Là đơn vị xuất khẩu lô củ sen của tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Minh Thiện, Giám đốc nhà máy Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt cho rằng, thị trường Nhật rất khó tính. Họ yêu cầu kiểm nghiệm mẫu đất, nước, không khí nơi trồng sen và quy trình chế biến tại nhà máy.
"Riêng công nghệ cấp đông IQF, thực phẩm có thể bảo quản trong hai năm, giữ được màu tự nhiên, không phá vỡ liên kết. Trung bình 1 tấn củ sen nguyên liệu sử dụng được 30% để xuất khẩu, còn lại dùng chế biến các sản phẩm bán trong nước", ông Thiện cho biết thêm.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đây là lô sen xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang thị trường Nhật.
Lô sen xuất sang Nhật được thu hoạch 135 ngày sau khi trồng với kích cỡ 4-6cm. Sau khi sơ chế, củ được cắt lát đường kính 4-6cm, cấp đông ở nhiệt độ âm 25 độ bằng công nghệ IQF.
"Lô hàng 15 tấn có giá trị khoảng 1 tỷ đồng. Đây là sự nỗ lực rất lớn từ địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc triển khai các hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu nông sản của địa phương, tạo điều kiện cho sen Đồng Tháp thâm nhập vào các thị trường khó tính khác trên thế giới", ông Thiện nói.
Sen là một trong những ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và được lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm.
Đồng Tháp đã định hướng phát triển sản xuất cây sen gắn với văn hóa, du lịch theo hướng bền vững, hướng đến các giá trị xanh, tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hóa xanh. Đồng thời kết hợp lưu giữ những giá trị truyền thống về văn hóa, di tích lịch sử, ngành nghề truyền thống, lối sống của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp cho biết, loại sen trồng ở Đồng Tháp có thể trồng quanh năm, năng suất từ 5-7 tấn/vụ (4 tháng).
Theo hiệp hội này, miền Tây Nam bộ có khoảng 3.000 hec-ta trồng sen, nhưng đa phần lấy hạt, chỉ 200 hec-ta trồng lấy củ, khá ít so với nhu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận