Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những vụ việc y bác sĩ dính vòng lao lý gần đây, đặc biệt vụ sai phạm liên quan đến kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á đều có sự trục lợi, tham ô tài sản, cần xử lý nghiêm.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Công – tội rõ ràng
Ông có nhìn nhận gì khi vừa qua, xảy ra hàng loạt những vụ án liên quan đến lãnh đạo, cán bộ ngành y tế?
Hai năm trải qua cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, ngành y tế là lực lượng tuyến đầu nên rất gian khổ, được nhân dân đánh giá cao về tinh thần nhiệt huyết, trí tuệ. Nhưng cũng rất đáng tiếc trong thời gian này, xảy ra những tiêu cực, vi phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Chúng ta nên nhìn nhận công – tội rõ ràng. Các y bác sỹ là những người được xã hội nể trọng, trong dịch bệnh sự trân trọng, biết ơn càng tăng gấp nhiều lần, khi họ đã lăn xả, đi đầu, đối mặt với hiểm nguy, làm việc không mệt mỏi trong dịch bệnh.
Tuy nhiên, những cá nhân trục lợi trên tiền bạc của đồng bào ngay trong điều kiện dịch bệnh cần phải xử lý nghiêm.
Nhưng khi sai phạm liên tiếp diễn ra, thì chúng ta có nên nhìn nhận lại chính sách và quy trình thực thi, công tác giám sát về mua sắm công tại các cơ sở y tế công lập?
Cơ chế không phải lúc nào cũng phủ kín được mọi tình huống. Tuy nhiên, theo tôi, những sai phạm vừa phát hiện trong ngành y không phải là do lỗi cơ chế, mà là sự suy thoái về đạo đức, bị đồng tiền làm “mờ mắt” của một số cá nhân.
Nguyên nhân chính dẫn đến những sai phạm này, có sự buông lỏng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Như trong vụ Việt Á, chúng ta thấy sai phạm không phải diễn ra ngày một ngày hai mà là cả quá trình và có tính hệ thống. Vậy tại sao các Bộ ngành, địa phương liên quan lại không biết việc này, chỉ đến khi Bộ Công an vào cuộc thì mới phát hiện ra?
Nếu chúng ta có sự quyết liệt trong công tác quản lý và thanh, kiểm tra, sẽ sớm phát hiện những sai phạm, có thể tránh thất thoát số tiền của nhà nước và nhân dân.
Qua đây, các bộ các bộ liên quan và các địa phương cần tăng cường rà soát, kiểm tra quy trình đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế, kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm.
Nhưng từ câu chuyện thổi giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, ông có cho rằng, nếu như Bộ Y tế kịp thời ban hành quy định giá kit test như hiện nay thì sẽ “chặn đứng” được sai phạm sớm hơn?
Vụ triệt phá đường dây nâng khống giá kit test Covid-19 đang gây rúng động dư luận bởi liên quan đến quá nhiều người, thu lợi bất chính số tiền rất lớn.
Những thông tin ban đầu cho thấy, để “thổi giá” thiết bị y tế thì không chỉ một cá nhân làm được mà cần có sự “bắt tay” của một số người, trong đó có sự góp mặt của cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, từ đó hình thành lợi ích nhóm. Nếu Bộ Y tế có quy định sớm hơn, có thể chưa "chặn đứng" thì cũng làm giảm được phần nào mức độ trục lợi bất chính.
Trách nhiệm của Bộ Y tế trong đó là có. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các cơ quan thẩm định giá, của lãnh đạo các địa phương. Nếu địa phương thấy giá cao, có “gợn” thì cần phải có chỉ đạo xem xét, thậm chí là dừng việc mua bán.
Tiếp đến là công tác thanh, kiểm tra ở đâu khi câu chuyện về giá test Covid-19 mỗi chỗ một khác nhau? Thực trạng này đã được báo chí, người dân phải ánh trong thời gian khá dài, thì tại sao không tiến hành thanh kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm?
Nguyễn Quang Tuấn (bìa phải ảnh) và Nguyễn Quốc Anh (bìa trái ảnh) đều có nhiều thành tích về y khoa, giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trước khi vướng lao lý
Tách bạch việc quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn
Cho đến thời điểm này, những vụ việc mua sắm của các trung tâm kiểm soát bệnh tật bị nghi ngờ "thổi giá" để tham nhũng đều là các vụ việc chỉ định thầu. Theo ông, có nên bắt buộc chỉ được đấu thầu trong mua sắm thiết bị y tế, kể cả trong điều kiện dịch bệnh cấp thiết?
Khi chỉ định thầu trong đầu tư, mua sắm công thì rất dễ lơi lỏng các quy trình như giám định giá độc lập hay hội đồng giám định, thậm chí các công ty giám định giá tư nhân có thể là "sân sau" sẵn rồi. Đã là chỉ định thầu thì khó mà có hàng hóa, dịch vụ với mức giá cạnh tranh.
Do đó, việc mua sắm vật tư y tế nhất thiết phải tiến hành theo phương thức đấu thầu công khai, có cạnh tranh, theo quy trình minh bạch để giảm thiểu nguy cơ có “sân sau”, tham nhũng để thắng thầu.
Trong trường hợp khẩn cấp như mua sắm khi có dịch bệnh xảy ra, thì để hạn chế tối đa tiêu cực, cần có vai trò hỗ trợ và giám sát của liên ngành, như ngành y tế và ngành tài chính...
Thực tế thời gian qua, một số bác sĩ có chuyên môn giỏi được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc bệnh viện, tuy nhiên, sau đó bị khởi tố vì những sai phạm liên quan đến mua sắm thiết bị. Theo ông, có cần tách giữa quản trị và quản lý chuyên môn trong lĩnh vực y tế?
Tôi thấy ý kiến này là có cơ sở, bởi không thể đánh đồng những nhà khoa học giỏi, những người thầy có tài là những người có thể làm quản lý tốt. Công tác quản lý hoàn toàn khác với khoa học chuyên ngành, chuyên môn.
Thực tế cho thấy, một số trường hợp chuyên môn rất giỏi nhưng khi đưa lên làm lãnh đạo quản lý thì cơ quan đó có thể bị “xộc xệch”, thậm chí người đó đứng trước vòng lao lý.
Chính vì thế chúng ta nên xem xét tách bạch việc quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn. Trên thế giới mô hình bệnh viện 2 giám đốc rất phổ biến, có nghĩa là họ bổ nhiệm một người là giám đốc chuyên môn và đồng thời bổ nhiệm một giám đốc điều hành khác lo tất cả về hậu cần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận