Trong nước

Y học thể thao Việt Nam đứng ngoài... thể thao

20/03/2017, 10:25
image

Kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung, chân chạy Lê Trọng Hinh và đô vật Nguyễn Thị Lụa cả ba đều đang dính chấn thương...

12

Lê Trọng Hinh nhiều khả năng sẽ không kịp bình phục dự SEA Games 29

Kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung, chân chạy Lê Trọng Hinh và đô vật Nguyễn Thị Lụa cả ba đều đang dính chấn thương và gần như không thể kịp bình phục để sang Malaysia tranh tài. Tại SEA Games 29, phía sau những trường hợp đau lòng trên là cả một câu chuyện buồn, đầy nghịch lý về mảng y học còn quá nhiều bất cập của thể thao Việt Nam.

20 bác sĩ “cõng” 1000 VĐV

Cứ đến các kỳ SEA Games, ASIAD hay Olympic, mảng y học của thể thao Việt Nam lại phơi bày đầy đủ những yếu kém, sự tụt hậu khi luôn xảy ra tình trạng một bác sĩ, y sĩ “cõng” 15-20 tuyển thủ. Như tại SEA Games, cả một đoàn quân lên tới hàng nghìn tuyển thủ chỉ được bố trí chưa nổi 10 nhân lực y tế, thậm chí khi điều kiện khó khăn về kinh phí thì lực lượng bị cắt giảm đầu tiên chính chính là bác sĩ. Thành ra mới có một nghịch lý, những người vất vả nhất, căng thẳng nhất không phải là các HLV, VĐV mà lại chính là các y, bác sĩ. Trung bình mỗi bác sĩ phải đảm trách khoảng 3 phân đội hay đội tuyển thủ quốc gia.

Một nền thể thao đang nở rộ, với cả chục nghìn VĐV chỉ tính cấp tỉnh, cấp quốc gia của hơn 40 môn trong hệ thống chính thức mà chỉ có khoảng 90 cán bộ, y bác sĩ làm việc tại các cơ sở thể thao. Ngay “đại bản doanh” số 1 là Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, phòng Y học gồm 20 người phải đảm trách việc chăm lo sức khỏe, phòng chống chữa trị chấn thương cho cả nghìn tuyển thủ tập huấn quanh năm. Theo thống kê, cả nước mới chỉ có 22% số tỉnh, thành có duy trì phòng y học thể thao, nhưng những người đang đảm đương nhiệm vụ hầu hết lại chỉ có trình độ... y sĩ, chưa kể còn rất mù mờ về đặc thù thể thao.

Y học thể thao tệ tới mức, ngay cả bệnh viện chuyên ngành duy nhất là bệnh viện Thể thao Việt Nam giờ mỗi năm cũng chỉ thu hút được khoảng 10% số VĐV dính chấn thương, bệnh tật tới khám chữa trị. Rất bi hài vì các VĐV dính chấn thương lại lập tức tìm đến các bệnh viện ngoài ngành, hoặc nghĩ ngay tới phương án ra nước ngoài, trong trường hợp phải phẫu thuật. Không chỉ những ca nặng như Nguyệt Ánh (karatedo), Văn Kiều (bóng chuyền) Thanh Hằng (điền kinh) khi trước hay Lệ Dung (đấu kiếm) bây giờ mà nhiều trường hợp nhẹ hơn nhiều cũng có tâm lý như thế.

100% VĐV bị chấn thương muốn chữa trị ở nước ngoài

“Qua 16 năm theo dõi và hỗ trợ thể thao Việt, tôi thấy mảng y học phục vụ thể thao cơ bản chưa có gì thay đổi. Y học mới chỉ tham gia giải quyết được một vài nội dung đơn giản, còn vẫn hoàn toàn đứng ngoài thể thao, nhất là với mũi nhọn thành tích cao. Theo tôi đây vẫn là khâu yếu nhất của thể thao Việt Nam”, chuyên gia Nober Moss (CHLB Đức) nói.

Thực trạng trên dẫn tới tình trạng gần như 100% VĐV bị chấn thương muốn được giải quyết ở nước ngoài. Đơn giản vì họ không tin vào điều kiện trong nước, với suy nghĩ cứ phải nhờ cậy nước ngoài cho “lành”, dù có phải tốn kém gấp vài lần. Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng có thể xuất ngoại, bởi còn liên quan đến câu chuyện kinh phí. Với mức mua bảo hiểm hiện tại ở các đội tuyển quốc gia, trừ bóng đá, mức chi trả tối đa chỉ 100 triệu đồng. Bởi thế, tất cả các trường hợp kiểu như Lệ Dung phải chờ dài cổ để ngành cân đối kinh phí hay vận động tài trợ.

Tuyển thủ quốc gia: "đói" cả... thuốc bổ

Ngoài nguy cơ chấn thương luôn treo lơ lửng, việc tập luyện và thi đấu của các tuyển thủ quốc gia còn đang bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng thiếu thuốc và thực phẩm thuốc chuyên dụng nghiêm trọng. Khi lên tập huấn đội tuyển, theo quy định, họ sẽ được đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc và thực phẩm thuốc đặc thù. Tuy nhiên, cũng do bó buộc kinh phí, có tới 9 tháng trong năm, kể cả các ngôi sao nếu tập luyện trong nước cũng chỉ được dùng một số loại thuốc bổ sản xuất trong nước, cấp nhỏ giọt theo đợt. Đó là số thuốc được các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia mua nhờ kinh phí trích từ nguồn sự nghiệp chung.

Phải khoảng 2-3 tháng trước khi lên đường dự tranh các cuộc đấu lớn, như SEA Games, ASIAD, Olympic, ngành Thể thao mới có kinh phí tiến hành việc nhập thuốc và thực phẩm thuốc về để cấp cho các đội tuyển. Khi đó, các tuyển thủ rơi vào tình trạng dùng thuốc theo kiểu “no dồn đói góp”, không hiệu quả, thậm chí lãng phí. Nhiều người không dùng kịp, dùng hết đành phải mang về cho người thân dùng hộ. Từ nhiều năm nay, rất nhiều môn, nhất là một số môn trọng điểm, không thể thiếu thuốc chuyên dụng, như cử tạ, HLV và VĐV phải tự bỏ tiền ra mua để lo cho mình.

“Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực song phải thừa nhận, thể thao Việt Nam hãy còn kém xa ngay cả một số nước trong khu vực chứ chưa nói đến quốc tế về nhân lực, điều kiện chăm sóc y tế cho các VĐV. Đơn cử tại Olympic 2016, trong khi chúng ta đã rất cố gắng để đưa sang được 3 bác sĩ thì Singapore thậm chí còn thuê hẳn một địa điểm để thiết lập nên một trung tâm y học riêng. Riêng về việc điều trị hay kể cả phẫu thuật chấn thương, tôi cho rằng các bác sĩ trong nước đã có thể giải quyết, nhưng vấn đề chính nằm ở điều kiện, trang thiết bị dụng cụ”, bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam phân trần.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.