số chuyến, lượt tuần tra gấp đôi lúc bình thường, tổ chức bám biển 24/24 giờ tuần tra kiểm soát trên vùng biển Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long để chặn các con tàu khai thác thác thủy sản trái phép. Chỉ trong tháng 11 này, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 28 phương tiện với 71 đối tượng vi phạm khai thác thủy sản trái phép, xử lý vi phạm hành chính hơn 300 triệu đồng", Thiếu tá Chiểu thông tin.
Một lãnh đạo Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết: Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý hơn 660 trường hợp vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5,6 tỷ đồng.
Hoạt động tặng Quốc kỳ cho các phương tiện của ngư dân đã tạo mối quan hệ gắn bó để bà con cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng về những hành vi khai thác thủy sản trái phép
"Bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, các địa phương và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua công tác xử lý và tuyên truyền đã làm cho nhận thức của ngư dân, cộng đồng dân cư ven biển tốt lên rất nhiều", vị lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận