Xuyên đêm dọn dẹp cây đổ, nhà tốc mái
Sáng nay (8/9), lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết, trong đêm 7/9, do ảnh hưởng bởi bão số 3, nhiều cây xanh và mái nhà bằng tôn của người dân bị tốc mái.
Video: Công an quận Bắc Từ Liêm dọn dẹp mái nhà bị tốc mái cho người dân trên phố Phan Bá Vành.
"Cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) ngay trong đêm đã đến những nơi cây bị đổ, cưa cắt dọn dẹp nhằm trả lại đường thông thoáng, đảm bảo an toàn giao thông. Cùng với đó lực lượng cũng giúp người dân dọn dẹp mái nhà bị tốc mái", lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm cho hay.
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, sáng nay khảo sát của PV Báo Giao thông ở các tuyến phố như Hàng Bông, Nguyễn Thái Học, Phùng Hưng, Quán Sứ… nhiều cây xanh bị bật rễ, gãy đổ ngang đường.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Chánh văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm Hoàng Mạnh Tuấn cho biết, thông kê sơ bộ cho thấy, có khoảng hơn 400 cây xanh bị gãy đổ.
"Sáng nay, quận đang nghe báo cáo cụ thể của các phường, sơ bộ trên địa bàn quận có khoảng hơn 400 cây xanh gãy đổ", ông Tuấn thông tin.
Tính đến 9h30 sáng ngày 8/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, TP Hà Nội đã thống kê thêm 14.000 cây xanh tại các địa bàn ở Hà Nội bị đổ, gãy.
Theo quan sát, tại các tuyến đường, phố, khu dân cư tại các quận, huyện của Hà Nội, cây đổ la liệt. Số lượng cây bị gãy đổ rất lớn. Công tác thống kê thiệt hại vẫn đang tiếp tục được thực hiện.
Nhằm chung tay, góp sức khắc phục thiên tai tại Hà Nội, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo Ban Thường vụ các quận, huyện, thị đoàn trên địa bàn, huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia phối hợp tích cực cùng các lực lượng chức năng theo sự điều phối của Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai các cấp.
Xảy ra 194 sự cố về đường bộ
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông TP Hà Nội cho biết, trong 194 sự cố về đường bộ, chủ yếu là sự cố cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, biển báo gãy đổ, xô lệch trụ mũi tên phản quang, ổ gà, hố sụt, ngập nước.
Để đảm bảo hoạt động bình thường của hệ thống hạ tầng giao thông, Ban Duy tu đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý, bảo trì cho khắc phục ngay để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại.
Đối với các sự cố ngập nước đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý đường bộ cắm biển cảnh báo tại các vị trí ngập sâu và phối hợp với các lực lượng chức năng hướng dẫn phân luồng cho người dân. Đồng thời báo cáo các sự cố lên phần mềm GovOne, và những kênh thông tin để người tham gia giao thông nắm được tình hình.
Bố trí người thường xuyên kiểm tra, theo dõi để đôn đốc các nhà thầu quản lý đường bộ tổng hợp, đánh giá các thiệt hại về tài sản trên các tuyến đường, có biện pháp khắc phục triệt để.
Huy động công nhân khơi thông cửa xả, cửa thu, đánh rãnh ngang để nước sớm thoát tại các vị trí bị ngập. Chủ động thông báo các điểm úng ngập do Sở xây dựng quản lý để có biện pháp khơi thông dòng chảy, giải quyết các vị trí úng ngập cục bộ trên các tuyến đường.
Phối hợp với các đơn vị chức năng (cây xanh, thoát nước, chiếu sáng...) xử lý và thu dọn các chướng ngại vật trên mặt đường, hè để đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát sao tình hình diễn biến của cơn bão để có phương án bố trí nhân lực, thiết bị, vật tư phục vụ cho công tác phòng chống và hạn chế tối đa ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Cảnh báo lũ ở nhiều huyện ngoại thành
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc tập trung ứng phó với lũ rừng ngang gây mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Theo đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa to đến rất to khiến mực nước sông Tích, sông Bùi đang lên nhanh có nguy cơ xuất hiện lũ rừng ngang ảnh hưởng đến địa bàn bốn huyện nêu trên.
Để ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết, thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của TP Hà Nội, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Chủ động ứng trực, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", nhằm đảm bảo an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận