Thông tin này được Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Toàn Vượng cho biết tại Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL ngày 7/11.
Bên cạnh đó, theo ông Vượng, ngân hàng này sẽ triển khai nhiều chương trình, sản phẩm gắn với từng chuỗi liên kết, từng vùng đặc thù để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tài chính phục vụ đề án.
"Agribank tập trung tín dụng, cho vay tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, đến thu mua, tiêu thụ. Tại ĐBSCL, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt trên 80%. Đây là điều kiện thuận lợi để Agribank triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp", ông Vượng nói.
Cũng theo ông Vượng, Agribank đã đồng hành cùng các cơ quan, ban, ngành để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa từ thời điểm xây dựng cho tới khi triển khai đề án. Đến thời điểm hiện tại, Agribank đã hướng dẫn các chi nhánh trên địa bàn 12 tỉnh, thành ĐBSCL sẵn sàng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho chương trình 1 triệu ha lúa với lãi suất thấp hơn 1% so với cho vay thông thường và nhiều ưu đãi khác.
Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cấp tín dụng của Agribank đạt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 7,45% so với đầu năm, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 6,65% so với đầu năm.
Riêng tại vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, tổng dư nợ toàn vùng của Agribank đạt 262 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng, tăng 8,01% so với đầu năm.
Dư nợ nông nghiệp nông thôn ĐBSCL đạt trên 214 nghìn tỷ đồng, tăng 8,47% so với đầu năm. Tỉ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn tại đây lên tới gần 82% tổng dư nợ toàn vùng của Agribank.
Lúa gạo là sản phẩm chủ lực có sản lượng và giá trị xuất khẩu cao ở khu vực ĐBSCL, dư nợ lúa gạo tại đây đạt gần 33 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với đầu năm, chiếm khoảng 47,5% dư nợ lúa gạo toàn hệ thống Agribank.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận