Khi tuyến Đông Trường Sơn hoàn thành sẽ là động lực để Tây Nguyên “cất cánh” |
Bản làng đổi thay
Chiếc xe như lướt đi giữa bạt ngàn vườn tược cà phê, hồ tiêu xanh ngút ngát. Dù Đông Trường Sơn vẫn chưa hoàn thành đồng bộ, nhưng theo dọc toàn tuyến đã thấy rõ diện mạo của một con đường hiện đại. Những ngôi nhà mái ngói đỏ, những chiếc xe của người dân chở những bao cà phê nặng trĩu đi lại rất thuận tiện.
Già Ksoi Ban ở huyện Kbang (Gia Lai) chia sẻ: “Có con đường mới này chúng tôi vui lắm. Đến mùa hái cà phê, hồ tiêu chỉ cần chất hàng lên xe chở ra đường là có người mua. Đỡ rất nhiều công sức mà giá cả cũng không bị thương lái ép giá như trước. Dân chúng tôi nhờ con đường này mà cuộc sống khá hơn nhiều”.
"Mật độ giao thông ở khu vực Tây Nguyên hiện còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, nên việc phát triển xây dựng tuyến Đông Trường Sơn rất có ý nghĩa. Đường Đông Trường Sơn khi hoàn thành tạo thành một trục dọc, kết nối nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; kết nối với mạng lưới hệ thống giao thông của đất nước, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là an ninh, quốc phòng”. Thứ trưởng GTVT |
Rồi già Ban kể: “Cả làng trước kia ít biết tiếng Kinh lắm, có chăng chỉ biết vài tiếng thông dụng. Nhưng mấy năm nay, việc giao thương thuận tiện, mấy đứa trẻ được đi học, người lớn được đi họp hành nên mọi người ở đây nói tiếng Kinh giỏi hẳn”.
Cô giáo trẻ Hồ Thị Thúy Hằng công tác tại Trường tiểu học Lê Văn Tám, huyện K’Bang chia sẻ: “Em về đây dạy học được ba năm rồi. Trước đây, các em học sinh đến lớp không đều nên thường xuyên phải vào làng vận động các em đi học. Nay đường thông suốt, các em tới lớp đầy đủ hơn, việc học cũng tiến bộ rất nhiều”.
Còn anh Hà Văn Đức, cán bộ xã Sơn Lang (K’Bang) thì hồ hởi, năm 2011, tuyến đường Đông Trường Sơn xây dựng và hoàn thành đi ngang qua xã chúng tôi khoảng 40 km. Mọi quy hoạch dân cư đều chạy dọc theo con đường, rất thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển nông sản. “Hiện, toàn xã có tới trên 2 nghìn ha cà phê. Đời sống của người đồng bào Bahnar ở đây đang dần phát triển. Các cơ sở điện, đường, trường học, y tế… cũng phát triển theo. Nhờ con đường khang trang mà bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc”, anh Đức nói.
Mở đường lớn từ một vệt bánh xe
Đường Đông Trường Sơn nằm ở dải phía Đông dãy núi Trường Sơn với điểm đầu là thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam), điểm cuối là TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Tuyến đường đi qua 7 tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, Lâm Đồng, có chiều dài 671 km, với tổng mức đầu tư hơn 10.015 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Chủ đầu tư là Bộ Tổng tham mưu. Đây là dự án có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.
Sau nhiều năm triển khai, đường Đông Trường Sơn đang dần hình thành, nối liền các khu vực còn khó khăn, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giúp nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống...
"Đông Trường Sơn là tuyến đường lịch sử và huyền thoại, có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống, văn hóa và bộ mặt nông thôn của người dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai. Từ khi triển khai xây dựng tuyến đường này, hàng hóa, sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh được thông thương, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt”. Ông Hà Sơn Nhin |
Tính đến nay, dự án đã thông tuyến hơn 460 km, hoàn thành gần 350 km mặt đường cấp cao, 15 cầu các loại và đang được nghiệm thu, đưa vào sử dụng, nối thông 5/7 tỉnh. Riêng 350 km khu vực Tây Nguyên (đoạn giữa tuyến) hiện đã hoàn thành nối thông các tuyến quốc lộ, có ý nghĩa lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đầu tư cho hệ thống y tế, giáo dục... Đặc biệt, đời sống của người đồng bào dân tộc ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng dọc theo cung đường này đang dần đổi thay, chất lượng cuộc sống cũng từng bước được nâng lên.
Đại tá Hà Huy Hùng, Trưởng phòng hiện trường 2, Ban QLDA 46 đường Đông Trường Sơn (Bộ Tổng tham mưu) chia sẻ: “Đến nay, dự án đã thi công được 55/75 gói thầu, bàn giao đưa vào sử dụng 33 gói thầu, khoảng 400 km. Đa số các gói thầu đều nằm ở các khu vực bản làng người dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên”.
Tâm sự về những ngày “ăn dầm ở dề” ở Trường Sơn Đông, Đại tá Hùng bảo: “Những ngày nhận nhiệm vụ đến với mảnh đất này, con đường chỉ là một vệt bánh xe nhỏ, núi rừng âm u, bụi đất đỏ ngầu. Nhìn con đường trên bản đồ ngoằn ngoèo, bé tí tẹo lúc ấy tôi nghĩ không biết bao giờ mới hoàn thành. Thế nhưng chưa đầy 10 năm (khởi công năm 2007), con đường đã gần tới đích. Nhìn cuộc sống đổi thay trên những con đường, bản thân tôi và các cán bộ, chiến sỹ, công nhân thi công thật sự trào dâng niềm hạnh phúc”.
Không lâu nữa, khi tuyến đường Đông Trường Sơn hoàn thành đồng bộ sẽ là điểm nhấn và là động lực không thể tốt hơn để Tây Nguyên “cất cánh”, đem lại cuộc sống ấm no cho hàng chục triệu đồng bào các dân tộc nơi đây”, Đại tá Hà Huy Hùng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận