Vì sao Mỹ công bố chi tiết dự định trừng phạt trước thềm đàm phán?
Trong bài phỏng vấn với tờ New York Times, các quan chức Mỹ lần đầu tiên công bố chi tiết kế hoạch kể trên trước thềm cuộc đối thoại an ninh giảm căng thẳng với Moscow sẽ diễn ra vào ngày mai (10/1) tại Geneva, Thuỵ Sĩ.
Đây là một trong những thời khắc được đánh giá là nguy hiểm nhất tại châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Những kế hoạch mà Mỹ bàn với đồng minh trong vài ngày gần đây bao gồm: “cắt đứt” liên hệ giao dịch quốc tế của các thực thể tài chính lớn nhất, áp lệnh cấm vận với công nghệ do Mỹ sản xuất và thiết kế - cần thiết cho ngành công nghiệp tiêu dùng và quốc phòng Nga...
Binh sĩ Ukraine tại vị trí chiến đấu ở Luhansk, miền Đông nước này. Ảnh - Reuters
Những động thái như vậy hiếm khi được công bố trước nhưng vì các cuộc đối thoại hiện nay diễn ra trong bối cảnh số phận vùng biên giới của nhiều nước châu Âu hậu Chiến tranh lạnh và sự hiện diện quân sự của NATO trên lục địa này đang gặp nguy.
Do đó, chia sẻ với New York Times, các cố vấn của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Bide cho biết, phải tìm cách để đánh tín hiệu với ông Putin về chính xác điều Nga sẽ phải đối mặt trong nước và quốc tế, hy vọng gây ảnh hưởng tới quyết định của lãnh đạo Nga trong một vài tuần tới.
Giới chức ngoại giao Mỹ lo ngại sau một tuần đàm phán, Nga có thể tuyên bố các đề xuất an ninh của họ không được đáp ứng và sử dụng thất bại của đàm phán làm cái cớ để hành động quân sự.
“Không có gì ngạc nhiên nếu Nga là chủ mưu của một hành động hoặc một sự việc khiêu khích và sử dụng làm cái cớ để can thiệp quân sự rồi hy vọng, lúc thế giới nhận ra thì sự đã rồi”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.
Lần này, “chúng tôi đã làm rõ với Nga về điều mà họ sẽ phải đối mặt nếu tiếp tục con đường này. Đó sẽ là các biện pháp kinh tế mạnh với hậu quả lớn nhất mà Washington chưa từng sử dụng”, ông Blinken nói.
Những biện pháp từ thời Obama vẫn là nhẹ
Theo New York Times, cảnh báo đó tương đương một lời thừa nhận ngầm rằng phản ứng của chính quyền dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2014 (khi Nga sáp nhập Ukraine), là không dứt khoát và quá nhẹ.
Vài tuần gần đây, Nhà Trắng đã thực hiện cuộc khảo sát nội bộ về hiệu quả các lệnh trừng phạt dưới thời ông Obama, giới chức Mỹ nhận thấy, dù các lệnh trừng phạt có gây tổn thất không nhỏ tới kinh tế Nga nhưng không đạt được mục tiêu chiến lược trung tâm đó là gây sức ép đến mức ông Putin buộc phải thay đổi quyết định sáp nhập bán đảo Crimea.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga từ năm 2014 đến nay dường như vẫn còn nhẹ. Ảnh - The New York Times
Do đó, trong thời gian tới, thay vì thực hiện các lệnh trừng phạt nhằm vào các ngân hàng nhỏ và cá nhân trực tiếp liên quan tới việc Crimea sáp nhập về Nga như thời ông Obama, gói trừng phạt mới sẽ trực tiếp nhắm vào tổ chức tài chính lớn nhất vốn phụ thuộc vào việc chuyển giao tài chính quốc tế.
Một quan chức đã mô tả kế hoạch này là “phản ứng nhanh, tác động mạnh mà Mỹ đã không theo đuổi trong năm 2014”.
Tuy nhiên, giới chức chưa cho biết liệu Mỹ có chuẩn bị để loại Nga ra khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) nơi thực hiện các giao dịch tài chính toàn cầu giữa hơn 1.100 ngân hàng tại 200 quốc gia hay không?
Nhưng giới chức Châu Âu cho biết, họ đã bàn về khả năng này và hầu hết các cường quốc lớn tại Châu Âu đã từ chối cân nhắc vì lo ngại Nga có thể trả đũa bằng cách cắt nguồn cung khí đốt trong mùa đông, dù chỉ là trong thời gian ngắn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận