Dẫn đầu cả nước trong đổi GPLX trực tuyến
Thông tin về kết quả thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông, ông Trần Hữu Bảo - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Giai đoạn vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã nỗ lực thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), qua đó đã thu được những kết quả nhất định.
Đáng chú ý, đối với sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp - một trong 25 dịch vụ công thiết yếu được ưu tiên, tập trung triển khai trong Đề án 06, Sở GTVT Hà Nội đã tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ. Qua 2 năm triển khai, nhận thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến tăng đáng kể.
Phần mềm dịch vụ công thường xuyên được cải tiến, cập nhật. Việc khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà) góp phần công khai, minh bạch quy trình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến, giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, đồng thời giảm áp lực cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính.
Quý I/2024, Sở GTVT Hà Nội tiếp nhận, xử lý gần 12 nghìn hồ sơ, đạt tỷ lệ 59,6%. Trước đó, trong năm 2023, cơ quan quản lý đã tiếp nhận, xử lý hơn 14,4 nghìn hồ sơ đổi giấy phép lái xe sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt tỷ lệ 13,7%.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong đổi giấy phép lái xe sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tiếp tục triển khai Đề án 06, trong quý I/2024, Sở GVT đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe lắp đặt thiết bị xác thực điện tử trong đào tạo, sát hạch, nhằm bảo đảm chính xác danh tính học viên, tránh gian lận.
Hiện nay, 100% giấy phép lái xe sau khi được cấp mới, cấp đổi đã được số hóa, cập nhật trên cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe quốc gia, do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) đã triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng.
Ngoài việc hỗ trợ bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện, hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức còn đáp ứng các yêu cầu về quản lý, điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Đến nay đã có tổng cộng 24 tuyến xe buýt thường và tuyến buýt nhanh BRT thí điểm hệ thống vé điện tử.
Mới nhất, từ ngày 15/4, Hà Nội đã thí điểm ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe, nhằm hạn chế, tiến tới không sử dụng tiền mặt tại các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và một số vị trí trông giữ xe của Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Dù mới triển khai nhưng cách làm này đã nhanh chóng được người dân đồng tình, ủng hộ bởi sự công khai, minh bạch, thuận tiện.
Cấp thiết triển khai giao thông thông minh
Theo Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, chuyển đổi số là lĩnh vực còn mới mẻ đối với nhiều địa phương và người dân. Do đó, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, trong đó có các vấn đề như: Nhân sự, hạ tầng công nghệ số và kinh phí thực hiện…
Cán bộ, công chức, viên chức, trong quá trình chuyển đổi số, sẽ phải qua giai đoạn "giao thời"; khối lượng công việc, thao tác sẽ phát sinh nhiều hơn khi sử dụng song song 2 phương thức vừa điện tử, vừa thủ công.
Người dân khi khai thác, sử dụng các dịch vụ công cũng cần phải có thời gian để tìm hiểu, tiếp cận và làm quen với việc giao dịch hành chính trên môi trường điện tử.
Cùng đó, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, đòi hỏi các khoản đầu tư rất lớn, đồng bộ về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và phần mềm ứng dụng. Do đó cần có thời gian, lộ trình dài để cân đối, bố trí nguồn ngân sách phù hợp.
Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện vẫn còn chưa đầy đủ, đặc biệt là các quy định liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn hệ thống giao thông thông minh, đầu tư, vận hành, khai thác hệ thống giao thông thông minh…
Thông tin thêm, ông Bảo cho hay: Ngành giao thông vận tải Thủ đô đang từng bước tiến hành công cuộc chuyển đổi số, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Xác định mục tiêu, chiến lược chuyển đổi số; Xác định những cơ hội, thách thức; Xây dựng kế hoạch, lộ trình, nội dung nhiệm vụ; Lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp theo từng giai đoạn; Đào tạo có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng đối tượng; Đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách; Đổi mới công tác tuyên truyền về chuyển đổi số.
Cũng theo ông Bảo, việc tổ chức nghiên cứu triển khai Đề án ''Giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn thành phố Hà Nội'' là rất cần thiết để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Đề án cũng là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông hiệu quả nhằm giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí đi lại, tạo điều kiện tối đa cho vận chuyển hành khách và hàng hóa...
GS.TS Lê Hùng Lân, Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" cho biết: Lộ trình phát triển giao thông thông minh thành phố Hà Nội được chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố; Đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS; Kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.
Giai đoạn 2 từ năm 2027-2030 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 1. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp thành phố Hà Nội; Đổi mới phương thức quản lý; Phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; Đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS.
Giai đoạn 3 đến năm 2045 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả ITS thành phố; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận