Ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay Washington dự định xây dựng một hệ thống kiểm soát vũ khí mới và kêu gọi Nga và Trung Quốc tham gia.
"Tổng thống Donald Trump đã đặt ra cho chính quyền nhiệm vụ khởi đầu một kỷ nguyên mới về kiểm soát vũ khí vượt ra ngoài các thỏa thuận song phương trước đó", - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh.
Washington lưu ý rằng, Hoa Kỳ không có ý định tham gia hiệp ước mà Nga đã cố tình vi phạm. Theo báo chí Nga điều này có ý đề cập đến thỏa thuận loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (Hiệp ước INF).
Mỹ chính thức rút khỏi hiệp ước
Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga đã hết hiệu lực trong ngày 2/8. Dư luận quốc tế đang lo ngại các cường quốc về hạt nhân đều đang lên kế hoạch chế tạo thêm tên lửa mới, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng căng thẳng hơn.
Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đã hết hiệu lực dựa theo điều khoản quy định hiệp ước sẽ hết hiệu lực trong vòng 6 tháng kể từ khi Mỹ thông báo rút khỏi hiệp ước này.
Trước đó, vào tháng 2, Washington đã thông báo với Moscow về việc sẽ rút khỏi INF do nghi ngờ Nga đã vi phạm hiệp ước này. Đáp lại động thái trên, phía Nga tuyên bố sẽ dừng tuân thủ hiệp ước.
Hiệp ước cấm việc sản xuất, tàng trữ và bắn thử các tên lửa đạn đạo trên mặt đất và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 đến 5.500km. Hai nước đã cắt giảm hơn 2.600 tên lửa hạt nhân.
Trong những năm gần đây, Mỹ và Nga đã cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm hiệp ước. Hai nước cũng cho rằng Trung Quốc, nước không kí kết INF, đã tăng số lượng tên lửa tầm trung của mình.
Cả Mỹ và Nga đều kêu gọi xây dựng khuôn khổ giải trừ hạt nhân mới có sự tham gia của Trung Quốc và các nước sở hữu tên lửa khác. Tuy nhiên Bắc Kinh đã từ chối đàm phán một thỏa thuận mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận